Xã hội

Chặt ngọn 8B Lê Trực, phá dỡ công viên nước: Có sai khi dùng ngân sách?

30/05/2020, 06:52

Luật sư cho rằng, chủ đầu tư công trình vi phạm phải trả tiền phá dỡ phần công trình sai phạm.

img
Công trình 8B Lê Trực đang trong giai đoạn cưỡng chế tháo dỡ tầng 18 và 17

Sau nhiều lần yêu cầu chủ đầu tư thực hiện tháo dỡ phần xây dựng không phép nhưng chủ đầu tư không thực hiện, cuối tháng 5/2020, UBND quận Ba Đình (TP Hà Nội) đã tổ chức, triển khai phá dỡ tầng 18 và 17 của tòa nhà 8B Lê Trực. Được biết kinh phí để tháo dỡ 2 tầng của tòa nhà dự kiến trên 38 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được tạm ứng từ nguồn kết dư ngân sách.

Còn tại Công viên nước Thanh Hà, sau 2 tháng cơ quan chức năng quận gửi công văn yêu cầu chủ đầu tư chủ động phá dỡ các công trình vi phạm nhưng không nhận được sự hợp tác, UBND quận Hà Đông đã chỉ đạo phường Phú Lương triển khai kế hoạch tháo dỡ toàn bộ các công trình vi phạm. Ngày 15-16/1, phường Phú Lương tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm tại đây. Được biết, kinh phí tháo dỡ được chính quyền địa phương tạm ứng.

Trước hai sự việc trên, nhiều người đặt câu hỏi, hàng chục tỷ bỏ ra để cưỡng chế công trình xây dựng sai phạm như vậy thì cá nhân, tổ chức nào sẽ phải chi trả số tiền đó? Nếu không chi trả thì sẽ bị xử lý thế nào?

Trao đổi với Báo Giao thông về nội dung này, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn luật sư TP HCM) cho rằng, chủ đầu tư của công trình 8B Lê Trực và Công viên nước Thanh Hà sẽ phải chi trả cho chính quyền số tiền tháo dỡ này.

Bởi, trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính bao giờ cũng có vấn đề buộc phải chấm dứt vi phạm, đồng thời phải khắc phục hậu quả phần sai phạm.

“Theo Điểm c, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định về Xử lý công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng thì cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ”, luật sư Bình dẫn chứng.

Về việc hiện chi phí tháo dỡ hai công trình này đang lấy từ nguồn ngân sách, luật sư Bình cho biết, đó chỉ là tạm ứng trước để giải quyết rốt ráo, kịp thời. Sau đó, chủ đầu tư vẫn phải hoàn trả chi phí này cho nhà nước.

Khi được hỏi nếu sau cưỡng chế mà chủ đầu tư không chịu trả lại số tiền trên thì cơ quan chức năng phải tiến hành các bước gì tiếp theo, luật sư Bình cho biết, trong trường hợp chủ đầu tư không tự nguyện thanh toán thì sẽ có những biện pháp hành chính để cưỡng chế thu hồi khoản tiền này theo quy định pháp luật.

Ngày 29/5, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Tạ Nam Chiến, Chủ tịch quận Ba Đình (TP Hà Nội) cho biết, kinh phí gần 40 tỷ để tháo dỡ giai đoạn 2 phần xây dựng sai phạm của dự án 8B Lê Trực nhà nước chỉ tạm thời ứng ra, sau này chủ đầu tư phải chi trả.

"Số tiền này do chủ đầu tư nhờ UBND quận ứng trước, theo quy định của pháp luật, chủ đầu tư có nhiệm vụ phải trả", ông Chiến nói và cho biết: "chủ đầu tư nên có thái độ hợp tác với chính quyền quận, để đẩy nhanh tiến độ tháo dỡ, phá dỡ. Có như vậy mới nhanh chóng hoàn thiện, nghiệm thu, đưa công trình vào sử dụng, đảm bảo quyền lợi cho những người mua nhà”.

Theo Điều 12 Nghị định 180/2007/NĐ-CP quy định về Xử lý công trình xây dựng không có giấy phép xây dựng thì:

“1. Những công trình xây dựng theo quy định phải có Giấy phép xây dựng, khi xây dựng không có Giấy phép xây dựng, trừ những trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này phải bị xử lý như sau:

a) Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị;

b) Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc phá dỡ công trình xây dựng vi phạm trật tự xây dựng đô thị; đồng thời, áp dụng các biện pháp ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước và các dịch vụ khác liên quan đến xây dựng công trình; cấm các phương tiện vận tải chuyên chở vật tư, vật liệu, công nhân vào thi công xây dựng;

c) Cưỡng chế phá dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện quyết định đình chỉ thi công xây dựng. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế phá dỡ.

2. Đối với những công trình xây dựng không có Giấy phép xây dựng nhưng đủ điều kiện để cấp Giấy phép xây dựng theo quy định thì xử lý như sau:

a) Những công trình xây dựng phải bị lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu chủ đầu tư làm thủ tục xin cấp Giấy phép xây dựng gồm: công trình xây dựng phù hợp vị trí quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng trên đất ở có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, phù hợp quy hoạch xây dựng; xây dựng mới trên nền nhà cũ hoặc cải tạo nhà đang ở phù hợp quy hoạch xây dựng; công trình xây dựng trên đất có đủ điều kiện về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;

b) Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc xin cấp Giấy phép xây dựng, đồng thời áp dụng các biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Trong thời hạn tối đa 60 ngày, kể từ ngày có quyết định đình chỉ thi công xây dựng, chủ đầu tư không xuất trình Giấy phép xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp thì bị cưỡng chế phá dỡ;

c) Sau khi được cấp Giấy phép xây dựng, nếu công trình đã xây dựng sai nội dung Giấy phép xây dựng thì chủ đầu tư phải tự phá dỡ phần sai nội dung Giấy phép xây dựng. Sau khi tự phá dỡ công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng, chủ đầu tư mới được tiếp tục thi công xây dựng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.