Tài chính

Cảnh báo rủi ro giao dịch trái phiếu doanh nghiệp

22/08/2021, 06:36

Theo quy định hiện hành, chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện hiện tượng “lách luật”, khi một số công ty chứng khoán, ngân hàng thương mại chào mời, phân phối trái phiếu doanh nghiệp không đúng đối tượng.

img

Hiện có tình trạng nhiều nhà đầu tư “lách” các quy định để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ mà chưa nắm rõ tình hình tài chính của doanh nghiệp

Hợp đồng “vỏ bọc”

Chị Dương Xuân Lan (trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) vừa tất toán một hợp đồng mua trái phiếu trị giá hơn 300 triệu đồng sau một năm đầu tư.

Trong lúc chưa biết tiếp tục dùng số tiền này đầu tư vào đâu thì chị nhận được cuộc điện thoại từ một người tự xưng là nhân viên tên Thảo của Tập đoàn A.P mời mua trái phiếu của doanh nghiệp này.

Sau đó, Thảo đã chuyển cho chị Lan bản công bố thông tin về đợt phát hành trái phiếu này. Cụ thể, Tập đoàn A.P dự kiến phát hành 1 triệu trái phiếu, mệnh giá 100 nghìn đồng để thu về 100 tỷ đồng.

Trái phiếu này có lãi suất danh nghĩa 12%/năm, kỳ hạn 3 năm, lãi thanh toán 3 tháng/lần. Đợt phát hành đầu tiên của lô trái phiếu này đã được thực hiện vào ngày 28/7 và đợt hai dự kiến là ngày 26/10 tới đây. Chị Lan cho biết, lãi suất này cao hơn lãi suất trái phiếu chị vừa tất toán là 9,5%/năm.

Tuy nhiên trên thực tế, theo giới thiệu của nhân viên, trái phiếu được chia nhỏ thành các kỳ hạn 1 năm, 2 năm và 3 năm. Lãi suất theo đó cũng khác nhau.

“Họ nói trái phiếu không có tài sản đảm bảo nhưng được Công ty Chứng khoán A.P bảo lãnh thanh khoản, đồng thời còn được Công ty I.D bảo lãnh thanh toán. Tôi cũng được giới thiệu Công ty Chứng khoán A.P và Công ty I.D cũng đều là doanh nghiệp trong hệ thống của Tập đoàn A.P”, chị Lan cho biết.

Tuy nhiên, điều chị Lan băn khoăn là theo quy định mới nhất về phát hành trái phiếu doanh nghiệp dưới hình thức riêng lẻ trong Nghị định số 153/2020 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2021), đợt phát hành trái phiếu này của Tập đoàn A.P chỉ được bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

“Mà để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, tôi phải có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, phải đang đầu tư chứng khoán với giá trị ít nhất 2 tỷ đồng, rồi phải có thu nhập chịu thuế 1 tỷ đồng một năm. Quá khó với người chỉ có vài trăm triệu như tôi”, chị Lan nói.

Nhân viên tên Thảo cũng thông tin, nếu là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp thì sẽ ký hợp đồng mua trái phiếu với Công ty Chứng khoán A.P. Còn là nhà đầu tư nghiệp dư, không đáp ứng được quy định của Nghị định 153 thì sẽ có một cách khác để đầu tư.

“Nhà đầu tư thông thường như tôi thì sẽ ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư A. Nhân viên kia nói đây là công ty trong hệ thống của Tập đoàn, Công ty CP Tập đoàn A.P và Công ty CP Đầu tư A. có cùng chủ tịch hội đồng quản trị”, chị Lan được nhân viên Thảo giới thiệu.

Theo đó, có thể hiểu là nhà đầu tư nghiệp dư như chị Lan muốn mua trái phiếu phát hành riêng lẻ lần này của Tập đoàn A.P sẽ ký hợp đồng hợp tác đầu tư ủy quyền để Công ty CP Đầu tư A. đứng tên mua trái phiếu theo yêu cầu của nhà đầu tư. Trong hợp đồng này sẽ ghi rõ các nội dung: Mã trái phiếu, kỳ hạn, lãi suất...

Không ít nhà đầu tư cũng có tâm tư như chị Lan khi trong tay có số tiền không nhiều nhưng cũng không ít, nếu gửi ngân hàng thì lãi suất thấp, còn đầu tư chứng khoán thì không có thời gian bám bảng giá.

Cảnh báo rủi ro kép

Trên thực tế, không chỉ có Tập đoàn A.P áp dụng hình thức hợp đồng hợp tác và ủy quyền để “vợt” vốn từ những nhà đầu tư nghiệp dư như chị Lan.

Anh Nguyễn Trung Thành (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) cho hay, anh vừa được một người tên Thắng thuộc bộ phận trái phiếu của Công ty T.H.M chào mời mua trái phiếu.

