Điện ảnh

“Cha đẻ” phim “Bão ngầm”: “Hội đồng duyệt phim cảm thấy khá sốc”

18/03/2022, 12:14
image

Ngoài nội dung đấu tranh tội phạm với phân cảnh “sốc nhẹ”, “Bão ngầm” còn không ngại nhắc đến những cuộc đấu đá nội bộ, ung nhọt trong ngành.

“Bão ngầm” không nhằm mục đích bóc mẽ

“Bão ngầm” đã hoàn thiện và chính thức lên sóng. Ông thấy “đứa con tinh thần” của mình đã thực sự như mình kỳ vọng ban đầu thưa nhà văn, biên kịch, TS. Đào Trung Hiếu?

Khi bộ phim lên sóng, tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Hạnh phúc vì đứa con tinh thần của mình được đến với khán giả cả nước trong khung giờ vàng. Đặc biệt, phim còn đang là chương trình truyền hình được xem nhiều nhất cả nước với chỉ số rating 4.6.

img

Nhà văn - TS. Đào Trung Hiếu

Điều hạnh phúc hơn cả là tôi cảm thấy sự hy sinh thầm lặng của những người lính, của đồng đội lần đầu tiên được kể một cách tương đối kỹ càng (trong giới hạn cho phép). Thực tế, bộ phim chỉ là những nét chấm phá về hành trình phá án, về sự gian khổ, mưu lược, lòng gan dạ của những trinh sát mà tôi đã từng là một trong số đó.

Sự thật thì thường trần trụi. Đặc biệt phim về thế giới ngầm, ở đó bao gồm cả tội phạm và “sân sau” liên quan đến nhóm lợi ích. Điều này khó tránh khỏi việc động chạm những “vùng cấm”?

“Bão ngầm” là câu chuyện về 3 cuộc chiến đấu trong 1: Cuộc chiến đấu bài trừ tội phạm, chiến đấu làm trong sạch nội bộ và đấu tranh trong tư tưởng, nội tâm người lính để giữ gìn sự liêm chính.

Ngay từ khi tôi đặt bút viết tiểu thuyết và kịch bản phim là để tôn vinh đồng đội của mình - những người lính can trường trên mặt trận đấu tranh bài trừ ma túy và tội phạm hình sự. Đặc biệt là tôn vinh những tấm gương liêm khiết dũng cảm đấu tranh bài trừ khỏi bộ máy những thành phần thoái hóa biến chất.

Tuy nhiên, trên thực tế những năm qua có hiện tượng một số cá nhân trong lực lượng của chúng tôi không giữ được phẩm chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa, sau đó bị xử lý. Câu chuyện này cần phải được mô tả và lý giải.

Mặc dù tôi là một chiến sĩ công an nhân dân nhưng tôi không ngại đề cập đến khía cạnh nhạy cảm này. Tôi có nhiệm vụ thể hiện nó ở mức độ phù hợp để người xem hiểu được rằng có những cuộc “vận động” ngầm như vậy.

Tôi cũng lưu ý thêm, “Bão ngầm” không phải bộ phim phê phán, móc máy hay bóc mẽ những chuyện nào đó đang diễn ra trong thực tại xã hội, dù có đề cập đến nó theo logic câu chuyện. Những vấn đề xã hội được nhắc trên phim, chỉ tạo ra môi trường cho câu chuyện phim diễn ra.

img

Nhà văn - TS. Đào Trung Hiếu và đạo diễn Đinh Thái Thụy ở hậu trường phim "Bão ngầm"

Với đề tài gai góc, đề cập đến nhiều vấn đề cả sáng – tối, anh nhận những bình luận khen chê như thế nào?

Sau khi phim khởi chiếu, có người gọi cho tôi hỏi về việc vì sao đưa nhân vật phản diện trong ngành lên sóng. Tôi nói mâu thuẫn giữa các mặt đối lập là một quy luật khách quan, không thể phủ nhận.

Triết học Mác-xít đã khẳng định rằng các mặt đối lập luôn tồn tại khách quan trong đời sống xã hội, trong mỗi cơ quan, tổ chức, thậm chí trong bản thân mỗi con người chúng ta.

"Bão ngầm" là câu chuyện về cuộc đấu tranh giữa thiện và ác, chính và tà. Nếu không kể về cái ác, hay coi như không có cái ác, thì làm gì có cuộc đấu tranh mà kể? Không có phản diện thì làm gì có chính diện?

Trong khi hiện nay Đảng, Nhà nước ta và lãnh đạo ngành công an đang rất quyết liệt chống tham nhũng, tiêu cực để làm trong sạch đội ngũ, với phương châm “không có vùng cấm trong xử lý sai phạm, tiêu cực”.

Bộ phim này cổ vũ cho chủ trương đó, chứ không nhằm làm xấu đi hình ảnh của người chiến sĩ công an nhân dân. Giới hạn mà tôi tự xác định cho mình là nên mô tả cái xấu với liều lượng thế nào, đến đâu thì vừa, để tránh bị hiểu lầm sang chuyện khác.

