Thế giới giao thông

Chạy đua giao hàng siêu nhanh tại Mỹ

27/10/2021, 06:42

Cách đây gần 2 thập kỷ, Amazon ra mắt Prime - dịch vụ giao hàng trong 2 ngày và được coi là một quyết định mang tính cách mạng...

Hiện nay, khi ngành vận tải, thương mại điện tử bùng nổ, thời gian giao hàng đang ngày càng rút ngắn. 20 phút, thậm chí ngắn hơn nữa là mức thời gian mà các đơn vị giao hàng đặt ra để cạnh tranh nhau, tạo nên cuộc đua giao hàng siêu nhanh, bùng nổ tại New York, Mỹ và sắp tới có thể lan ra khắp thế giới.

img

Quảng cáo giao hàng nhanh nhan nhản khắp đường phố New York. Ảnh: CNBC

Thị trường sôi động để làm thỏa mãn khách hàng

Cuối tuần qua, Gopuff (đơn vị tiên phong trong lĩnh vực giao hàng liền tay, có mặt tại 1.000 thành phố ở Mỹ và châu Âu) đã khai trương dịch vụ giao hàng tại TP New York, Mỹ.

Cách đó vài tháng, nhiều đơn vị quốc tế như Buyk (Nga) và Gorillas (Berlin, Đức) cũng ra mắt tại đây. Sắp tới, sẽ có thêm Getir (Thổ Nhĩ Kỳ) lấn sân. Tất cả đều cạnh tranh chung một mục tiêu - giao hàng nhanh nhất có thể.

Ngoài các đối thủ trực tiếp, các đơn vị này còn phải cạnh tranh với các doanh nghiệp bán lẻ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thuốc khi họ cũng đang muốn phát triển tiện ích này làm tiêu chí hấp dẫn khách hàng.

Mới đây, hệ thống siêu thị lớn của Mỹ - Walmart ra mắt tính năng giao hàng nhanh dưới 2 tiếng.

Hệ thống cửa hàng mỹ phẩm Ulta Beauty và LVMH cũng thông báo kế hoạch giao hàng trong ngày với các sản phẩm như lotion, son môi, các sản phẩm làm đẹp khác trên một số thị trường chọn lọc.

“Nếu các công ty giao hàng siêu nhanh hấp dẫn khách hàng, lượng khách từ các hệ thống bán lẻ, khách tới trực tiếp các cửa hàng sẽ giảm mạnh”, nhà phân tích bán lẻ Laura Kennedy làm việc tại Công ty tư vấn CB Insights đánh giá.

Không giống với dịch vụ giao hàng bên thứ 3 như UberEat (tương tự GrabFood của Việt Nam), các đơn vị này sẽ có “cửa hàng ngầm”, thực chất là những kho hàng mini ở vị trí trung tâm để giao hàng nhanh tới các khu vực khác của thị trấn.

Các cửa hàng này không đón khách mà chỉ có khu bày hoa quả, rau, tủ làm mát chứa sữa chua, sữa tươi... gian hàng bán đồ ăn vặt.

Khi người mua bấm nút, nhân viên lên đơn sẽ chọn hàng từ giỏ và giao cho nhân viên giao hàng, gửi tới tay khách hàng chỉ trong 10-15 phút.

Ông Slava Bocharov, Giám đốc điều hành Buyk cho biết, dịch vụ giao hàng của họ không chỉ nhanh hơn mà sẽ làm thay đổi cách người tiêu dùng mua hàng.

Thay vì phải mua hàng trước cả tuần hoặc chạy tới 2-3 cửa hàng, người dùng có thể mua món hàng mà họ muốn như hoa quả tươi, bánh mỳ... chỉ trong thời gian ngắn.

Một ví dụ là Buyk - chi nhánh tại Mỹ của Samokat, công ty giao hàng có trụ sở tại St. Petersburg (Nga). Đơn vị này mới ra mắt tại New York tháng trước và có kế hoạch mở rộng tới Thủ đô Washington, TP Chicago và Boston, Mỹ.

