Chính trị

Chất vấn, lộ năng lực tư lệnh ngành

16/06/2014, 06:24

Có một số Bộ trưởng tôi thấy có năng lực tốt, tức là khả năng phản ứng trước các câu hỏi, khả năng phản ứng trước tình hình, khả năng đưa giải pháp rất nhanh...

ĐB Đỗ Văn Đương
ĐB Đỗ Văn Đương

Hỏi có vấn đề, đáp có “chất” hơn


Ông có ấn tượng gì về các phiên chất vấn vừa rồi tại QH?


Các phiên chất vấn lần này có đổi mới ở chỗ, thời gian chất vấn đã dài hơn. Trước đây, chỉ có khoảng hai ngày, nay lên 2,5 ngày. Thời gian để các đại biểu hỏi cũng nâng từ 2 phút lên 3 phút. Điều đó giúp các ĐB nói rõ hơn vấn đề cần chất vấn. Và khi đó, cũng là để cho không chỉ Bộ trưởng (người được chất vấn), các thành viên Chính phủ mà nhân dân cả nước biết rõ hơn về thực trạng những lĩnh vực mà nhân dân quan tâm. Nếu thời gian quá ngắn, có khi chỉ đặt được mỗi câu hỏi mà không diễn đạt được ý, thì trả lời hoặc là sẽ không đúng nội dung, hoặc câu hỏi dễ bị bỏ qua. 

Thế còn chất lượng các câu chất vấn, theo ông?
 

Để có những câu trả lời rõ ràng, rành mạch, các Bộ trưởng phải nắm chắc lĩnh vực quản lý của mình, sâu sát các vụ việc, không chỉ là về văn bản mà còn là tổ chức điều hành, quản lý cán bộ.

 

ĐB Đỗ Văn Đương

Chất lượng các câu chất vấn rất là xác đáng, đều là những vấn đề nổi cộm, bức xúc của cả xã hội mà Đảng, Nhà nước cùng quan tâm, cử tri mong đợi. Từ những lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo đến việc xây dựng văn bản, cho đến thanh tra chống tham nhũng, hay cả các vấn đề khác như: Y tế, kinh tế, quốc phòng an ninh, nhất là diễn biến không bình thường, căng thẳng ở trên biển Đông. Đó là những chủ đề được hướng rất trọng tâm, trọng điểm gắn với tình hình hiện có của đất nước. 

Số lượng đại biểu tham gia chất vấn (nhìn thấy trên màn hình) nhiều hơn các kỳ trước. Điều đó thể hiện trách nhiệm của ĐB và các câu hỏi mà ĐB đặt ra, đa dạng, phong phú, có nhiều điểm trùng nhau, thể hiện cùng chung mối quan tâm, bức xúc. Có những câu hỏi của ĐB hết sức cụ thể, có tính chất sự kiện tình huống, nhưng lại là điển hình và là điều mà dư luận và cử tri đang quan tâm. 

Kỳ chất vấn này, có rất ít ĐB phải đặt lại câu hỏi, phải chăng các tư lệnh ngành đã trả lời tốt, trực diện, không né tránh và làm hài lòng ĐB?


Cách diễn đạt của ĐB đã ngắn gọn hơn, không mang tính chất kể lể, nên chừng mực nào đó, phiên chất vấn trở nên sôi động hơn. Có những câu hỏi rất thẳng thắn, như lợi ích nhóm trong xây dựng chính sách pháp luật, rồi vấn đề “hệ thống pháp luật phức tạp nhất thế giới”, cũng đều được nói thẳng ra, không né tránh. Đương nhiên, phức tạp là vì đang trong quá trình đổi mới, nhiều lĩnh vực chưa có pháp luật điều chỉnh, tất yếu để đi đến một thứ pháp luật gọn, thông thoáng thì phải rắc rối trước đã. Muốn viết được ngắn thì trước hết phải viết dài. 


Về góc độ trả lời, có thể khẳng định, các Bộ trưởng đã phát huy hết tinh thần trách nhiệm, lo lắng, cố gắng làm sao thể hiện được trách nhiệm của mình trước cử tri cả nước. Về cơ bản, nội dung các câu trả lời rõ ràng, thẳng thắn và trách nhiệm. Ví dụ như các vụ này, các vụ kia nói hết, xử lý kỷ luật như thế nào cũng đã nói, nợ đọng văn bản thế nào, bao nhiêu văn bản trái pháp luật cũng đã nói, rồi nợ công có an toàn không cũng công bố rõ. Cái đó là một sự trả lời rất rõ ràng, thẳng thắn và cũng rất trách nhiệm.
 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn


Nên dành thời gian cho các bộ trưởng khác giải trình thêm


Qua việc trả lời những câu hỏi của ĐB, ông có nhận xét gì về mức độ nắm bắt công việc, ngành, lĩnh vực và trách nhiệm được giao của những vị tư lệnh ngành?


