Hạ tầng

Cao tốc Bắc - Nam: Thêm hai dự án xin chuyển sang đầu tư công

27/11/2020, 06:30

Hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam hơn 1 năm đấu thầu không chọn được nhà đầu tư nên đã xin chuyển sang đầu tư công.

img
Trước đó, ba dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đã được chuyển đổi từ hình thức đầu tư PPP sang đầu tư công gồm Dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây và Mai Sơn - QL45. Các dự án đồng loạt khởi công vào ngày 30/9/2020 (Trong ảnh: Thi công cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây). Ảnh: Đình Quang

Sau hơn một năm tổ chức đấu thầu, hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu triển khai theo hình thức đối tác công - tư (PPP) đã không lựa chọn được nhà đầu tư.

Nếu được chấp thuận chuyển đổi sang đầu tư công, các dự án sẽ được đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo đồng bộ với các dự án thành phần khác đang triển khai xây dựng.

Hơn 1 năm đấu thầu không chọn được nhà đầu tư

Bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, thông qua nội dung dự thảo báo cáo của Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc chuyển đổi phương thức đầu tư đối với một số dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư.

Liên quan đến dự thảo báo cáo của Chính phủ, đại diện lãnh đạo Bộ KH&ĐT cho biết hiện chưa nhận được bất kỳ văn bản nào liên quan nên chưa thể có ý kiến.

Về phía Bộ Tài chính, ông Lê Tuấn Anh, Phó vụ trưởng Vụ Đầu tư cho biết, về nguyên tắc hoàn toàn có thể xem xét tới nguồn vốn còn dư từ tổng kinh phí đã được Quốc hội phê duyệt cho dự án đường cao tốc Bắc - Nam để thực hiện khi chuyển đổi hai dự án thành phần đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và QL45 - Nghi Sơn sang đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề này cần phải có ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hoàng Ngân


Theo dự thảo, trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư có 6 dự án thành phần sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước (Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, cầu Mỹ Thuận 2, Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu giây) và 5 dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP (QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo).

Đến nay, cả 6 dự án thành phần thực hiện theo hình thức đầu tư công đều đã được triển khai xây dựng. Trong đó, hai dự án Cam Lộ - La Sơn và Cao Bồ - Mai Sơn khởi công từ cuối năm 2019, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2021; Dự án cầu Mỹ Thuận 2 khởi công đầu năm 2020, dự kiến hoàn thành trong năm 2023. Còn lại, 3 dự án đầu tư công khác gồm: Mai Sơn - QL45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây đã khởi công đồng loạt từ 30/9/2020, dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác trong năm 2022.

Đối với 5 dự án thành phần triển khai theo hình thức PPP, trải qua hơn một năm tổ chức sơ tuyển và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư (cả đấu thầu quốc tế và trong nước) từ tháng 5/2019 đến nay có 3 dự án có nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật (Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo) và đang được bên mời thầu đánh giá về đề xuất tài chính - thương mại, dự kiến hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 12/2020. Còn lại, 2 dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư sau đấu thầu gồm: QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Lợi lớn khi chuyển sang đầu tư công

Theo dự thảo báo cáo của Chính phủ, việc chuyển đổi phương thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với hai dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không chọn được nhà đầu tư hiện nay rất cấp thiết. Bởi, khi chuyển sang đầu tư công, hai dự án sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện và tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Theo phân tích của Bộ GTVT, đến nay, cả hai dự án đã hoàn thành thiết kế kỹ thuật, dự toán, công tác GPMB đã đạt khoảng 92%.

Đây là các điều kiện rất thuận lợi để triển khai thi công hai dự án ngay trong khoảng quý I đến quý II/2021, phấn đấu hoàn thành, đưa vào khai thác trong năm 2023, đảm bảo đồng bộ với các dự án từ Ninh Bình đến Tiền Giang (cầu Mỹ Thuận 2) và sẽ sử dụng ngay toàn bộ phần diện tích mặt bằng đã bàn giao để triển khai thi công. Đồng thời hai dự án có thể giải ngân ngay nguồn vốn đầu tư công trong quý I/2021.

Nếu thực hiện điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư theo phương thức đầu tư PPP sẽ kéo dài thời gian thêm tối thiểu khoảng 10 tháng, nhưng cũng không thể khẳng định sẽ lựa chọn được nhà đầu tư.

Trường hợp không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc không huy động được vốn tín dụng để triển khai, sẽ không thể xác định được thời gian hoàn thành dự án và không thể giải ngân phần vốn góp của Nhà nước cho các dự án trong năm 2021.

Về lâu dài, khi chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công đối với 2 dự án QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, đưa vào khai thác đồng bộ, kết nối liên tục với các đoạn đường bộ cao tốc đã và đang triển khai xây đựng, phát huy tối đa hiệu quả đầu tư.

Đây là sự chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để đón bắt thời cơ, thu hút đầu tư và các nguồn lực bên ngoài từ nhiều quốc gia, khu vực phục vụ phát triển đất nước, tạo tiền đề thuận lợi cho phát triển KT-XH năm 2021 và những năm tiếp theo.

Mặt khác, khi chuyển đổi sang đầu tư công, hai dự án QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ bảo đảm chắc chắn triển khai thành công, giảm tổng mức đầu tư do giảm chi phí lãi vay trong giai đoạn xây dựng.

Sau khi dự án hoàn thành, Chính phủ sẽ xây dựng phương án phù hợp để thu hồi vốn Nhà nước. Dù chưa thể bù đắp ngay cho ngân sách Nhà nước trong giai đoạn trước mắt, nhưng về lâu dài cơ chế này sẽ tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển kết cấu hạ tầng trong các giai đoạn tiếp theo.

