Ẩm thực

Cầu kỳ nghề thẩm rượu vang

04/01/2020, 06:18

Từ một anh chàng phục vụ trở thành một sommelier danh tiếng, Alex Thịnh có rất nhiều trải nghiệm thú vị với rượu vang mà anh chưa từng chia sẻ.

img
Với sommelier Alex Thịnh, uống rượu vang không phải là uống mà là nghiền ngẫm, là thẩm thấu

Triết lý của rượu vang

Trải qua gần 20 năm gắn bó và trở thành chuyên gia thử nếm và phục vụ rượu vang, anh Thịnh có nhiều đóng góp cho ngành rượu vang Việt Nam.


Vang có hàng triệu loại, giống nho khác nhau, điều kiện thổ nhưỡng khác nhau, cách thức sản xuất khác nhau. Nên cái khó đầu tiên là nắm bắt hương vị.

Các sommelier (người nếm thử rượu vang) phương Tây nhiều và nhiều người giỏi bởi họ sinh ra và lớn lên ở vùng đất của rượu vang. Họ cảm nhận được cỏ cây hoa lá, đất nước của họ và họ có rất nhiều trải nghiệm. Khi người khác cảm nhận văn hóa đó, trải nghiệm đó là rất khó. “Cách của tôi ghi nhớ mùi hương, để khi cảm nhận thì đúng là mùi hương trong tưởng tượng của tôi”, Alex Thịnh (tên thật là Nguyễn Tiến Thịnh) chia sẻ bí quyết.

“Có phải anh sinh ra từ miền biển (anh Alex Thịnh sinh năm 1978 ở vùng quê Nghệ An) nên vị giác “nhạy” hơn hay anh có khả năng đặc biệt nào?”, PV đặt câu hỏi. “Việc này là cách học, không phải năng khiếu bẩm sinh hoàn toàn. Bẩm sinh chỉ có khoảng 15%. Những chuyên gia giỏi vẫn phải rất khổ luyện. Nên ai đam mê đều có thể trở thành sommelier giỏi”, anh Thịnh giải đáp và cho rằng, khi đã cảm nhận được rồi thì thấy rượu vang cũng có triết lý.

Từ 2002-2010 anh Thịnh làm việc tại các khách sạn 5 sao tại Việt Nam như: Sofitel Metropole, Hilton Hanoi Opera, Hanoi Sofitel Palaza ở nhiều vị trí như bartender, bar supervisor và somelier. Anh cũng có khoảng 4 năm làm việc tại khách sạn Galaxy Macau cho câu lạc bộ VIP và nhà hàng ăn ngon của Ý.


Chạm vào đúng mạch, anh say sưa: Rượu vang ngon phải có sự cân bằng cay, chát, mặn, ngọt… Cũng giống như cuộc sống của chúng ta, phải có sự cân bằng mới là hạnh phúc.

“Chính rượu vang đã dạy tôi nhiều thứ. Chai vang ngon cũng phải có chiều sâu, tức là phức hợp về hương vị. Cuộc sống cũng thế, phải có chiều sâu tinh tế, có sự đa dạng hiểu biết, bản thân hôm nay phải hơn hôm qua và phải biết cống hiến giá trị bản thân. Ai ngộ ra sớm sẽ thấy cuộc sống nhẹ nhàng”, anh cười.

Anh Thịnh phụ trách quản lý đào tạo cho một doanh nghiệp khi trở về Việt Nam từ Macao năm 2014 và sau đó tách ra kinh doanh riêng từ năm 2018. “Nếu thực dụng và vì cái ngắn hạn thì không bền. Quan hệ trong kinh doanh cũng phải được xây dựng trên cơ sở chân thành. Tứ hải giai huynh đệ. Nếu chưa cho được cái gì thì trước hết hãy cho đi sự chân thành, chứ không phải tiền”.

Anh nói và lấy ví dụ, rượu vang có hàng nghìn nhãn hiệu khác nhau. Nhập khẩu rượu vang là độc quyền nên người kinh doanh tự định giá. Nhưng chỉ công ty lớn hay khách sạn lớn mới có ba-rem, còn ngoài thị trường loạn giá, gây thiệt hại và hoang mang cho người tiêu dùng. “Nhưng những người đến với tôi họ yên tâm vì họ tin. Chỉ cần một lần mất lòng tin, khách hàng sẽ không nói ra đâu, họ sẽ lẳng lặng rời xa mình. Nhưng có được lòng tin sẽ không bao giờ sợ chết đói”, anh Thịnh chia sẻ cái gọi “bí quyết kinh doanh”.

Những “chuyến du lịch” đặc biệt

Anh Thịnh có trình độ cao cấp WSET tại học viện du lịch Macau, Chứng nhận Đại sứ quán rượu Bồ Đào Nha và nhiều chứng chỉ khác…


So với thời vừa tốt nghiệp đại học (khoa tiếng Pháp, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội), mới tiếp xúc và uống rượu vang thấy toàn vị cay, chát; loại vang nào cũng đổ vị như nhau thì đến thời điểm này khi đã qua gần 20 năm, với anh mỗi chai rượu vang giống như một con người.

Anh nói: “Chỉ cần ngửi và nếm là biết nó được sản xuất ở vùng nào, cỏ cây, chất đất ra sao, sản xuất năm nào. Nên nói du lịch qua ly rượu vang không phải không có cơ sở. Uống rượu vang sẽ cảm nhận được hồn đất, hồn quê, truyền thống và con người ở đó”.

