Điện ảnh

Charlie Nguyễn không áp lực về doanh thu khi làm phim

18/07/2016, 07:39

Tôi không muốn kiểu làm việc đạo diễn chỉ đạo cho diễn viên, mà tôi muốn diễn viên như là một đối tác.

KLG_9182
Charlie Nguyễn

Trước lễ ra mắt phim Fan cuồng ở Hà Nội, gặp Charlie Nguyễn để phỏng vấn, anh đùa: “Lại đến giờ hỏi cung à? Ít phút thôi nhé!”, nói vậy thôi nhưng anh say sưa kể chuyện phim, chuyện đam mê, dự định gần xa quên cả thời gian. Và chúng tôi đã có một cuộc nói chuyện rất “đời”.

Đại cảnh 2.000 khán giả tiêu 6 tỉ đồng

Dự định ban đầu kinh phí làm bộ phim chỉ 16-18 tỉ đồng, tại sao lại đội lên những 26 tỉ đồng vậy anh?

Vì trong phim có một màn trình diễn rock trên sân khấu. Lúc đầu chúng tôi tính làm giả cảnh này, nhưng sau đó thấy rằng rock thật khó để giả cho ra chất. Thế là chúng tôi phải làm một buổi trình diễn thật, với những ban nhạc rock và với gần 2.000 khán giả để ghi hình. Đại cảnh xuất hiện trên phim chừng 5-7 phút này đã ngốn của chúng tôi 6 tỷ đồng. Mặc dù đội lên nhưng tôi vẫn hạnh phúc vì có cảnh quay chất đến như vậy.

Tôi đã theo đuổi bộ phim này ròng rã cả năm trời và cùng ê-kíp đoàn phim quay liên tục 4-5 tháng liền không ngừng nghỉ.

Các bộ phim trước của anh luôn đạt doanh thu khủng tại phòng vé. Bộ phim này anh có bị áp lực về doanh thu?

Tôi không muốn nghĩ đến chuyện đó bởi vì không bao giờ biết hay đoán được doanh thu phòng vé. Từ thời làm phim tới giờ, tôi cũng không bao giờ tự tin nói phim này đạt doanh thu phòng vé thế nào. Tôi luôn luôn chuẩn bị tinh thần thất thu. Như thế, nếu phim thất thu mình sẽ rất bình thường.

Xem ra doanh thu phòng vé luôn là một ẩn số bất ngờ?

Lịch sử của điện ảnh thế giới, nhất là Hollywood - một nền điện ảnh thông minh, khoa học và đã phát triển đến mức độ không thể phát triển hơn nữa - nhưng họ cũng không thể nào biết chắc phim nào đạt được doanh thu. Những phim đạt được doanh thu luôn khiến họ bất ngờ. Thế nên, Hollywood có câu truyền miệng với nhau: Không ai biết gì cả!

Với nền điện ảnh non trẻ như Việt Nam, khó biết doanh thu phim của mình thế nào. Chính vì thế không nghĩ và áp lực về chuyện doanh thu. Mình làm vì câu chuyện, vì bộ phim, vì tình cảm dành cho bộ phim, cảm xúc với câu chuyện, mình muốn khán giả có những cảm xúc đó. Doanh thu phim nếu được thì vui. Nếu làm phim mà nhìn thấy nhiều lỗi, mình làm chưa được thì cũng rất là buồn.

Hài cực kì khó làm

Có bộ phim nào của anh mà doanh thu khiến anh bất ngờ không?

Tèo em, Long Ruồi, Để mai tính 1, 2 … là những bộ phim tôi không ngờ nó thành công và doanh thu cao đến vậy.

Những bộ phim doanh thu cao ấy, hầu như chỉ toàn phim hài. Anh có sợ mọi người đánh giá mình một màu, chạy theo thị hiếu khán giả?

Mỗi một bộ phim hài trên đều kể về một câu chuyện khác, con người khác, thể loại khác. Khi làm những bộ phim hài mình phải chiến thắng chính mình, chứ không phải chỉ vì chiều lòng khán giả.

Hài cực kì khó làm, không hề đơn giản như mọi người nghĩ. Nếu làm một bộ phim lấy được tiếng cười khán giả ào ạt như vậy thì cần phải có sự tính toán, một sự cộng hưởng của diễn viên và đạo diễn, biên kịch cực kỳ đầy kĩ thuật và sự sáng tạo trong đó. Nhiều khi mình biết, có thể làm tốt hơn nhưng mình chưa làm được. Những giới hạn chưa vượt qua được lại là động lực khiến mình làm bộ phim tiếp theo chiến thắng những khuyết điểm, chứ không phải làm để có doanh thu và chiều lòng khán giả. Nếu làm phim dựa vào doanh thu, khán giả rất dễ chán.

canh trong phim fan cuong

Cảnh trong phim “Fan cuồng”

Sắp tới anh có định thử sức làm phim mang tính nghệ thuật không?

Có những thể loại kén khán giả, có những thể loại làm ra với mục đích số đông. Tuy nhiên, dù làm số đông hay số ít đều phải hay, hấp dẫn, chạm đến trái tim của khán giả. Mỗi bộ phim có một số phận, không thể nói bộ phim này nghệ thuật, bộ phim này không nghệ thuật. Theo tôi, bộ phim nào cũng là nghệ thuật hết. Có những người họ làm phim cho họ trước. Nhưng xét cho cùng làm phim cũng vì khán giả.

Anh có nghĩ mình sẽ làm phim để tham dự các Liên hoan phim Quốc tế?

Liên hoan phim thường luôn dành ưu tiên cho bộ phim mà không chiếu ngoài rạp hoặc quá kén khán giả. Ngoài ra, cũng tùy theo sự lựa của nhà sản xuất, biên kịch nữa. Khi nhà sản xuất lựa chọn làm bộ phim này để tham gia Liên hoan phim thì trước khi viết kịch bản phải suy nghĩ theo hướng như vậy. Mình làm cho số đông.

Tôi coi Thái Hòa như một người con

6 lần hợp tác với nhau và mới đây nhất là “Fan cuồng”. Theo anh, điều gì ở Thái Hòa giúp anh ấy trở thành một cái tên “hot” tại các phòng vé?

Tôi không muốn kiểu làm việc đạo diễn chỉ đạo cho diễn viên, mà tôi muốn người diễn viên như là một đối tác với mình. Chính vì thế, khi làm việc với Thái Hòa chúng tôi đã cùng cộng hưởng sáng tác để làm cho tác phẩm hay hơn. Chứ không phải đạo diễn kêu diễn viên làm này làm kia, như một người máy. Diễn viên phải có nỗ lực sáng tác, tư duy trên nhân vật của mình chứ không thể tôi giao sinh mạng cho ông đạo diễn, ông kêu gì tôi làm đấy. Nếu làm việc theo quan niệm như vậy, bộ phim không thể tốt được.

Nghệ sĩ Thái Hòa luôn coi anh giống như một người... vợ, còn anh coi anh ấy là gì?

Tôi coi Thái Hòa như một người… con! (cười). Thái Hòa là một người đồng nghiệp, một người đối tác. Càng hiểu nhau và đồng cảm với nhau làm việc sẽ rất là ăn ý.

Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.