Tiếc nhất khâu lồng tiếng

Vậy còn những tranh cãi như lồng tiếng, những cảnh có phần gây sốc như ngáo đá giết 3 người thân hay những pha đánh đấm bạo lực thì sao, thưa anh?

Đúng là tôi nhận được nhiều lời nhận xét, có khen, có chê. Đại đa số khen rằng đây là lần đầu tiên họ được thấy bộ phim hình sự Việt Nam mà làm như phim hình sự nước ngoài, tiết tấu nhanh, hình ảnh công phu đầu tư hàng triệu USD, với 70% là ngoại cảnh, nội dung khó đoán.

img

Phần lồng tiếng của nhân vật do Cao Thái Hà đảm nhiệm gây nhiều tranh cãi

Tuy nhiên, bản thân tôi cũng thấy đáng tiếc ở khâu lồng tiếng của một số nhân vật như nữ chính Lam Hạ (Cao Thái Hà thủ vai) hay vợ ông Tuất (Đinh Y Nhung thủ vai).

Vì bối cảnh bộ phim và nhân vật ở phía Bắc, chúng tôi buộc phải lồng tiếng cho những diễn viên nói giọng miền Nam này. Khâu lồng tiếng đúng là chưa được như ý, đôi khi khiến người xem cảm thấy “giả trân”, thiếu cảm xúc.

Mặc dù đã tiết chế rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn nhận được những ý kiến cho rằng yếu tố bạo lực hơi nhiều. Nhưng nếu để ý kỹ, bạn có thể thấy đạo diễn đã chọn các góc máy mô tả biểu hiện chuẩn bị và kết thúc chứ không đặc tả những hành động tội ác. Các góc quay chỉ lướt qua.

Ở cảnh quay đầu, chủ ý của đạo diễn là muốn gây sốc nhẹ để mọi người thấy được tác hại của ma túy, thứ hai là thấy được cuộc chiến khốc liệt mà người lính phải dấn thân.

Nội dung “Bão ngầm” tôn vinh công an thì đương nhiên phải kể về tội phạm và hành vi của chúng, nếu không công an lấy đất đâu mà thể hiện. Tội phạm càng nguy hiểm, càng tinh vi thì những người chiến thắng càng vĩ đại. Ngoại trừ những tập đầu, càng về sau thì cảnh bạo lực càng ít, thay vào đó là những màn đấu trí, đấu mưu.

Hỏi thật, những cảnh này để được lên sóng VTV, anh có phải “dứt ruột” cắt những đoạn phim đắt giá?

Một chương trình lên sóng giờ vàng của đài Truyền hình Quốc gia chắc chắn đối tượng tiếp cận của tôi mở rộng rất nhiều. Do đó, để cho bộ phim được trình chiếu một cách an toàn, chúng tôi đã chấp nhận cắt và lược bớt đi nhiều phân đoạn. Nhiều chi tiết khốc liệt đã phải làm mờ đi…

img

Hà Việt Dũng đảm nhiệm vai nam chính trong phim

Nhưng vẫn có ý kiến cho rằng, những bộ phim thuộc dạng đề tài về thế giới ngầm, tội phạm khi chiếu sẽ ảnh hưởng đến giới trẻ, làm gia tăng tội phạm?

Là người nghiên cứu về tội phạm học, tôi hiểu rằng có sự tác động từ môi trường sống, trong đó có yếu tố văn hóa đến việc hình thành các đặc điểm nhân cách ở con người.

Phim được thực hiện ròng rã hơn 2 năm trời, quay ở 10 tỉnh thành khác nhau trên cả nước. Kinh phí, thiết bị và dàn diễn viên có thể coi như một đại dự án phim nước ngoài. Riêng diễn viên có tên là 200 người, diễn viên quần chúng thì vô kể. Chúng tôi còn huy động cả tiểu đoàn cảnh sát cơ động với đầy đủ quân trang như xe bọc thép… cho một số đại cảnh bắt tội phạm.

Đối tượng tội phạm là chủ tập đoàn kinh tế lớn nên bối cảnh cũng quay phải sang trọng. Trong phim, chúng tôi đã huy động du thuyền, dàn xe siêu sang, thậm chí là được bạn bè “bao” những căn phòng tổng thống có mức phí 2.000 USD 1 đêm để quay các bối cảnh cho nhân vật ông trùm.

TS. Đào Trung Hiếu

Hiện nay các kênh phim nước ngoài như HBO, Cinimax, YouTube… tràn ngập các loại phim về thế giới ngầm, với hàm lượng bạo lực rất cao.

Mặc dù chưa có nghiên cứu tội phạm học, xã hội học nào về mối quan hệ nhân quả giữa phim bạo lực với diễn biến của tình hình tội phạm, nhưng tôi cũng cho rằng điều này có tác động ít nhiều đến các khán giả trẻ trong giai đoạn định hình nhân cách.

Ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, tội phạm, bạo lực hay thế giới ngầm vẫn là những hiện tượng xã hội tiêu cực đang tồn tại, hiện hữu trong đời sống, không thể phủ nhận nó.