Nhưng theo anh Thịnh, điều này không phải ai cũng cảm nhận được mà phải có người chỉ dẫn. Bởi chai rượu vang khi “trẻ” có vị tươi mới nhưng khi “chín” và khi “về già” mùi vị sẽ biến đổi. Hay loại rượu vang được làm từ nho trồng ở vùng khí hậu lạnh có đặc tính khác với loại trồng ở vùng có ánh nắng mặt trời… Hoặc như các men khác nhau cũng cho ra những hương vị khác nhau.

Các giải thưởng anh Thịnh đạt được gồm: Á quân cuộc thi Thách thức rượu vang Bồ Đào Nha, Somelier hay nhất Việt Nam 2015, Giải nhì Sommelier xuất sắc nhất Đông Nam Á + Đài Loan 2015, Bán kết Sommelier Châu Á 2015. Hiện anh Thịnh đang điều hành một doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối rượu vang, hỗ trợ đào tạo tại các trường đại học và trung tâm về rượu vang…


Vậy nên, với sommelier Alex Thịnh, uống rượu vang không phải là uống mà là nghiền ngẫm, là thẩm thấu. Đó là thưởng thức! Bởi uống vang rất tinh tế và không phải uống vì số lượng nên uống rượu vang cũng sẽ làm thay đổi hành vi văn hóa. Chạm nhau ly rượu vang là chạm của văn minh nên anh Thịnh quan niệm không phải tỷ phú mới là người giàu có và thành công.

“Tôi thấy đàn ông được ưu ái nhiều thứ, được đi nhiều nơi và cảm nhận nhiều thứ. Còn bản thân phụ nữ như mẹ tôi, vợ tôi, những người phụ nữ xung quanh quá hy sinh cho cuộc sống. Nên khi thấy một người đàn ông cầm ly vang và biết thưởng thức thì mừng 1 nhưng khi thấy một người phụ nữ ngồi cầm ly vang và biết thưởng thức thì tôi mừng 10”, sợ lời nói không đủ thuyết phục, ánh mắt anh nhìn thẳng người đối diện và dừng lại một lúc lâu.

Nhiều người nghĩ bỏ tiền mua chai vang càng đắt càng ngon nhưng quan điểm của sommelier Alex Thịnh lại không hẳn bởi không ai uống rượu vang đỏ đắt tiền với hàu tươi, cá hồi. Vậy nên chỉ cần nó hợp với món ăn, chai rượu này hợp với thời điểm nào, dịp gì là hoàn hảo.

Rồi anh chuyển qua câu chuyện tửu lượng, uống vang không ai ép nhau mà uống theo ly, tùy khả năng từng người để thưởng thức. Không phải “vào ba ra bảy”, không phải “trăm phần trăm” nên nhiều người uống rượu mạnh chuyển qua rượu vang đều thích. Kết hợp món ăn với rượu vang cũng phải hoàn hảo thì sẽ tôn nhau lên. Hay loại rượu nào kết hợp với ly nào… với anh Thịnh đều là sự trải nghiệm rất công phu, nếu không sẽ triệt tiêu vị và làm giảm giá trị của đồ ăn và cả đồ uống. Những điều đó, anh đã nghiệm ra, nó còn hơn cả cái gọi là văn hóa rượu vang!

Chai vang đắt nhất anh từng nếm trị giá bao nhiêu tiền?
- Chai vang đắt nhất tôi nếm và từng được phục vụ là chai Chateau Lafite Rosthchild 1986 ở vùng Pauillac, Pháp. Và chai khác do một vị khách Trung Quốc yêu cầu hồi còn ở Macao trị giá hơn 200 triệu đồng (năm 2012).

Đến nay anh đã nếm bao nhiêu loại rồi?
- Khi ở nhà hàng tại Macao, trong hầm có khoảng hơn 1.200 đầu rượu và tôi có cơ hội gần như nếm hết số rượu đó trước khi về Việt Nam. Sau này tôi có cơ hội đi đây đó và được nếm thêm nhiều loại nữa. Có những loại lên tới 40, 50 năm tuổi.

Vị nào khiến anh thấy khó nhất, thử thách nhất?
- Cho tới tận bây giờ vẫn là vị khoáng chất trong rượu vang. Khi uống ly vang sẽ thấy sự tinh khiết, liên quan chất đất, nước tưới cho nho... Cái này cũng giống như uống nước khoáng tại Việt Nam với một chai nước khoáng khai thác ở dãy núi Alps (Thụy Sỹ).

Người bình thường có thể cảm nhận được khoáng này ở vị mặn trong rượu vang. Giống nho trồng gần biển hay chất đất thì có vị mặn là dễ cảm nhận nhất, nhưng có những loại nho trồng trên đất có nhiều sắt hay đất từ núi lửa thì có mùi khoáng của đá. Đây chính là vị khó cảm nhận nhất. Tỷ lệ người cảm nhận được vô cùng ít.

Anh có thể tiết lộ thu nhập khi còn làm sommelier không?
- Thu nhập của sommelier tùy thuộc vào mỗi người và tùy vào khả năng chi trả của doanh nghiệp. Tại Việt Nam, nghề này chưa phát triển nhưng thông thường riêng lương của một somelier tầm 1.000 USD/tháng. Còn ở nước ngoài thì cao hơn, tầm 2.000-3.000 USD. Còn hiện nay khi làm công ty rượu vang, tôi giữ chức vụ somelier kiêm giám đốc đào tạo tất nhiên lương và thu nhập cũng khác.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.