Bản thân mỗi Bộ trưởng chỉ phụ trách một ngành, lĩnh vực nào đó, chứ cũng không thể bao quát hết được. Lĩnh vực này thì thường đụng chạm lĩnh vực kia. Ví dụ, lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo đụng chạm đến vấn đề pháp luật, liên quan đến tài chính, kinh phí. Hay như vấn đề thanh tra tham nhũng liên quan đến thể chế, liên quan đến quản lý cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ và nhiều Bộ khác. Một Bộ đứng lên trả lời cũng không nắm hết được lĩnh vực của những Bộ khác, nên mỗi câu hỏi mà ĐB nêu ra đều móc xích đến nhiều bộ, ngành quản lý. 


Cái hay là thông qua chất vấn, thông qua trả lời của Bộ trưởng, thì thấy rằng cần có một sự điều chỉnh hợp lý về cách điều hành của Chính phủ nói chung và người đứng lên đại diện Chính phủ trả lời về một lĩnh vực là anh phải bao quát được tình hình. Tất nhiên là anh bao quát tình hình, nhưng trọng tâm là anh phải có một trách nhiệm rất lớn trong lĩnh vực anh được phân công phụ trách, lĩnh vực mà anh được quản lý Nhà nước. Thông qua cái chung này cũng bộc lộ năng lực cá nhân của các Bộ trưởng. Có một số Bộ trưởng tôi thấy có năng lực tốt, tức là khả năng phản ứng trước các câu hỏi, tức là khả năng phản ứng trước tình hình, khả năng đưa giải pháp rất là nhanh. Nhưng cũng có Bộ trưởng cũng lòng vòng, đi vào viện dẫn các văn bản pháp luật, làm mất thời gian. 

Vậy ông ấn tượng với phần trả lời của Bộ trưởng nào nhất?


Thông qua chất vấn cũng biết được Bộ trưởng nào có trách nhiệm hay không có trách nhiệm. Vì chỉ khi anh có trách nhiệm thì những câu trả lời sẽ dễ dàng, rành mạch hơn. Và để có những câu trả lời như thế, vị ấy phải nắm chắc lĩnh vực quản lý của mình, sâu sát các vụ việc, không chỉ là về văn bản mà còn là tổ chức điều hành, quản lý cán bộ. Tôi thấy, anh Phong Tranh (Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh - PV) trả lời rất trách nhiệm. Nhưng một mình ông ấy cũng không thể có trăm tay nghìn mắt để xử lý mọi việc được. Nhưng đại diện cho một bộ, ngành mà nói được như vậy, tôi cho là có trách nhiệm. 


Còn anh Cường (Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường) cũng vậy, cũng rất trách nhiệm. Không phải xây dựng pháp luật chỉ có Bộ Tư pháp. Ngay Chủ tịch QH cũng nói, trách nhiệm thuộc các Ủy ban và hiện nay theo quy trình làm luật là các Ủy ban, vai trò thẩm định, chỉnh lý, phản biện ra làm sao. Thậm chí, đó còn là trách nhiệm của ĐBQH nữa. Tại sao ở tổ không phát biểu, lên nghị trường cũng không. Tính phản biện ít và phát biểu vẫn mang tính chất xếp hàng, cứ bấm nút chờ phát biểu, như vậy ít tính tranh luận. 

Các phiên chất vấn đều được tường thuật trực tiếp trên truyền hình để cử tri cả nước tiện theo dõi, cũng như có những “phán xét” của riêng mình về từng vị tư lệnh ngành. Ông có nghĩ nên tăng thời gian các phiên chất vấn, thay vì 2,5 ngày? 


Theo tôi, kéo dài cũng không ổn. Nói thế thôi, chứ để có 1 - 2 tiếng đứng chất vấn là trước đó trăn trở cả mấy tháng. Cũng đừng nên thúc ép quá, làm thế thì giống như gây áp lực về mặt tinh thần. Cho nên lựa chọn một số vấn đề trọng điểm, chọn vài câu hỏi đáng hỏi, sau đó còn nhiều việc phải làm chứ không chỉ giải quyết ở phiên chất vấn đó. 


Nhưng trong mỗi kỳ, có thể mạnh dạn nên chọn ngoài những Bộ trưởng trả lời chính thì có lẽ cần tăng cường trả lời của các bộ, ngành liên quan. Ví dụ, ông Bộ trưởng trả lời chính, chiếm thời gian khoảng 3 tiếng, thì ít nhất các Bộ trưởng khác có khoảng một tiếng giải trình bổ sung, để làm cho rõ vấn đề liên quan mà các ĐB quan tâm đặt câu hỏi. 

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Minh Thành 

(Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.