Trong “Bão ngầm”, đời sống trong thế giới ngầm được mô tả với không ít xung đột. Logic của phim không thể không đề cập tới sự tàn bạo, khốc liệt của đối tượng đấu tranh.

Tội phạm càng nguy hiểm thì càng làm nổi bật lên sự quả cảm cùng mưu lược của lực lượng công an nhân dân. Và như tôi đã nói, phim đã được cân nhắc tiết chế rất nhiều sự dữ dội trong các cuộc xung đột.

Không có chuyện công an sống thanh bần

Xem nhiều phim về cảnh sát của Việt Nam, nhưng tôi thấy cảnh sát của “Bão ngầm” khác quá?

Tôi không có ý phê phán những tác phẩm cùng đề tài khác, nhưng xuất thân là một trinh sát ma túy, điều tra trọng án đến điều tra tội phạm công nghệ cao cách kể của tôi có lẽ sẽ thật hơn, sâu hơn.

Trong phim, tôi không quá “lên gân” mà dân dã từ lời thoại cho tới hành động. Thậm chí có nhiều ý kiến nhận xét rằng, sao để công an nói chuyện bỗ bã thế.

img

"Bão ngầm" có nhiều pha hành động mãn nhãn

Hội đồng duyệt phim cũng cảm thấy khá sốc. Nhưng đấy mới là con người thật của chúng tôi. Anh em trong ngành chúng tôi vẫn thân thiết, gần gũi như thế. Đôi khi có thể gọi nhau là ông - tôi, bố - con, hay thậm chí là “đại ca”, sinh hoạt vui vẻ như gia đình.

Có những bộ phim xây dựng hình ảnh công an như một ông giáo làng, dũng cảm trong chiến đấu, đời tư thanh bần, suốt ngày ăn mỳ tôm…

Còn những hình ảnh xưa nay bạn thấy là cố tô hồng cho lực lượng cảnh sát nhưng chúng tôi lại cảm thấy không đúng là mình. Tôi đang xây dựng hình ảnh cảnh sát như những con người rất đời. Sau phút đấu trí, cân não căng thẳng với kẻ thù, họ cũng có thể đi bar “xõa” cùng anh em, bạn bè.

Trong phim, tôi không chỉ tả về những chiến công mà còn tả về những góc khuất đời thường của người lính công an rất ít người biết. Anh em đa phần như gia đình Hải Triều, ai cũng có một niềm say mê cống hiến, khám phá. Mỗi một vụ án với chúng tôi là mỗi bài toán khó kích thích cái tôi của người đàn ông, người lính.

img

Hình ảnh chiến sĩ công an trong "Bão ngầm" được tái hiện gần gũi, chân thật hơn

“Bão ngầm” với chất liệu từ chính trải nghiệm của bản thân anh. Đây có thể coi là một bức tranh sống động về một thời hoa lửa của chàng lính trinh sát Đào Trung Hiếu?

Rất nhiều vụ án hình sự trong “Bão ngầm” đều được tôi lấy từ chính trải nghiệm trong cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm. Tất nhiên tôi không mô tả cụ thể một vụ án nào cả. Với tội phạm ma túy, chất liệu chủ yếu ở thời gian tôi mới ra trường, được phân công nhiệm vụ ở Công an tỉnh Yên Bái.

Lúc đó nhìn tôi hiền lành, trắng trẻo kiểu thư sinh, không ai nói tôi là công an cả! (Cười) Nhưng thực tế tôi rất mạnh dạn, thậm chí anh em còn nói tôi liều. Bản thân một trinh sát là hoạt động đơn tuyến, tôi đi những bước đi của một trinh sát y như Đào Hải Triều, qua rất nhiều hành trình thử thách, nguy hiểm.

Có những chuyên án dày công nhưng vẫn thất bại. Những đêm bắt được đối tượng trong làng thì cả làng lao ra đuổi theo, hay những cuộc rượt đuổi trong rừng sâu trên đỉnh Tà Cơn chỉ với một chiếc đèn pin, chỉ cần trượt chân là lao xuống vực sâu hun hút…

Có lần, tôi bị tên “trùm” dựng dậy, ghì phập xuống đất giữa đêm nói: “Mày là công an!”, súng ống bủa vây xung quanh. Tôi lập tức "nhảy số" bình thản cười nói: “Ừ bố mày là là công an đấy”. Nhưng nó lại không tin.

Suốt những tuần ăn nằm với chúng, tóc tôi bạc trắng vì không đêm nào tôi chợp mắt. Lúc nào cũng “cài đặt” chế độ cảnh giác, có thể bị “khử” và kiểm tra bất ngờ. Sau trận đó, đồng đội còn nói tôi “điếc không sợ súng”.

Đến bây giờ, mặc dù đã chia tay lực lượng chiến đấu để trở thành một nhà văn của Bộ Công an, tôi vẫn đau đáu nỗi niềm nhớ về đồng đội cùng những trận đánh, những kỷ niệm của một thời hoa lửa.

Xin cảm ơn anh về những chia sẻ!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.