Về mặt cơ sở pháp lý, tại Khoản 4, Điều 3 Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội quy định: Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trong trường hợp việc đấu thầu các dự án thành phần không lựa chọn được nhà đầu tư.

“Đến thời điểm hiện nay, kết quả đấu thầu hai dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư. Căn cứ các quy định nêu trên, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi phương thức đầu tư”, dự thảo báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Sử dụng vốn đã được bố trí, không tăng tổng mức đầu tư

img
Các nhà thầu đang tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công cao tốc Bắc - Nam đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Ảnh: Đình Quang

Đề cập đến phương án chuyển đổi, dự thảo báo cáo nêu rõ, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định chuyển đổi từ đầu tư PPP sử dụng một phần vốn ngân sách Nhà nước sang đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách Nhà nước đối với 2 dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu.

Trong đó, mục tiêu đầu tư, phạm vi, quy mô đầu tư của dự án không thay đổi, không tăng tổng mức đầu tư so với tổng mức đầu tư đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết 52/2017.

Về nguồn vốn đầu tư, hai dự án QL45 - Nghi Sơn (tổng mức đầu tư 5.201 tỷ đồng) và Nghi Sơn - Diễn Châu (tổng mức đầu tư 7.300 tỷ đồng) khi chuyển sang đầu tư công sẽ sử dụng nguồn vốn Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại Nghị quyết 52/2017 và Nghị quyết 117/2020.

Cụ thể, tổng nguồn vốn Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí cho dự án cao tốc Bắc - Nam là 78.461 tỷ đồng gồm: 55.000 tỷ đồng (Nghị quyết 52/2017) và 23.461 tỷ đồng (Nghị quyết 117/2020).

Kết quả rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư toàn bộ 11 dự án thành phần đến thời điểm hiện nay là 89.201 tỷ đồng gồm: Nguồn vốn Nhà nước (77.940 tỷ đồng) và nguồn vốn nhà đầu tư huy động để triển khai 3 dự án thành phần tiếp tục đầu tư theo phương thức PPP (11.261 tỷ đồng).

Quy trình chuyển đổi bao lâu?

Theo đại diện Vụ Đối tác công - tư (PPP), Bộ GTVT, khi dự án đấu thầu không thành công, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ ra quyết định hủy thầu theo hình thức PPP. Tiếp đó, theo quy định tại Nghị quyết 52/2017 của Quốc hội, Chính phủ sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương chuyển đổi hình thức đầu tư dự án từ PPP sang đầu tư công.

Sau khi dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận, Bộ GTVT sẽ phê duyệt điều chỉnh các dự án, tiến hành tách gói thầu, điều chỉnh thiết kế kỹ thuật, dự toán và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu xây lắp để khởi công xây dựng.

Dự kiến, thời gian từ lúc Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua chủ trương chuyển đổi hình thức sang đầu tư công đến khi các dự án QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu khởi công sẽ mất khoảng 3 tháng (dự kiến khởi công cuối quý I, đầu quý II/2021).

Ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế:
Cần đánh giá toàn diện

img

Tôi ủng hộ chủ trương chuyển đổi hai dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu từ PPP sang đầu tư công. Tuy nhiên, Chính phủ, Bộ GTVT cũng cần đánh giá toàn diện các yếu tố khách quan và chủ quan để đưa ra quyết định hợp lý nhất.

Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến nền kinh tế, do đó, việc đẩy mạnh đầu tư công sẽ là yếu tố rất quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng... Trong đó, phát triển hạ tầng giao thông cần phải được ưu tiên đầu tư. Cao tốc Bắc - Nam là dự án quan trọng quốc gia, được ví như huyết mạch của nền kinh tế cả nước. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng dự án cao tốc Bắc - Nam cần được triển khai càng sớm càng tốt.

Đối với hai dự án thành phần QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, đến nay đấu thầu vẫn không thành công, không lựa chọn được nhà đầu tư thì việc cân nhắc chuyển đổi sang hình thức đầu tư công cũng là giải pháp phù hợp.

Ông Mai Sỹ Diến, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa:
Kịp thời, phù hợp với thực tiễn

img

Chủ trương kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đầu tư một số dự án hạ tầng giao thông theo hình thức đối tác công - tư (PPP) trong bối cảnh ngân sách khó khăn là hoàn toàn đúng đắn.

Tuy nhiên, đối với các doanh nghiệp họ phải thấy có lợi, dự án có hiệu quả kinh tế thì họ mới đầu tư. Riêng hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu thực hiện theo hình thức PPP dù đã trải qua hai lần tổ chức đấu thầu kéo dài hơn một năm nhưng đến nay vẫn không thành công, rõ ràng hai dự án này không hấp dẫn các nhà đầu tư.

Để dự án cao tốc Bắc - Nam phát huy tối đa hiệu quả đầu tư thì các dự án thành phần phải kết nối liên tục với nhau, do đó, cấp thiết phải đầu tư xây dựng hai dự án thành phần đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu càng sớm càng tốt.

Chính vì vậy, chủ trương của Bộ GTVT đề xuất chuyển đổi hình thức đầu tư hai dự án này từ PPP sang đầu tư công trong bối cảnh hiện nay là rất kịp thời và phù hợp với thực tiễn. Tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất của Bộ GTVT và mong muốn Chính phủ, Quốc hội quan tâm để triển khai xây dựng ngay hai dự án này.

Việc đầu tư xây dựng hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đang rất cấp thiết đối với việc thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh Thanh Hóa.

Đặc biệt, việc triển khai hai dự án cao tốc này còn phục vụ ngay Nghị quyết 58/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mong mỏi của Đảng bộ, chính quyền và cử tri tỉnh Thanh Hóa là hai dự án cao tốc QL45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu được triển khai xây dựng càng sớm càng tốt.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.