Chuyện dọc đường

Cha mẹ "chạy trường", lớn lên con cái nghĩ gì?

27/06/2022, 01:44

Hàng năm, cứ vào dịp nghỉ hè này là ở nhiều nơi, các bậc phụ huynh lại tất bật "chạy" trường cho con cái.

Trước đây, chúng tôi học ở quê, cứ trường nào gần nhà thì học. Học gần nhà để có thể học một buổi, phụ giúp việc nhà một buổi.

Ngoài ra, khi ấy hầu hết học sinh đều đi bộ đến trường, thỉnh thoảng mới có một bạn được đi xe đạp, nên việc học trường gần nhà là giải pháp tiết kiệm thời gian, công sức.

img

Việc "chạy trường" dù bằng biện pháp nào thì cũng bộc lộ những yếu tố tiêu cực.

Tôi nghĩ rằng trường nào cũng giống như nhau, cũng có thầy cô giáo dạy theo chương trình qui định, nên làm gì phải chọn lựa. Khi đó, chúng tôi hoàn toàn không có khái niệm "chạy trường".

Thế nhưng, những năm gần đây, tình hình "chạy trường", "chạy lớp" đã xuất hiện khá nhiều, nhất là ở các khu vực đô thị.

“Chạy trường” có thể hiểu là các bậc phụ huynh tìm cách để con em của mình được vào học ở một trường học được cho là có chất lượng tốt hơn các trường trong khu vực, dù những học sinh này không đủ điều kiện để vào trường đó.

Cũng dễ hiểu thôi, bởi với các bậc cha mẹ, chuyện học hành của con cái luôn là ưu tiên hàng đầu.

Phần lớn phụ huynh quan niệm, trường tốt thì chắc chắn sẽ có nhiều giáo viên giỏi, phương pháp dạy học hiệu quả, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tốt… Được học ở đó, con em của họ có lợi thế hơn những học sinh tại trường khác, nhất là trong các kỳ thi có tính cạnh tranh cao.

Ngoài ra, một số phụ huynh quyết tâm cho con em của mình vào trường điểm, trường tốt đôi khi chỉ vì... muốn thể hiện đẳng cấp.

Nếu con của đồng nghiệp hay của hàng xóm được học trường điểm, mà con nhà mình học trường bình thường thì "mất mặt", nên bằng mọi giá họ phải "chạy trường".

Hiện nay, các bậc học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đều không tổ chức thi tuyển đầu vào, chỉ xét tuyển. Do đó, qui định của một số địa phương là các trường phải xét tuyển học sinh đúng tuyến.

Nghĩa là học sinh ở địa bàn nào sẽ học tập ở trường tại địa bàn đó. Tiêu chí đúng tuyến được căn cứ chủ yếu theo hộ khẩu thường trú của học sinh.

Một số địa phương còn mở rộng tiêu chí để phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ học sinh có hộ khẩu ở địa bàn A, nhưng bố mẹ công tác tại địa bàn B, thì vẫn có thể học tại trường ở địa bàn B, để bố mẹ thuận tiện trong việc đưa rước.

Những qui định này nhìn chung rất hợp lý, hướng đến sự công bằng cho tất cả các trường, tất cả học sinh.

Tuy nhiên, trong thực tế thì có rất nhiều "chiêu bài" để phụ huynh lách luật, "chạy trường". Nhiều người cư trú ở địa bàn này nhưng lại nhập hộ khẩu con mình vào gia đình của người thân ở địa bàn khác, gần trường điểm.

Đến khi tuyển sinh, con em của họ đương nhiên được vào trường điểm một cách “đúng tuyến”.

Chiêu này được phụ huynh truyền tai nhau gọi là “chạy hộ khẩu”, đang diễn ra rất phổ biến.

Hoặc một chiêu khác là “chạy hợp đồng”. Theo đó, một phụ huynh cư trú ở địa bàn A nhưng “chạy” được hợp đồng lao động hoặc giấy xác nhận đang công tác tại công ty, xí nghiệp trên địa bàn B, gần trường điểm.

Dựa trên giấy tờ đó, họ sẽ hợp thức hóa việc "chạy trường" cho con.

Còn ở một số thành phố lớn, việc “chạy” cho con em được học trái tuyến, vào trường điểm, trường nổi tiếng thậm chí phải chi cho “cò” cả trăm triệu đồng…

Có thể thấy, việc "chạy trường" dù bằng biện pháp nào thì cũng bộc lộ những yếu tố tiêu cực.

Bởi các đối tượng chạy trường ngoài việc làm giả hồ sơ, giấy tờ để hợp thức, họ còn phải nhờ những người quen có “vai vế” gửi gắm, phải bỏ ra một khoản phí để “bôi trơn” cho các bên liên quan.

"Chạy trường" đương nhiên sẽ gây ra sự thiếu công bằng trong giáo dục, nhất là trong công tác tuyển sinh đầu cấp tại các trường.

Những trường được cho là chất lượng tốt, trường điểm thì hồ sơ xin vào học rất nhiều, đến mức những học sinh đúng tuyến phải bị loại ra, thay vào đó là những học sinh trái tuyến nhưng có hồ sơ “hợp lệ”.

Còn những trường không phải “top” đầu thì tuyển sinh rất khó khăn, thậm chí là không đạt chỉ tiêu.

"Chạy trường" cũng là gây ra những hệ lụy xấu cho xã hội, như gian lận, hối lộ, suy thoái đạo đức của nhiều thế hệ.

Thử hỏi, những đứa trẻ sẽ nghĩ gì khi biết bố mẹ chúng làm giả giấy tờ, lo lót hoặc sử dụng quyền lực ngầm để đưa chúng vào học ở một ngôi trường tốt?

Sự giả dối này sẽ gieo những mầm xấu vào đầu trẻ, khiến chúng cảm thấy quyền lực hay sự lọc lừa mới tạo ra được vị trí tốt trong xã hội.

Liệu rồi mai này lớn lên, trong cả cuộc sống và công việc, có khi nào các em sẽ học theo cái cách mà bố mẹ đã làm? Phải chăng nhiều bậc mẹ cha đã và đang gieo nhân xấu cho chính con cái mình mà vô tình không biết rằng, sẽ có khi nào đó những nhân xấu đó sẽ biết thành những quả chẳng lành?

Trương Chí Hùng (Nhà giáo)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.