Xã hội

Chủ tịch huyện Hải Lăng lên tiếng việc ký văn bản cứu trợ xôn xao dư luận

22/10/2020, 09:51

Việc ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch huyện Hải Lăng (Quảng Trị) ký văn bản về tiếp nhận, phân phối hàng cứu trợ gây tranh cãi suốt mấy ngày qua.

img
Đoàn cứu trợ của Báo Giao thông đi thuyền vào vùng lũ của xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị để trao quà cho người dân

“Câu từ diễn đạt chưa hết ý”

Trao đổi với PV Báo Giao thông về việc này, ông Lê Đức Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho hay, thời điểm ông ký văn bản, nước lũ dâng cao, việc di chuyển bằng thuyền hoặc ca nô rất nguy hiểm.

Việc ông ký ban hành văn bản trên không phải “gây khó” cho các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm mà chỉ với thiện ý là đảm bảo an toàn cho người đi cứu trợ.

“Kênh tiếp nhận và phân bổ hàng hóa cứu trợ là do MTTQ huyện phụ trách. Tuy nhiên, do cơ quan này ít người nên UBND huyện rất nóng ruột, mong muốn làm sao kịp thời tiếp nhận và phân phối hàng cứu trợ đến tận tay người dân trên tinh thần đảm bảo việc điều tiết hàng cứu trợ một cách hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn cứu trợ", ông Thịnh nói.

Theo ông Thịnh, trên tinh thần đó, UBND huyện đã lập Tổ tiếp nhận có danh sách điện thoại kèm theo. Tổ tiếp nhận này do một Phó Chủ tịch UBND huyện làm tổ trưởng, còn đại diện MTTQ huyện là tổ phó.

Trong khi đó, theo Nghị định 64, MTTQ là cơ quan tiếp nhận và phân bổ, nên UBND huyện điều chỉnh lại Tổ tiếp nhận do đại diện MTTQ làm Tổ trưởng để điều hành, còn chính quyền giúp hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho người đi cứu trợ.

“Chúng tôi cũng nói thật là thực tế có nhiều chỗ các đoàn cứu trợ đến quá nhiều, nhưng nhiều chỗ không có ai, nên cũng rất mong muốn làm sao các đoàn thông tin qua huyện để huyện hỗ trợ thông tin về điểm cần cứu trợ. Đồng thời, trong lúc đoàn cứu trợ đi thì có người dẫn đường, hướng dẫn đi cho an toàn, xuống đến xã thì phối hợp với Mặt trận xã để có danh sách. Tất cả chỉ với mong muốn bà con nào khó khăn đều nhận được hỗ trợ từ các đoàn thiện nguyện, chứ không phải nơi nhận quá nhiều, nơi thì không có”, ông Thịnh nói.

“Ý của chúng tôi là như thế, nhưng nhiều lúc trong câu từ, văn bản cũng diễn đạt chưa hết ý và chúng tôi cũng như các ban ngành sẽ giải thích thêm. Chúng tôi rất cầu thị và mong các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm hiểu và chia sẻ.

Hiện nay, nước lũ cơ bản rút rồi nên xe ô tô đi được, chỉ còn một số nơi bị ngập. Các tổ chức, cá nhân và nhà hảo tâm cần phương tiện ô tô vận chuyển hàng cứu trợ trong nội bộ huyện đến các xã, UBND huyện sẽ điều động phương tiện, điện cho xã để có danh sách người dân cần hỗ trợ và bố trí người dẫn đường về xã, địa điểm hỗ trợ”, ông Thịnh cho biết thêm.

Văn bản đã chỉ đạo gì?

Trước đó, ngày 14/10, UBND huyện Hải Lăng có văn bản do ông Thịnh ký, gửi UBND các xã, thị trấn trên địa bàn về việc phối hợp thực hiện việc tiếp nhận, phân phối hàng hóa cứu trợ mùa lũ.

Tại văn bản này, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng nhấn mạnh: để đảm bảo việc điều tiết hàng cứu trợ một cách hợp lý, đồng thời đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các đoàn cứu trợ, UBND huyện “đề nghị từ nay các tổ chức, cá nhân và các nhà hảo tâm có nhu cầu hỗ trợ hàng hóa, nhu yếu phẩm liên hệ và hỗ trợ trực tiếp tại Tổ tiếp nhận hàng hóa cứu trợ của UBND huyện do Ủy ban MTTQ huyện là cơ quan thường trực, sau đó huyện cân đối và điều phối hàng hóa cho các xã, thị trấn đảm bảo an toàn, công bằng khi đến tay người dân”.

“Trường hợp các tổ chức, cá nhân thật sự mong muốn trực tiếp trao hàng cứu trợ đến tận tay người dân, yêu cầu UBND các xã, thị trấn phải thông tin về UBND huyện, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện trước khi tiếp nhận để có phương án sắp xếp, bố trí lực lượng, phương tiện vận chuyển đảm bảo tuyệt đối an toàn trong quá trình cứu trợ”, văn bản của Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng nhấn mạnh.

Đến ngày 16/10, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng tiếp tục có văn bản về việc tăng cường quản lý, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong công tác cứu trợ.

Tại văn bản này, Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng cho biết, qua kiểm tra và nắm bắt tình hình thực tế, có một số tổ chức, cá nhân từ thiện trực tiếp liên hệ với các xã, thôn đã di chuyển bằng các phương tiện ghe, thuyền, dụng cụ bảo hộ không đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.

Để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho tính mạng và tài sản của người tham gia cứu trợ và người tiếp nhận, Chủ tịch UBND huyện yêu cầu Chủ tịch UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ công tác cứu trợ; thông tin, hướng dẫn việc tiếp nhận qua Tổ tiếp nhận hàng hóa cứu trợ của huyện để có sự điều tiết hợp lý. Việc tổ chức cho các đoàn cứu trợ phải đảm bảo tuyệt đối an toàn về phương tiện và dụng cụ bảo hộ. Đơn vị nào để xảy ra tình trạng mất an toàn thì Chủ tịch UBND xã, thị trấn đó chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Chung tay cùng Báo Giao thông cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung

Những ngày qua, khúc ruột miền Trung đã phải hứng chịu mưa lũ dồn dập, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, đời sống của nhiều người dân đang rất cơ cực.

Hàng chục nghìn người phải di dời khỏi nơi ở, hàng trăm nghìn người đang bị lũ chia cắt, cô lập, bủa vây, thiếu thốn lương thực, thuốc men và luôn bị uy hiếp mất đi cơ hội sống.

Với truyền thống "tương thân tương ái", "lá lành đùm lá rách", Báo Giao thông phát động chương trình “Chung tay cứu trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung”, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm trên cả nước cùng hỗ trợ đồng bào các tỉnh miền Trung đang bị ảnh hưởng bởi thiên tai tạm vượt qua giai đoạn hết sức khó khăn này. Quý vị có thể đóng góp bằng tiền mặt, nhu yếu phẩm, lương thực, áo phao..., chúng tôi cam kết sẽ chuyển tới tận tay người dân đang rất cần trợ giúp.

Mọi sự đóng góp xin gửi về:

BÁO GIAO THÔNG, Số tài khoản: 115000106087 Ngân hàng: Vietinbank - chi nhánh Hà Nội, địa chỉ: Số 2 Nguyễn Công Hoan, Hà Nội, hoặc VPĐD tại Miền Trung - Tây Nguyên, địa chỉ: 357 Nguyễn Lương Bằng, Liên Chiểu, Đà Nẵng, liên hệ 0989886178 (Xuân Huy).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.