Đời sống

Chọn giờ xuất hành đầu năm 2021 và hướng chuẩn nhất

11/02/2021, 21:00

Hàng loạt thông tin về cách chọn giờ xuất hành năm 2021, vậy đâu mới là cách xuất hành năm mới chuẩn nhất?

img

Xuất hành đầu năm là một phong tục, không nên quá cầu kỳ phức tạp đến mức máy móc “kiêng vô lý”.

Xuất hành đầu năm là gì?

Xuất hành đầu năm là một phong tục của người Việt. Từ thời xa xưa, xuất hành đã trở thành nghi thức được thực hiện khi bước sang năm mới. Theo đó, người xuất hành sẽ đi ra khỏi nhà, khỏi khoảng không gian thuộc gia đình đi đến bất kỳ một nơi nào đó đủ xa và làm một việc bất kì.

Trước khi xuất hành, mỗi người cần tìm hiểu về hướng và giờ nào tốt, phù hợp với cung mệnh của mình.

Điều này đóng vai trò quan trọng giúp việc xuất hành trở nên có tác dụng hơn. Chọn đúng hướng sẽ mang đến sự thuận lợi, may mắn trong sự nghiệp của mình.

Hơn nữa, xuất hành “đúng” sẽ mang đến sự bình an, hạnh phúc cho gia đình. Tăng sự kết nối với những mối quan hệ bên ngoài.

Theo nhà nghiên cứu phong thủy, cảm xạ học Nguyễn Thắng (Tây Hồ, Hà Nội), chọn ngày giờ tốt xuất hành xuất phát từ ý niệm tốt đẹp: Dù là với bất cứ ai, việc gì, ở đâu, đi đâu đều luôn mong cầu có được những thành quả, điều thiện lành.

Chọn giờ tốt xuất hành năm 2021 sao cho đúng?

Thực tế việc chọn ngày giờ tốt xuất hành ngày nay khá loạn nhịp bởi “mỗi thầy mỗi sách”. Chẳng hạn trong dịp đầu năm Tân Sửu, người ta kháo nhau phải xuất hành phương Tây Nam để đón hỷ thần, tài thần; Hay phải xuất hành ngay giữa đêm giao thừa (Giờ Tý), giờ Ngọ, giờ Mùi của ngày mồng Một, hay vào các ngày giờ đẹp khác nữa như mồng Hai, mồng Bốn…

Tuy nhiên theo ông Thắng, việc xuất hành đầu năm không nên quá cầu kỳ phức tạp đến mức máy móc “kiêng vô lý”.

“Trong những công việc quan trọng như cưới hỏi, khai trương,… có thể theo tập tục cho an lòng về mặt tâm lý và căn cứ vào sinh khắc tuổi can, chi ngũ hành và sao hạn để luận, nếu sinh thì tốt, khắc thì cơ bản là xấu.

Tuy nhiên ngày Tết để đoàn viên, thăm hỏi họ mạc, bầu bạn, người thân, mà nếu cứ phải ngày đẹp mới đi thăm nhau thì còn gì là không khí Tết! Không nhẽ, cả Tết đều là ngày xấu thì chả ai đến nhà ai ư? Hoặc ngày đẹp để đi chơi xa, để xuất hành cầu “buôn may bán đắt”, còn ngày xấu thì đi thăm người thân, họ mạc, xóm làng ư?”,

Dẫn giải thêm, ông Thắng cho biết: “Ví như năm Tân Sửu xét về can chi là thuận, được sinh, Sửu Thổ sinh Tân Kim. Năm này, nếu tuổi Ất Mùi, Đinh Mùi là xung với Tân Sửu, bởi Ất/Đinh đều xung phá Tân, Mùi Sửu tương xung.

Nhưng thực tế lại không hẳn là vậy, đó phần nào chỉ là quan niệm xung khắc dựa trên cơ sở của lịch can chi ngũ hành mà thôi. Vẫn có rất nhiều người năm tuổi, xung khắc nhưng cả năm mạnh khỏe, làm ăn tấn tới, con cháu đuề huề. Nên mọi ý niệm cũng chỉ là tương đối".

Theo ông Thắng, dịp Tết vẫn thường được ví von “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ngụ ý đây là lúc người nông dân nhàn rỗi khi ruộng mạ vừa cấy xong, có khi xong luôn từ trước tiết lập Xuân để rảnh rang đón Tết, vui Xuân!

Xét về khí ngũ hành thiên tạo, mùa Xuân mộc vượng, có mưa xuân tưới nhuần khiến đất đai mềm ướt, tốt cho cây cối đâm chồi nẩy lộc, nên vào mùa Xuân thường có Tết trồng cây.

“Ông bà ta xưa, mỗi dịp Tết đến xuân về, đón năm mới cũng thường chọn ngày giờ xuất hành, chọn người xông đất ngày mùng Một Tết, nhưng chỉ đơn thuần là mong cầu mưa thuận gió hòa dựa theo tiết khí, sự biến đổi của thời tiết, khí hậu để làm sao phù hợp với việc trồng trọt, gieo cấy phục vụ cho công việc đồng áng, chăn nuôi, khởi sự làm các công việc quan trọng đầu năm mới với quan niệm “đầu xuôi, đuôi lọt” chứ đâu có cầu kỳ phức tạp đến mức máy móc “kiêng vô lý” như bây giờ”, ông Thắng chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.