Thị trường

"Cha đẻ" gạo ST25 nhượng bản quyền, Nhà nước trả bao nhiêu tiền?

06/05/2021, 14:24

Đây là trường hợp chưa có tiền lệ, nhiều người đang rất quan tâm Nhà nước bỏ ra bao nhiêu tiền để mua bản quyền gạo ST25 từ kỹ sư Hồ Quang Cua.

img

Hiện, "ST25" chỉ bảo hộ giống lúa, ai muốn trồng đều phải thông qua doanh nghiệp của ông, còn gạo được tạo ra từ giống lúa này đều được để tên ST25 theo đơn sở hữu.

"Bán" cho Nhà nước: Mong được trả công xứng đáng

Liên quan đến câu chuyện có 6 doanh nghiệp nước ngoài đã “nhanh tay” đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại thị trường Mỹ và Úc, Báo Giao thông đã trao đổi với ông Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ngon nhất thế giới năm 2019 xung quanh vấn đề này.

Ông Cua cho biết, đã rất mệt mỏi trong những ngày qua và bày tỏ bản thân chuyên tâm nghiên cứu mà chưa chuyên tâm nhiều đến bảo hộ thương hiệu.

“Sự việc 5 công ty ở Mỹ và một công ty ở Úc đã gửi đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu gạo ST24, ST25 cũng được các Thương vụ tại các nước này kịp thời vào cuộc. Tôi cũng đã ủy quyền cho một công ty luật đứng ra thay tôi lo thủ tục và thực hiện đăng ký bảo hộ”, ông Cua thông tin.

Gạo ST24, ST25 do kỹ sư Hồ Quang Cua cùng nhóm các nhà khoa học nghiên cứu, lai tạo. Gạo ST25 đạt giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới tại cuộc thi ở Philippines năm 2019 và giải nhì năm 2020 trong cuộc thi ở Mỹ.

Vị này bày tỏ: “Tôi kinh doanh theo mô hình doanh nghiệp mang tính gia đình, tài chính có hạn, hiểu biết về luật kinh doanh ở nước ngoài hạn chế. Bản thân tôi cả đời dồn tâm huyết, sức lực nghiên cứu nên tôi có nguyện vọng nhượng quyền giống lúa thơm ST25 cho Nhà nước để cùng giữ gìn bản sắc và phát triển”.

Bỏ ngỏ số tiền phải trả để có thể sở hữu bản quyền giống lúa này, ông Cua mong muốn thành quả của mình được trả công xứng đáng khi được biết Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) sắp tới sẽ có chi phí đầu tư cho lĩnh vực giống cây trồng.

Nhà nước mua bản quyền của doanh nghiệp: Chưa có tiền lệ

Trao đổi với PV Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, đây là trường hợp chưa có trong tiền lệ. Trước đây, chỉ có nhà nước bán bản quyền cho doanh nghiệp chứ chưa bao giờ có việc doanh nghiệp bán cho nhà nước.

Tuy nhiên, đây là một giống lúa đặc sắc. Nguyện vọng của tác giả Hồ Quang Cua cũng mong muốn nhiều đơn vị được sử dụng loại giống này.

"Bộ cũng đã nghiên cứu, cân nhắc nguồn tiền trong chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025 để mua lại bản quyền này. Nhưng sẽ xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ để thực hiện", ông Tiến nói.

Theo vị Thứ trưởng, sau khi mua lại bản quyền giống lúa ST25, Bộ này sẽ cùng một số Bộ liên quan như Bộ Công thương, Bộ Khoa học & Công nghệ cùng nghiên cứu, đăng ký bản quyền nhãn hiệu gạo ST25 tại một số thị trường xuất khẩu gạo trọng điểm, tiềm năng, trong đó có thị trường Mỹ.

Đồng thời, sẽ giao cho một đơn vị quản lý giống lúa này, có thể là Cục Trồng trọt để kiểm soát về mặt chất lượng và quy định sử dụng.

"Việc này nhằm đảm bảo mở rộng phạm vi sử dụng nhưng vẫn giữ được chất lượng, thậm chí được nâng cao. Từ đó, hiệu quả đầu tư xuất khẩu cũng đưa lại giá trị cao hơn", Thứ trưởng Tiến nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.