Ông Bocharov cho biết, công ty đã mở khoảng 800 cửa hàng ngầm tại 25 thành phố. Mỗi tháng, đơn vị này đã thực hiện khoảng 7 triệu đơn hàng.

Tại Nga, nhiều khách hàng của Buyk không có tủ lạnh nên sử dụng dịch vụ này để mua hàng tươi mỗi ngày.

“Cơ hội vàng” từ Covid-19

img

Nhân viên giao hàng của Gorillas. Ảnh: AFP

Theo bà Laura Kennedy, làm việc tại Công ty Phân tích CB Insights, đại dịch Covid-19 đã tạo ra cơ hội chín muồi cho các doanh nghiệp giao hàng cực nhanh.

Vì các quy định hạn chế đi lại, giãn cách xã hội phòng dịch, người tiêu dùng đã chọn cách mua sắm trực tuyến và giao hàng để đảm bảo an toàn và thuận tiện.

Chưa kể, vì dịch bệnh nên giá cho thuê rẻ hơn, thị trường cho thuê nhà đất tại thành phố vốn đông đúc và đắt đỏ như New York đã giảm nhiệt, tạo điều kiện cho các công ty trên dễ dàng tìm được cửa hàng với giá phải chăng.

Nhận thấy cơ hội mới, giới đầu tư tăng tốc đổ tiền vào các công ty này. Chẳng hạn, Gopuff đã thực hiện 2 vòng gọi vốn và thu về số tiền lớn nhất trong ngành dịch vụ giao hàng siêu nhanh trong năm nay, nâng tổng số vốn của doanh nghiệp lên gần 3,4 tỷ USD, theo CB Insights.

Công ty Gorillas vừa thông báo gọi thêm gần 1 tỷ USD trong vòng gọi vốn mới kết thúc cách đây 1 tuần. Trong đó, riêng ngân sách dành cho phát triển “cửa hàng tiện lợi ngầm” đã tăng gấp 5 trong 2 năm qua lên mức 5,76 tỷ USD tính đến giữa tháng 10, theo CB Insights.

Bài toán lợi nhuận

Trong khủng hoảng, cơ hội tạo ra cho các doanh nghiệp này khá lớn nhưng có tận dụng được và duy trì lâu dài, thu hút lợi nhuận được hay không lại là việc khác.

Ông Kenedy thừa nhận, thị trường giao hàng nhanh đã quá bão hòa và chưa có đơn vị nào nổi bật.

Trên thương trường chật chội này, các công ty đua nhau cạnh tranh nhau về tốc độ, giá cả... Chẳng hạn hãng Jokr đề xuất giảm 30% đơn hàng đầu tiên của khách. Hãng Buyk và Fridge No More đánh mạnh miễn phí giao hàng.

Gopuff chọn cách đa dạng hóa mặt hàng, với hơn 4.000 sản phẩm từ thực phẩm cho thú cưng đến sản phẩm cho trẻ em.

Ở một số nơi Gopuff còn bán cả rượu, thực phẩm nóng sốt như cafe, bánh mỳ kẹp...

Khi nói về lợi nhuận, CEO Buyk - ông Bocharov cho biết, công ty này đang tập trung xây dựng cơ sở khách hàng tại Mỹ trước, sau đó mới tính đến lợi nhuận.

Ông Bocharov tính toán, mô hình “cửa hàng ngầm” của công ty tại các thị trường khác trên thế giới thường mang về lợi nhuận sau 8 tháng vận hành.

Khách cần là gọi, nhanh như mở vòi nước

Ông Slava Bocharov, Giám đốc điều hành Buyk ví von hệ thống giao hàng của mình như “vòi nước” với kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ thống dễ dàng và liên tục, khách hàng không cần phải tích trữ hàng hóa. Khách cần là gọi, nhanh như mở vòi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.