Thị trường

Cảnh báo mạng lưới mua bán “tiền ảo” thu lãi “khủng”

11/03/2016, 08:05

Bộ Công thương vừa chính thức khuyến cáo người tiêu dùng, các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia mua bán “tiền ảo”.

16
Cảnh báo mạng lưới “tiền ảo” thu lãi “khủng” - Ảnh minh họa

Gần đây, một số website, diễn đàn và mạng xã hội phổ biến nhiều thông tin về các loại “tiền ảo” như: Swisscoin, Bitcoin, Onecoin, Gem coin, IL coin,… với nhiều lời chào mời các nhà đầu tư tham gia mạng lưới “tiền ảo” để thu lãi “khủng”.

Trước thực trạng trên, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công thương) đã đưa ra khuyến cáo người tiêu dùng và các nhà đầu tư thận trọng khi tham gia mua bán “tiền ảo” hay sử dụng để thanh toán cho các giao dịch thương mại điện tử, tránh các rủi ro bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Được biết, ngay từ khi “tiền ảo” xuất hiện tại Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước đã có thông báo khẳng định Bitcoin và các loại “tiền ảo” tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Việc sở hữu, mua bán, sử dụng “tiền ảo” như là một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người dân và không được pháp luật bảo vệ.

Theo các chuyên gia kinh tế, về bản chất “tiền ảo” chỉ là một sản phẩm ảo mặc định từ thuật toán phức tạp, khó thấy, khó hiểu và khó kiểm chứng, do cá nhân tạo ra và bị lạm dụng biến thành đối tượng kinh doanh “hàng ảo” thuần túy trên mạng. Thực tế, từ 2014-2015, nhiều hệ thống “tiền ảo” như Bitcoin bị cấm giao dịch ở một số quốc gia như: Trung Quốc, Nga, Thái Lan... và thậm chí các hệ thống kỹ thuật cũng bị hacker tấn công như ở Nhật Bản, Hồng Kông... dẫn tới nhà đầu tư và người dân bị thiệt hại nặng nề.

Tại Việt Nam, thời gian vừa qua, cơ quan công an cũng nhận được nhiều đơn trình báo của nhà đầu tư tố cáo bị đối tác mua bán trên mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sau khi chuyển tiền mặt vào tài khoản của đối tượng nhưng không nhận được tiền điện tử quy đổi.

Thiếu tá Vũ Đức Thành, Đội phó Đội 3, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) cảnh báo: “Hoạt động đầu tư tiền điện tử đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, mạo hiểm. Về bản chất, giá trị tiền điện tử không được điều tiết bởi ngân hàng hay chính phủ, mà bị chi phối bởi “nhà cái” - người điều hành hoạt động giao dịch tiền “ảo”. Vừa đá bóng, vừa thổi còi, “nhà cái” có quyền nâng - hạ giá trị tiền điện tử theo ý muốn”.

Theo Thiếu tá Vũ Đức Thành, sau khi phía quản lý sàn giao dịch bán ra một lượng lớn tiền “ảo” và không muốn nhà đầu tư có cơ hội rút vốn, “nhà cái” sẽ tìm cách “xóa sổ” diễn đàn cũng như loại tiền “ảo” đã tạo ra. Lúc này, khả năng đòi lại tài sản đã đầu tư là rất khó.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.