Chuyện dọc đường

Chỉ nói 1 câu, mọi lời ép uống đều dừng lại

31/01/2020, 06:53

Quá hạnh phúc khi lần đầu tiên trong đời, chỉ cần nói 1 câu: “Chút nữa em phải lái xe” là mọi lời chào mời, ép uống đều dừng lại.

img
CSGT Quảng Trị kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên Quốc lộ 1

Trước khi có Nghị định 100, mỗi dịp Tết đến, xuân về là lúc chúng ta “ướp” người trong rượu. Nói không quá, với nhiều người, cả cái Tết chỉ có ăn và nhậu. Nhưng năm nay thì khác, tiền phạt đã làm thay đổi tất cả.

Đối với những bà vợ có chồng là “ma men” thì lòng vui phơi phới, khi bớt cảnh chồng chân nam đá chân xiêu mỗi khi về nhà.

Nhưng với dân nhậu thì họ cố tìm ra trăm phương ngàn cách để phản biện lại Nghị định 100 với mức phạt được cho rằng “cướp tiền của dân”, “có say đâu mà phạt”.

Đám đàn ông mê nhậu đổ xô đi mua máy thổi kiểm tra nồng độ cồn. Cái rẻ thì vài trăm nghìn, cái đắt thì vài triệu. Hỏi một người buôn hàng này thì câu trả lời là có ngày em bán được vài trăm máy.

Thậm chí nhiều người cãi cùn, Tết năm nay mặc dù giảm uống rượu bia nhưng số người chết vì TNGT giảm không đáng kể suy ra tài xế uống rượu bia không phải là nguyên nhân chính gây ra tai nạn.

Xin phải nhắc lại: Luật không cấm uống rượu bia. Luật chỉ cấm uống xong điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà thôi. Có ý thức thì tai nạn mới giảm sâu và ngay, cấm uống rượu bia lái xe chỉ là một phần trong ý thức lái xe mà thôi. Tiền phạt cao không phải để “cướp tiền” của ai mà để “tặng lại” mạng sống cho mọi người.

Thây kệ, ai phản đối cứ phản đối. Với tôi quá hạnh phúc khi gần 50 tuổi, lần đầu tiên trong đời, chỉ cần nói 1 câu: “Chút nữa em phải lái xe” là mọi lời chào mời, ép uống đều dừng lại.

Bởi ai cũng thấm chỉ cần uống 1 ngụm, lên xe đi 1 đoạn là hoàn toàn có thể gặp 1 chốt CSGT kiểm tra nồng độ cồn. Nhẹ thì 7 triệu, nặng thì 35 triệu và tịch thu bằng lái 23 tháng. Cũng vì mức xử phạt đủ sức răn đe như vậy mà rất nhiều mâm cỗ đã bớt đi chai rượu, lon bia mà thay vào đó là những lon nước ngọt, nước suối. Vừa an toàn khi đi đường vừa tốt cho sức khỏe.

Rõ ràng để tạo nên ý thức thì cần 2 yếu tố. Tuyên truyền giáo dục để cho người ta biết và có chế tài đủ mạnh để người ta sợ.

Nếu chỉ giáo dục mà thiếu chế tài thì dân sẽ coi thường, không tuân thủ. Còn nếu chỉ chế tài nặng mà không tuyên truyền thì dân sẽ không biết cách để thực hiện dẫn đến chống đối.

Nếu CSGT duy trì được việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông thì hay biết bao. Nhưng chế tài nặng dễ dẫn đến tiêu cực.

Vì một nền giao thông văn minh, xin hãy nói không với tiêu cực khi xử lý và dứt khoát không thỏa hiệp với ma men.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.