Xã hội

Chính phủ đã dành được 470.000 tỷ đồng để phát triển hạ tầng giao thông

05/11/2022, 17:37

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết nhiệm kỳ này đã dành 470.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông, cao gần gấp 3 lần so với trước.

Tăng cường hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông

Trong phiên chất vấn chiều 5/11, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) đề cập đến vấn đề ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng khiến nhiều đô thị ven biển của nước ta thường xuyên bị ngập mặn, gặp nạn khi mưa lớn, triều cường.

Nữ đại biểu đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho biết trong quy hoạch phát triển đô thị nước ta, xây dựng hạ tầng cấp thoát nước, giao thông… đã cập nhật như thế nào, các kịch bản biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng và hướng giải quyết ra sao cho một quốc gia đất hẹp, người đông như nước ta?img

Đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên)

Đại biểu nhấn mạnh, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông là một trong ba khâu đột phá chiến lược quan trọng, Thủ tướng Chính phủ đã có chiến lược, giải pháp nào để thực hiện thành công nhiệm vụ này?

Trả lời, Thủ tướng cho biết, nước ta là 1 trong những nước chịu biến đổi khí hậu rất lớn, cần nhận thức và hành động tương xứng với những tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở đồng bằng Sông Cửu Long không những sạt lở mà còn lún, nước biển dâng cao…

Trước tiên, phải đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với nước ta như thế nào, khảo sát ở các vùng trọng điểm như đồng bằng Sông Cửu Long, miền Trung hay sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc.

Cùng với đó, xây dựng thể chế, đảm bảo nguồn lực. Thủ tướng cho biết, vừa qua chúng ta đã dành nhiều nguồn lực cho vấn đề này, đảm bảo hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu như hệ thống đê điều, hồ đập… Không những huy động nguồn lực của nhà nước mà còn cần huy động nguồn lực theo phương thức hợp tác công – tư.

Ngoài ra còn cần chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế, tăng cường quản trị trong đó quản trị quốc gia là quan trọng.

img

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Về chiến lược phát triển hạ tầng nói chung và hạ tầng giao thông nói riêng, Thủ tướng cho biết, nước ta có hạ tầng chiến lược, bao gồm cả hạ tầng cứng, hạ tầng mềm, hạ tầng về giao thông, hạ tầng về chống biến đổi khí hậu đến hạ tầng về xã hội, y tế, giáo dục.

"Nhiệm kỳ này đã dành 470.000 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng giao thông, cao gấp 3 lần so với năm trước, dự kiến dành 165.000 tỉ đồng, nhưng cuối cùng chỉ huy động được 134.000 tỉ đồng", Thủ tướng nói.

Bên cạnh đó, cần phải tăng cường hợp tác công tư để phát triển hạ tầng giao thông.

"Chính phủ đang tổng kết vấn đề thực hiện BOT, nghiên cứu thêm về BT để xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để thực hiện. Có như vậy mới phát triển được hạ tầng giao thông và hạ tầng chiến lược nói chung" - Thủ tướng nói.

Việt Nam tập trung ba động lực tăng trưởng

Trả lời câu hỏi của đại biểu Hoàng Văn Liên (đoàn Long An) về bài học phục hồi kinh tế, duy trì tăng trưởng sau Covid-19, Thủ tướng cho biết, Việt Nam có ba nền tảng vĩ mô là tăng trưởng, chống lạm phát, việc làm.

Vừa qua, Việt Nam kiên trì mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn. Bằng các giải pháp khác nhau, Việt Nam đã thực hiện được mục tiêu này.

img

Đại biểu Hoàng Văn Liên (đoàn Long An)

Vì nguồn vốn có hạn nên Chính phủ đã tập trung vào ba động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu. Đó là quan điểm và giải pháp lớn để đất nước có được thành quả như hiện nay.

Nêu vấn đề dự thảo Nghị quyết năm 2023 với mục tiêu tăng CPI là 4,5%, đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cho hay lạm phát toàn cầu tăng mạnh, Việt Nam là quốc gia là nền kinh tế có độ mở cao, nhiều nguyên vật liệu đầu vào sử dụng nguyên vật liệu nhập khẩu thì mục tiêu 4,5% có khả thi?

Về nội dung này, Thủ tướng cho rằng chống lạm phát là phải "cầu kéo, cung đẩy". Tức là cầu giảm đi, cung bên ngoài sao cho hợp lý, cân bằng cho phát triển. Ta lựa chọn mục tiêu thế nào vừa kiểm soát lạm phát và thúc đẩy đẩy tăng trưởng, đó là vấn đề cân bằng.

Về "cầu kéo", Thủ tướng cho biết, theo thống kê là 752 mặt hàng và 11 nhóm. Qua kinh nghiệm về kiểm soát lạm phát, rổ hàng hóa lớn nhất là ăn uống chiếm 39,3%; xây dựng, vật liệu chiếm 19%; cộng thêm trang thiết bị, đồ gia dụng, ăn mặc, giáo dục và y tế… chiếm tổng cộng là 86%. Vì vậy chống lạm phát cần tập trung vào nhóm "cầu kéo", để đưa tiền ra cân đối về đầu tư công cho phù hợp.

Kinh nghiệm theo Thủ tướng, đó là không những làm đủ ăn mà phải xuất khẩu, thì nông nghiệp là quan trọng. Về cung đẩy là kiểm soát các chi phí liên quan xăng dầu, các chi phí khác….

"Việc giữ ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng, lạm phát và việc làm thì phải tìm được điểm cân bằng", Thủ tướng nhấn mạnh.

Kiên định đường lối đối ngoại "không chọn bên"

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, thế giới đang có nhiều diễn biến khó lường, khó đoán định. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết một số định hướng đối ngoại cơ bản và thái độ của Việt Nam.

"Nhân dân, cử tri, đại biểu Quốc hội muốn biết quan điểm của Đảng, của Chính phủ về vấn đề này để thống nhất phát ngôn và hành động", ông Trí nói.

Thủ tướng cho biết trong cương lĩnh Đại hội XIII, Hiến pháp đã quy định rất rõ Việt Nam theo đuổi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa; là bạn bè tốt, đối tác tin cậy của tất cả nước trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển và là thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.

Chính phủ đang cụ thể hóa đường lối chung này với ba trụ cột chính là ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, thu được nhiều kết quả quan trọng.

"Đường lối đối ngoại của chúng ta là không chọn bên mà chúng ta chọn công lý và lẽ phải. Vì vậy, các vấn đề liên quan đến quốc tế vì hòa bình, hợp tác, phát triển khu vực trên thế giới, phù hợp với đường lối, quan điểm đối ngoại của chúng ta vừa qua, chúng ta thể hiện thái độ theo tinh thần như vậy", người đứng đầu Chính phủ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.