Hồ sơ tài liệu

Chính trường Thái Lan bế tắc sau thiết quân luật

22/05/2014, 06:37

Sau thiết quân luật một ngày, hôm qua (21/5), quân giới đã chủ trì một cuộc họp với sự tham dự của các phe phái. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị ở Thái Lan vẫn chưa có lối thoát…

Bangkok đang trong tình trạng thiết quân luật
Bangkok đang trong tình trạng thiết quân luật


Bàn thảo thất bại…


Chiều qua, Tư lệnh lục quân Thái Lan - Tướng Prayuth Chan-ocha mời các bên liên quan bao gồm Thủ tướng tạm quyền Niwattumrong Boonsongpaisan, thủ lĩnh phe áo đỏ Jatuporn Promphan, thủ lĩnh phe biểu tình chống chính phủ Suthep Thaugsuban và Phó chủ tịch Thượng viện tạm quyền Surachai Liengboon-lertchai tới dự cuộc họp tìm cách giải quyết khủng hoảng. Thủ tướng tạm quyềnNiwattumrong Boonsongpaisankhông có mặt. 


Chính phủ tạm quyền và phe áo đỏ muốn tổ chức bầu cử sớm trong khi phe biểu tình và thượng viện ủng hộ việc chỉ định một Thủ tướng trung lập không qua bầu cử để thành lập một chính phủ tạm quyền chịu trách nhiệm thực hiện cải cách đất nước. Trong khi đó, chính phủ tạm quyền đề xuất một cuộc bầu cử vào ngày 3/8 tới.


Cuộc họp đã kết thúc mà không đạt được bất cứ một kết quả khả dĩ nào khiến cho các phe phái hài lòng. Tổng Thư ký Ủy ban Bầu cử Thái Lan Puchong Nutrawong nói: "Tư lệnh lục quân đã yêu cầu chúng tôi về nhà và nghĩ về những điều đã thảo luận nhằm tìm ra một giải pháp cho đất nước". 


Ngày hôm nay (22/5), một cuộc gặp khác vẫn do quân đội chủ trì sẽ tiếp tục bàn thảo tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị đã kéo dài gần 10 năm qua.

… tiếp tục biểu tình


Cho dù sự xuất hiện của quân đội nhằm ngăn cản các cuộc đụng độ giữa 2 phe ủng hộ và phản đối chính phủ nhưng thủ lĩnh biểu tình chống Chính phủ Suthep Thaugsuban tuyên bố sẽ tiếp tục nỗ lực hạ bệ chính phủ tạm quyền bất chấp thiết quân luật. Về phía những người ủng hộ chính phủ, họ vẫn khẳng định sẽ tiếp tục đối trọng lại với phe đối lập và duy trì hoạt động trên cả nước. Cả 2 phe vẫn đang cắm trại tại nhiều khu vực ở Bangkok.
 

Năm 2006, Thái Lan trải qua cuộc đảo chính quân sự khởi đầu cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài này khi quân đội lật đổ Thủ tướng Thaksin Shinawatra. Đến nay, ông Thaksin vẫn là tâm điểm của đời sống chính trị khi những người biểu tình đặt ra mục tiêu lật đổ “chế độ Thaksin Shinawatra”. Đã có 28 người thiệt mạng và hơn 700 người bị thương kể từ khi làn sóng biểu tình phản đối chính phủ nổ ra tháng 11 năm ngoái tại Thái Lan.

Campuchia và Malaysia hiện đã khuyến cáo công dân nên xem xét lại các quyết định đến Thái Lan trong thời điểm này. Nên cảnh giác và theo dõi diễn biến thông qua các phương tiện truyền thông địa phương và quốc tế. Bộ trưởng Thông tin Campuchia Khieu Kanharith cho rằng: "Khách du lịch nên coi trọng sự an toàn của bản thân và không tới những nơi có đụng độ hay căng thẳng, đặc biệt là Bangkok. Chúng tôi đang theo dõi sát sao tình hình ở Thái Lan".

Trong khi đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã hối thúc tất cả các bên “cùng hợp tác nhằm tìm kiếm một giải pháp cho thế bế tắc chính trị kéo dài thông qua đối thoại một cách xây dựng. Các bên cần bình tĩnh tối đa, kiềm chế sử dụng vũ lực và tôn trọng đầy đủ nhân quyền. Đồng thời, ông Ban Ki-moon nhấn mạnh con đường để đảm bảo hòa bình và thịnh vượng cho Thái Lan là “thông qua sự tôn trọng đầy đủ các nguyên tắc dân chủ và tham gia vào các tiến trình dân chủ”. Ngoài ra, các nước Mỹ, Pháp, EU đều bày tỏ quan ngại và yêu cầu các bên tôn trọng nguyên tắc dân chủ.


Trước những lo ngại của cộng đồng quốc tế, quân đội Thái Lan khẳng định, sẽ không có đảo chính như năm 2006 - mở màn cho bế tắc chính trị kéo dài tại Thái Lan đến bây giờ.

Quang Minh - Trang Trần

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.