Hàng hải

Cảng thu giá “trên trời”, hãng tàu khách cầu cứu

14/03/2021, 09:16

Sau khi nâng mức giá gấp nhiều lần, cảng Thương Chánh còn ép tàu khách Phú Quý Express phải rời cảng đi chỗ khác cập mạn khi trả khách...

img

Cảng Thương Chánh hiện hữu - cảng vận tải hành khách duy nhất ở Phan Thiết, Bình Thuận (Chụp ngày 3/3)

Đơn phương áp đặt mức giá “trên trời”

Ngày 25/2, ông Nguyễn Văn Đáng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải hành khách Thành Thành Phát gửi đơn đến các cơ quan chức năng nhờ “giải cứu”. Lý do, doanh nghiệp này bị Công ty TNHH Cảng Thương Chánh ép giá dịch vụ cảng bến. Đáng chú ý, đây đã là lần thứ ba đơn vị này phải làm đơn cầu cứu các cơ quan chức năng.

Theo ông Đáng, đơn vị đã ký kết với Công ty TNHH Cảng Thương Chánh hợp đồng dịch vụ cầu bến, mức giá neo đậu 1 giờ tại cầu là 16,5 đồng/GRT (Gross Register Tonnage, tổng dung tích); dịch vụ vệ sinh tại cảng là 200.000 đồng/lượt ra - vào; dịch vụ an ninh cho tàu và hành khách là 200.000 đồng/lượt ra - vào… Tính ra, 1 chuyến ra - vào, Thành Thành Phát phải trả tiền thuê cảng khoảng 600.000 đồng.

Tuy nhiên, đến tháng 3/2020, cảng Thương Chánh đơn phương nâng mức giá “trên trời”, buộc Công ty Thành Thành Phát phải trả 2.700.000 đồng/lượt ra - vào nhưng được đậu cố định tại cầu cảng.

Tiếp đó, đến tháng 1/2021, Công ty TNHH Cảng Thương Chánh buộc Thành Thành Phát ký hợp đồng thuê cảng 2.700.000 đồng/lượt ra - vào nhưng không được đậu cố định mà khi trả khách xong phải rời tàu ra vùng nước cập mạn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Đáng cho biết, khi cảng Thương Chánh nâng giá dịch vụ cảng, ông đã yêu cầu họ cung cấp bảng giá chi tiết nhưng không được chấp thuận.

“Họ cố tình lập lờ để làm trái quy định của Nhà nước về mức giá dịch vụ cầu bến, bởi với mức 16,5 đồng/GRT/giờ, trong khi tàu của chúng tôi là 495 GRT thì tối đa 1 ngày, chúng tôi chỉ phải trả khoảng 200.000 đồng phí neo đậu.

Những chi phí khác là quá cao và bất hợp lý”, ông Đáng nói và cho biết, công ty không thống nhất với thỏa thuận mới mà cảng Thương Chánh muốn áp đặt nên ngày 25/2, đại diện cảng này đã ra văn bản gửi Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận về việc ngưng tiếp nhận tàu khách Phú Quý Express.

“Để vận hành con tàu này, chúng tôi phải có đủ 13 người, tổng tiền lương phải trả là 230.000.000 đồng/tháng, chưa tính tiền thuê cảng, tiền dầu và các chi phí khác.

Việc cảng tiếp tục ép chúng tôi không được đậu cố định để đón khách khiến doanh nghiệp không chủ động được giờ chạy tàu vì phải phụ thuộc vào thủy triều. Nguyên nhân là vì khu vực trong cảng chưa được nạo vét, dễ mắc cạn khi nước ròng nên phải đợi nước lên tàu mới được nhổ neo”, ông Đáng phân trần.

Cơ quan chức năng nói gì?

img

Cảng Thương Chánh đang ép tàu khách Phú Quý Express phải rời cảng đi chỗ khác khiến hãng tàu bức xúc

Trao đổi với PV, đại diện Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cho biết, sau khi nhận được văn bản kiến nghị của Công ty TNHH Thành Thành Phát, Cảng vụ đã tổ chức cuộc họp với các bên để tháo gỡ vướng mắc.

Trước đó, ngày 25/5/2020, Cảng vụ cũng đã làm việc và hai bên đã ký hợp đồng thuê trọn gói đoạn cầu cảng dài 45m cho tàu Phú Quý Express neo đậu với số tiền 2.700.000 đồng/lượt ra - vào. Tuy nhiên, ngày 25/2, Cảng vụ nhận được văn bản của Công ty TNHH Cảng Thương Chánh thông báo ngưng tiếp nhận tàu Phú Quý Express…

Để giải quyết vướng mắc, chiều 1/3/2021, các bên liên quan đã tổ chức cuộc họp, trong đó có nội dung Công ty TNHH Cảng Thương Chánh kê khai cụ thể từng loại chi phí để đảm bảo thu theo đúng quy định tại Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận cho hay, Cảng vụ có trách nhiệm giám sát việc thực hiện giá phí neo đậu tại cầu bến. Các loại phí khác như dịch vụ điện, vệ sinh, bảo vệ… do bên thuê và cho thuê thỏa thuận với nhau.

“Cảng Thương Chánh có kê khai, niêm yết các loại giá, tuy nhiên bảng giá chi tiết này chưa được các bên liên quan và cơ quan có thẩm quyền góp ý, chấp thuận”, vị này thông tin.

Theo tìm hiểu, ngày 5/8/2019, UBND tỉnh Bình Thuận cũng ban hành khung giá dịch vụ sử dụng cảng, nhà ga đối với các cảng biển trên địa bàn tỉnh.

Trong đó quy định mức thu giá dịch vụ neo đậu tại cầu bến không vượt quá 16,5 đồng/GRT/giờ (đã bao gồm thuế VAT). Đồng thời, xây dựng biểu giá, khung giá dịch vụ tại cảng đối với các tàu neo đậu tại bến cảng Phan Thiết (cảng Thương Chánh)…

Được biết, sau cuộc họp với Cảng vụ Hàng hải Bình Thuận, phía cảng Thương Chánh giảm 20% giá dịch vụ (còn 2.160.000 đồng/lượt ra - vào) cho Thành Thành Phát đến hết tháng 3, đến tháng 4 sẽ tiếp tục thu mức 2.700.000 đồng/lượt ra - vào. Tuy nhiên, Công ty Thành Thành Phát không đồng ý với mức thu này.

Ông Nguyễn Tấn Lê, Giám đốc Sở GTVT Bình Thuận cho hay, vụ việc này đang được giải quyết trên cơ sở khung giá theo quy định hiện hành và thỏa thuận giữa các bên.

“Sở đang phối hợp với Cảng vụ và Sở Tài Chính để đến đầu tháng 4/2021 sẽ thống nhất khung giá phù hợp cho các bên thực hiện lâu dài”, ông Lê khẳng định và cho biết thêm, cảng Thương Chánh do tư nhân đầu tư, quản lý và có đấu thầu theo đúng quy trình, thủ tục.

Ngày 26/7/2017, Công ty Thành Thành Phát được Sở GTVT Bình Thuận cấp giấy phép dịch vụ vận tải hành khách tuyến đường biển từ bờ ra đảo (Phan Thiết - Phú Quý và ngược lại) phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

Công ty Thành Thành Phát đưa tàu cao tốc Phú Quý Express vào hoạt động, bắt đầu từ ngày 4/1/2019. Tàu cao tốc Phú Quý Express có sức chở tối đa 317 khách, theo đại diện Công ty Thành Thành Phát, nếu mỗi chuyến vận chuyển 280 khách công ty mới hòa vốn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.