Chính trị

Chống tham nhũng không làm “chùn bước” người dám nghĩ, dám làm

06/10/2021, 07:04

Quá trình chống tham nhũng, tiêu cực cũng giúp chúng ta cũng nhận ra trong cơ chế, chính sách có chỗ nào chưa hợp lý để từ đó tiếp tục bổ sung,

Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII là một trong những nội dung rất quan trọng của Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII đang diễn ra.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng (Ban Tổ chức Trung ương) khẳng định, Nghị quyết đã tạo chuyển biến lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

img

Ông Nguyễn Đức Hà

27 biểu hiện như tấm gương phản chiếu

Ông có thể đánh giá 5 năm qua, Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII đã đi vào cuộc sống như thế nào?

Rất ít có nhiệm kỳ Đại hội nào mà BCH T.Ư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tập trung lãnh đạo, chỉ đạo với quyết tâm chính trị cao về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng như nhiệm kỳ XII.

Điều này thể hiện qua việc Trung ương đã có 4 Nghị quyết, 1 Quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành hàng trăm văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về công tác này.

Trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng vậy.

Trong Nghị quyết Trung ương 4, Đảng đã chỉ ra 27 biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Việc này có ý nghĩa như thế nào đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng?

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XI đặt ra ba vấn đề cấp thiết cần phải đấu tranh để tạo chuyển biến trong thực tế.

Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII tiếp tục cụ thể hóa, chỉ ra 9 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, 9 biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống và 9 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Việc lần đầu tiên Trung ương đưa vào Nghị quyết quy định 27 biểu hiện nêu trên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng. Vì những tiêu chí này như là tấm gương phản chiếu để tất cả cán bộ đảng viên đều soi vào, xem xét bản thân có “dính” vào biểu hiện nào không để mà sửa chữa, khắc phục. Đây cũng là cơ sở pháp lý để xử lý đối với những cán bộ đảng viên vi phạm.

Có ý kiến cho rằng, với 27 biểu hiện này thì dễ “kiểm tra đâu cũng ra sai phạm”. Ý kiến của ông thế nào?

Tôi cho rằng, ý kiến này chưa khách quan, bởi quan điểm chung là siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và đề cao pháp luật của Nhà nước.

Rõ ràng một thời kỳ chúng ta buông lỏng, chính sự buông lỏng đã dẫn đến nhiều tiêu cực, sai phạm đến mức phải kỷ luật, thậm chí là truy tố nhiều cán bộ, đảng viên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nói, mất mát, thiệt hại về kinh tế thì chúng ta có thể làm ra bù lại, nhưng mất mát về cán bộ, con người là mất mát lớn nhất, đau xót nhất.

Quy định về 27 biểu hiện này để giúp những vụ việc nhỏ, sai phạm nhỏ không tích tụ trở thành sai phạm lớn. Vì sai phạm lớn thì dẫn đến mất cán bộ.

Chống tham nhũng, bảo vệ người dám nghĩ, dám làm

img

Báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII là một trong những nội dung rất quan trọng của Hội nghị T.Ư 4 khóa XIII

Riêng trong nhiệm kỳ XII đã có 87.210 đảng viên bị thi hành kỷ luật, trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc xử lý mạnh tay”sẽ làm cán bộ “chùn bước”, không dám dấn thân. Ông có nghĩ như vậy?

Tôi cho rằng điều đó hoàn toàn không đúng.

“Chỉ trong một nhiệm kỳ 5 năm, Ban Chấp hành Trung ương đã có 4 Nghị quyết và 1 Quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, là một điều rất hiếm có.
Để cụ thể hóa các Nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các cơ quan Ban đảng ở Trung ương ban hành trên dưới 300 văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo về nội dung này, thể hiện quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, liên thông.
Liên thông ở đây muốn nói đến giữa Đảng và Nhà nước. Khi Trung ương có Nghị quyết thì Quốc hội đã nhanh chóng vào cuộc rà soát những luật có liên quan, Chính phủ kịp thời ban hành những Nghị định thực hiện chủ trương đó, các cấp ngành có sự đồng bộ từ trên xuống. Chính điều này đã đem lại niềm tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân rất lớn”

Ông Nguyễn Đức Hà


Bởi trong nhiệm kỳ Đại hội XII chúng ta đã có những có con số rất ấn tượng về phát triển kinh tế, tăng trưởng nhiều năm ở mức 6 - 7%, đặc biệt năm 2020, đại đa số nước trên thế giới tăng trưởng âm thì chúng ta vẫn tăng trưởng dương với 2,9%.

Quá trình chống tham nhũng, tiêu cực cũng giúp chúng ta cũng nhận ra trong cơ chế, chính sách có chỗ nào chưa hợp lý để từ đó tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Thông qua cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, chúng ta đã thu lại số tiền của không hề nhỏ, đó là một nguồn lực để chúng ta tái đầu tư, góp phần vào sự phát triển đi lên của đất nước.

Đi đôi với việc chống tiêu cực, tham nhũng chúng ta còn có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo vì lợi ích chúng của dân tộc, nhân dân.

Cụ thể bằng việc, ngày 22/9 vừa qua, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 14 về việc khuyến khích và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới vì lợi ích chung.

Theo ông vì sao gần đây các kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư lại tạo nên sức hút, quan tâm lớn của toàn dân như vậy?

Trước đây, Ủy ban Kiểm tra T.Ư kết luận rồi báo cáo Bộ Chính trị, sau đó có thể thông tin được cung cấp một cách nhỏ giọt, nhưng bây giờ sau khi kết thúc kỳ họp đã công bố rộng rãi cho toàn Đảng, toàn dân biết.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư những năm gần đây được mọi tầng lớp nhân dân quan tâm bởi nội dung đã đi vào những góc khuất mà trước đây có thể còn né tránh, nể nang.

Như vậy là nhân dân biết được Đảng đang làm gì, kết quả ra sao, từ đó càng củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân với Đảng.

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, theo ông, để “nhốt” quyền lực trong “lồng cơ chế” cần phải kiểm soát thế nào?

Có thể khẳng định, bất kỳ quốc gia nào cũng có tham nhũng, ở nước ta thời nào có tham nhũng. Tham nhũng gắn liền với quyền lực, nó như hình với bóng.

Chính vì thế, một trong chủ trương rất lớn của Đảng ta đặt ra đó là làm thế nào để kiểm soát quyền lực. Cụ thể hóa chủ trương này, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền.

“Lồng cơ chế” để “nhốt” quyền lực không chỉ được xây dựng bằng những nội quy, quy định mà còn phải dựa vào sức dân. Trong lịch sử phát triển của Đảng, Đảng ta luôn coi trọng việc dựa vào sức dân, từ đó đã đi hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.