Đường bộ

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng rút ngắn 120 phút di chuyển

19/05/2022, 17:27

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có vai trò hết sức quan trọng trong việc kết nối liên vùng, lưu thông hàng hóa.

Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng nằm trong mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021 và là một trong những dự án được Bộ GTVT xác định ưu tiên đầu tư.

img

Dự kiến hướng tuyến dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Hồi cuối tháng 4/2022, trong chuyến công tác phía Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã có chuyến khảo sát khu vực cảng Trần Đề.

Báo cáo với Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, dự án cảng biển Trần Đề cùng với dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần phát huy hiệu quả lợi thế đường thủy, đường bộ thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Sóc Trăng nói riêng, khu vực ĐBSCL nói chung.

Liên kết vùng, rút ngắn thời gian di chuyển

Theo số liệu thống kê đến năm 2020, vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khối lượng vận chuyển lớn với khoảng 756 triệu lượt hành khách/năm và khoảng 149,73 triệu tấn hàng hóa/năm, chiếm 20% cả nước.

Theo ước tính có đến 70% lượng hàng hóa của vùng vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng ở Đông Nam Bộ, kéo theo chi phí vận chuyển tăng từ 10% đến 40%/chuyến hàng, tạo áp lực lớn cho doanh nghiệp và làm giảm khả năng cạnh tranh.

Còn nếu vận chuyển bằng đường thủy, hàng hóa từ khu vực ĐBSCL sẽ được tập kết tại các cảng nội địa ở TP Cần Thơ rồi đưa lên Cái Mép - Thị Vải, hoặc từ Cần Thơ trung chuyển sang Singapore đưa đi các nước.

Đều đó khiến hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng phải gánh thêm chi phí, thời gian vận chuyển kéo dài. Nguyên nhân là do cảng biển tại vùng này còn thiếu, nhất là cảng biển nước sâu cho tàu vận chuyển container xuất khẩu.

Do đó, việc xây dựng một cảng biển nước sâu và một tuyến cao tốc kết nối cảng biển nước sâu với các trục cao tốc, QL khác trong khu vực ngay từ thời điểm này là vấn đề bức thiết, gỡ nút thắt cho toàn vùng đồng bằng trong khâu vận chuyển xuất nhập khẩu hàng hóa.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trong chuyến khảo sát khu vực cảng Trần Đề.

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng sẽ là tuyến cao tốc trục ngang kết nối các tỉnh, thành trong vùng, đặc biệt là cảng Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng). Cảng này được xác định là cảng nước sâu chiến lược, phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu, giao thương kinh tế của 13 tỉnh ĐBSCL, nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam.

Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (đơn vị được giao chuẩn bị dự án giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi), dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng có điểm đầu kết nối QL91 thuộc TP Châu Đốc (tỉnh An Giang), điểm cuối kết nối cảng Trần Đề. Tổng chiều dài tuyến này là hơn 188km, trong đó, đi qua địa bàn tỉnh An Giang hơn 56km, TP Cần Thơ hơn 37km, tỉnh Hậu Giang hơn 37km và tỉnh Sóc Trăng hơn 56km.

Ở giai đoạn 1, tuyến được đầu tư với quy mô 4 làn xe, bố trí làn xe dừng khẩn cấp không liên tục với tổng mức đầu tư hơn 44.690 tỷ đồng. Dự án được kiến nghị chia thành 4 dự án thành phần.

Diện tích đất cần sử dụng cho dự án khoảng 1.205ha. Công tác GPMB, tái định cư sẽ được tách thành tiểu dự án độc lập giao cho các địa phương có dự án đi qua tổ chức thực hiện.

Với ưu thế năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, thuận tiện, an toàn, tuyến cao tốc này sẽ rút ngắn khoảng cách di chuyển từ TP Châu Đốc đến cảng Trần Đề khoảng 12km, từ 90-120 phút di chuyển so với các quốc lộ hiện hữu.

Đó là chưa kể đến việc tạo ra không gian mới để phát triển kinh tế, khai thác có hiểu quả quỹ đất, tạo ra nguồn đầu tư phát triển.

Các địa phương trong tâm thế sẵn sàng

Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh, dự án có ý nghĩa, vai trò hết sức quan trọng đối với sự phát triển của địa phương nói riêng, các tỉnh trong khu vực nói chung. Tuyến này không chỉ tạo điều kiện lưu thông, phân phối, vận chuyển hàng hóa, hành khách mà là đường giao thông kết nối liên vùng giữa Châu Đốc, Hậu Giang, Cần Thơ, Sóc Trăng.

Trên tuyến này, TP Cần Thơ dự kiến sẽ hình thành mới khu công nghiệp Vĩnh Thạnh (huyện Vĩnh Thạnh) với quy mô khoảng 900ha, khu công nghiệp Ô Môn (quận Ô Môn).

“Khi dự án được triển hiện nay đang triển khai sẽ kết nối với đường cao tốc này, tạo điều khiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa xuất khẩu qua cảng Cái Cui của TP Cần Thơ, cảng Trần Đề của Sóc Trăng trong tương lai”, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chia sẻ.

Ngoài vai trò kết nối, ông Dương Tấn Hiển còn cho biết, hiện tại TP Cần Thơ đang đối diện với tình trạng ách tắc giao thông trên một số tuyến đường trọng điểm trong giờ cao điểm. Để giải quyết tình trạng này, cần phải tách lưu lượng phương tiện có tải trọng lớn như xe container, xe vận chuyển hàng hóa đi ra ngoài TP. Và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chính là giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắt của địa phương, giảm ùn tắc giao thông, kẹt xe trên địa bàn TP.

“Về nguồn vốn, ngày 27/5 này HĐND TP sẽ họp có Nghị quyết để gửi Quốc hội báo cáo về việc chuẩn bị vốn 1.000 tỷ đồng để thực hiện dự án. Đối với công tác GPMB, tái định cư, TP cũng đã cho triển khai các dự án xây dựng các khu tái định cư để chuẩn bị sẵn. Đảm bảo công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư của dự án, TP Cần Thơ có thể đảm nhận, công tác GPMB đạt tiến độ theo kế hoạch đề ra”, lãnh đạo UBND TP Cần Thơ nhấn mạnh.

Tương tự tại TP Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, thông tin địa phương cũng đã có bước chuẩn bị nguồn vốn, GPMB đoạn qua địa phận tỉnh.

Theo đó, sáng nay (19/5), HĐND tỉnh Hậu Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thông qua Nghị quyết về bố trí vốn ngân sách địa phương để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh).

Cụ thể, HĐND tỉnh Hậu Giang thống nhất bố trí vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 để bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua địa bàn tỉnh) với tỷ lệ 50%, tương ứng kinh phí dự kiến là 823,5 tỷ đồng. Trong trường hợp kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tăng so với dự kiến thì bố trí theo cam kết tỷ lệ 50% để đảm bảo kinh phí thực hiện.

Ngày 18/5, Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã có buổi khảo sát thực địa vị trí triển khai dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Ngoài dự án nói trên, Đoàn cũng đã khảo sát 2 dự án trọng điểm khác đó là tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Cả 3 dự án này được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.