Thế giới giao thông

Châu Á thiếu cả phi công và thợ máy hàng không

11/04/2014, 07:07

Ngành công nghiệp hàng không khu vực châu Á Thái Bình Dương đang đối mặt với nguy cơ thiếu hụt lượng lớn phi công và thợ máy bảo dưỡng.

Airbus đang xây dựng một trường đào tạo nhân sự hàng không tại Bắc Kinh
Airbus đang xây dựng một trường đào tạo nhân sự hàng không tại Bắc Kinh

Thiếu cả phi công lẫn thợ máy


Nhu cầu đi lại bằng đường Hàng không tăng 35%; Đội máy bay trong khu vực tăng gấp 3; Các hãng hàng không cần thêm 13.000 máy bay mới. Đó là dự báo của Tập đoàn Boeing giai đoạn từ 2013 - 2032. Và phải cần thêm 500.000 phi công mới có thể điều khiển hết số máy bay sẽ được đưa vào sử dụng. Riêng ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ phải cần tới 192.300 phi công, 40% trong số đó (77.400 phi công) là nhu cầu của Trung Quốc. 

"Thị trường sẽ tăng trưởng gấp đôi trong vòng 15 - 20 năm tới nhưng hãy nhớ rằng trong 15 - 20 năm trước đây, nó cũng tăng trưởng gấp đôi. Điều đó nghĩa là chúng ta có thể xoay xở được nhưng chúng ta nên vượt lên và giải quyết nó trước khi nó thực sự trở thành vấn đề khó khăn”.

 

Randy Tinseth
Phó Giám đốc Tiếp thị của Boeing

Cũng theo báo cáo của Boeing, hàng không châu Á Thái Bình Dương sẽ cần khoảng 215.300 thợ máy mới từ nay đến năm 2032. Tỉ lệ này chiếm 43% nhu cầu thợ máy toàn cầu. Do đó, sự thiếu hụt phi công và thợ máy trong thời gian tới là không tránh khỏi. 

Ông Bony Sharma - Phó Giám đốc tập toàn Mil-Com Aerospace - có trụ sở chính tại Singapore nhận định: “Thiếu nhân sự là thử thách lớn mà các hãng hàng không đang phải đối mặt. Tất cả vốn họ đã dành để mua rất nhiều máy bay, vậy thì lấy đâu ra chi phí đào tạo phi công, kĩ sư và nhân sự làm công tác quản lý để điều hành hoạt động của các hãng này”. Còn David Stewart - nhà phân tích hàng không thuộc Công ty tư vấn ICF International lại lo ngại về tình trạng thiếu thợ máy bảo dưỡng: “Chúng hoàn toàn có thể đào tạo một người từ không biết gì trở thành cơ phó trong một năm rưỡi. Nhưng với thợ máy bảo dưỡng máy bay thì phải mất tới 5 năm để đào tạo và cấp chứng chỉ”. Stewart nhận xét việc thiếu hụt phi công đã được đề cập tới từ nhiều năm trở lại đây và vấn đề thiếu thợ máy lại luôn bị gạt ra. 

Không thể đào tạo kịp


Theo Bony Sharma, Mil-Com đang tiến hành đào tạo nhân sự cho một số hãng hàng không châu Á - Thái Bình Dương. Có một điểm chung giữa các hãng đó là khó khăn trong việc tuyển dụng đủ nhân sự để thực hiện tham vọng to lớn của họ. Theo sự mô tả của Sharma thì đó là sự thiếu hụt nghiêm trọng phi công, nhân viên mặt đất. Chính vì thế họ cạnh tranh với nhau rất mạnh mẽ. Thách thức do đó càng lớn”. Sharma nói: “Sự thiếu hụt này vô cùng to lớn. Thậm chí chúng tôi có mở 100 trường đào tạo hàng không thì vẫn không thể đáp ứng đủ ”. 


Ông Randy Tinseth - Phó Giám đốc Tiếp thị của Boeing nói: “Những giải pháp chúng ta có thể thực hiện là hợp tác với các Chính phủ, các trung tâm đào tạo, các hãng hàng không và tập trung vào xây dựng chương trình huấn luyện cho phép đào tạo đủ số phi công cần thiết. Chúng ta phải cố gắng thoát ra khỏi rắc rối trước khi nó xảy ra”. 
 

Airbus - đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Boeing cũng xây dựng một trường đào tạo nhân sự hàng không ở Bắc Kinh. Tuần trước họ thông báo kế hoạch hợp tác với Singapore Airlines để thiết lập một trung tâm đào tạo khác trị giá 64 triệu USD tại Singapore. Mil-com cũng hợp tác với Trung Quốc thành lập trường dạy hàng không ở Tân An và Thiên Tân.

 

Minh Hương (Theo CNN)

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.