Theo đó, trái phiếu có hai loại, loại có lãi suất cao nhất là 12%/năm nếu nắm giữ 12 tháng. Còn nếu nắm giữ 9 tháng thì lãi suất 10,5%, nắm giữ 6 tháng lãi suất 9,5%, 3 tháng lãi suất 7,9%.

“Họ nói có 2 hình thức đầu tư, nếu là nhà đầu tư chuyên nghiệp thì sẽ nhận chuyển nhượng trực tiếp từ Công ty T.H.M, với điều kiện là đầu tư trên 1 tỷ đồng và nắm giữ trên 12 tháng. Còn một cách nữa là hợp tác đầu tư. Cách này kỳ hạn linh hoạt hơn, được rút trước hạn, không yêu cầu chứng nhận nhà đầu tư chuyên nghiệp và số tiền đầu tư cũng không lớn như nhà đầu tư chuyên nghiệp”, anh Thành nói.

Anh Thành cũng cho biết, khi được mời mua trái phiếu, nhân viên bán hàng nói mệnh giá trái phiếu chỉ 100 nghìn đồng nên không giới hạn số tiền ít nhiều khi mua trái phiếu.

Chính vì không kén chọn, chỉ riêng ban kinh doanh của nhân viên nói trên đã bán được hơn 150 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 7.

Nói về hình thức mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ lần đầu qua một đơn vị trung gian như chị Lan và anh Thành, ông Lê Ngọc Nam, Giám đốc phân tích Công ty chứng khoán Tân Việt cho rằng, ở đây nhà đầu tư không vi phạm quy định nhưng cũng không phải mua trực tiếp trái phiếu từ doanh nghiệp phát hành.

“Ở đây, bản chất là nhà đầu tư mua trái phiếu, nhưng về mặt hình thức và pháp lý là nhà đầu tư chuyên nghiệp mua trái phiếu, còn cá nhân có giao dịch với công ty trung gian. Do đó, rủi ro với nhà đầu tư cá nhân sẽ tăng lên gấp đôi. Trước đây nhà đầu tư chỉ chịu rủi ro từ dự án, từ đơn vị phát hành trái phiếu thì nay còn phải chịu rủi ro thêm một tầng nữa, đến từ khâu trung gian”, ông Nam nói và khuyến nghị, nhà đầu tư nghiệp dư phải tìm hiểu kỹ và phải chấp nhận những rủi ro kép nếu đầu tư trái phiếu qua khâu trung gian.

“Lách thì phải chịu rủi ro”, chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh nói. Ông Minh cũng nhắc lại một trường hợp hi hữu cách đây đúng một năm khi Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Xích Lô Đỏ, một đơn vị có ngành nghề kinh doanh chính là cắt tóc, gội đầu có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, doanh thu 2019 hơn 2 triệu đồng nhưng đã huy động được 738 tỷ đồng thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Ông Minh cho rằng, trong bối cảnh hiện nay khi các doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp huy động vốn qua trái phiếu để duy trì hoạt động.

Do đó, khi lựa chọn, nhà đầu tư phải chịu toàn bộ rủi ro. “Khi ủy quyền thì bên được ủy quyền có thể làm sai hay đúng, rủi ro ấy nhà đầu tư phải chịu”, ông Huỳnh Trung Minh nói.

Về vấn đề này, đại diện Bộ Tài chính cho biết, nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thì phải tự đánh giá rủi ro và tự chịu trách nhiệm.

Pháp luật quy định chỉ nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mới được mua và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ. Điều này là để bảo vệ các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, không có kinh nghiệm, khả năng phân tích, đánh giá các rủi ro khi mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ”, vị này nói.

Do đó, mọi hành vi “lách” các quy định của pháp luật để mua trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ nhưng không đánh giá, phân tích được rủi ro sẽ khiến nhà đầu tư cá nhân nghiệp dư có thể không thu hồi được số tiền mua trái phiếu.

Theo thống kê từ Hiệp hội trái phiếu Việt Nam, có khoảng 72% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm, chủ yếu thuộc các nhóm ngành ngân hàng, chứng khoán. Đối với nhóm trái phiếu bất động sản, hơn 19% khối lượng trái phiếu phát hành không có tài sản bảo đảm.

Theo số liệu thống kê từ Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, 6 tháng đầu năm 2021 có 306 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành đạt 186.683 tỷ đồng. Trong đó, riêng phát hành riêng lẻ là 293 đợt phát hành với tổng giá trị 177.098 tỷ đồng.

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh, Bộ Tài chính mới đây đã có khuyến cáo chủ thể tham gia thị trường này cần cẩn trọng và tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật. Đặc biệt, lưu ý các nhà đầu tư nhỏ lẻ không “lách” quy định để trở thành nhà đầu tư chuyên nghiệp, tham gia giao dịch thị trường trái phiếu doanh nghiệp, vì vừa vi phạm các quy định của pháp luật, vừa gây rủi ro cho khoản đầu tư của mình.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.