Xã hội

Đề xuất cơ chế đặc thù, phân cấp để làm nhanh cao tốc Bắc - Nam

06/01/2022, 18:19

Thảo luận tại tổ về dự án cao tốc Bắc - Nam, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp để làm nhanh dự án, từ cơ chế đặc thù đến phân cấp.

Chiều nay (6/1), Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 2 của kỳ họp bất thường lần thứ nhất, thảo luận tổ về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

img

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Chính phủ và Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng dự án

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Dự án đường cao tốc Bắc Nam đã từng được đưa ra thảo luận tại nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

Theo đó, đã chỉ đạo triển khai nhiều công trình, nhiều đoạn như Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn; đoạn Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ đang triển khai...

Theo Chủ tịch nước, hiện còn 756 km dự án cần triển khai và trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều trở ngại do dịch Covid-19, doanh nghiệp, nhà đầu tư đều khó khăn. Do đó, phải chuyển sang hình thức đầu tư ngân sách nhà nước tập trung để sớm hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến mũi Cà Mau.

Để đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, bởi chúng ta do nhu cầu cấp bách chỉ làm trong thời gian ngắn. Trong đó, cần đặc biệt chú ý đến công tác giải phóng mặt bằng.

"Làm sao đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân trong vùng giải tỏa, làm tốt công tác tái định cư. Nơi ở mới phải bằng hoặc tốt hơn nơi cũ", Chủ tịch nước lưu ý.

Đặc biệt, muốn làm nhanh, theo Chủ tịch nước phải có cơ chế đặc thù.

"Tôi đồng ý với ý kiến của Chủ tịch Quốc hội, nếu như giao cho địa phương thì khả năng kết nối kém hơn, tiến độ thi công khó nhanh. Do đó, Chính phủ và Bộ GTVT chịu trách nhiệm trước Quốc hội để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng. Tạo điều kiện tốt nhất để triển khai tư vấn giám sát, tư vấn thiết kế trên cơ sở giảm giá dự toán", Chủ tịch nước nêu quan điểm.

Chủ tịch nước cho rằng, chúng ta đang tung ra gói kích thích chưa từng có (15 - 16 tỉ USD). Số tiền này phải đưa vào công trình, đúng người đúng việc, phát huy tác dụng. Nếu để thất thoát qua trung gian, đầu tư không hiệu quả sẽ gây ra lạm phát.

"Việc làm cao tốc Bắc - Nam đang diễn ra và các đoạn còn lại là cần thiết. Mong Quốc hội thông qua chủ trương này. Nhân đây tôi mong muốn, Chính phủ và Bộ GTVT cần có quy chế tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn quản lý cao tốc để phát huy hiệu quả, đặc biệt sớm hoàn thành triển khai thu phí không dừng. Tôi tin rằng với sự cố gắng chung của các cấp, các ngành và địa phương, chủ trương này sẽ được thực hiện thành công", Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Phân cấp để đẩy nhanh tiến độ

Phát biểu tại tổ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang cho rằng, với 12 dự án thành phần của dự án cao tốc Bắc - Nam, trong đó 10 dự án thuộc công trình quan trọng quốc gia (có tổng mức đầu tư trên 10 nghìn tỷ đồng), thì dự kiến từ khi chuẩn bị đầu tư đến khởi công được, thông thường mất từ 2 - 3 năm.

"Thẩm quyền quyết định đầu tư ở đây là của Thủ tướng, liên quan đến Hội đồng thẩm định nội bộ cho đến Hội đồng thẩm định cấp quốc gia. Chuẩn bị tốt nhất cũng mất 2 năm, thì lúc đó cũng hết năm 2023, phải sang 2024 mới khởi công được.

Nếu như thế thì không đạt mục tiêu của dòng vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế mà Quốc hội sắp xem xét, quyết định. Sau đó, từ khi khởi công cho đến khi thực hiện dự án cũng tối thiểu mất 2 năm nữa, như vậy thì vượt qua cả giai đoạn đầu từ công 2021-2025", ông Giang nói.

img

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Trường Giang

Để giải được khúc mắc này, vừa đáp ứng được yêu cầu, mục tiêu của chương trình phục hồi phát triển kinh tế, ông Giang đề nghị thực hiện phân cấp.

"Ví dụ, từ Quốc hội chúng ta đã phân cấp xuống Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rồi từ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phân cấp xuống Chính phủ. Thẩm quyền của Chính phủ có thể phân cấp xuống Thủ tướng, Thủ tướng có thể phân cấp xuống Bộ.

Nếu mà dự án quan trọng quốc gia trên 10 nghìn tỷ hiện nay thuộc thẩm quyền của Thủ tướng thì có thể phân cấp xuống Bộ GTVT quyết định đầu tư. Điều này sẽ giảm được trình tự thủ tục đầu tư. Trong quá trình làm vẫn phải đáp ứng đầy đủ theo quy định của Luật Đầu tư công, chỉ có khác mỗi là thẩm quyền", ông Giang đề xuất.

Đại biểu Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cho biết, theo Tờ trình của Chính phủ gói hỗ trợ về tài khóa tiền tệ thì Chính phủ có đề xuất 3 cơ chế đặc biệt là chỉ định thầu, san lấp sử dụng các mỏ và cơ chế ủy quyền cho địa phương thực hiện một số đoạn.

"Với 3 cơ chế mà Chính phủ trình như vậy, thì đối với các tuyến đường cao tốc này, sử dụng kinh phí ở gói hơn 72 nghìn tỷ đồng có áp dụng 3 cơ chế đặc thù này hay không? Đoạn nào sử dụng gói 72 nghìn tỷ đồng và được áp dụng cơ chế đặc thù, đoạn nào không sử dụng và không áp dụng, đề nghị Chính phủ giải trình rõ hơn", đại biểu Tú nói.

Giải phóng mặt bằng cần được quan tâm

Đại biểu Bùi Mạnh Khoa (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, vấn đề giải phóng mặt bằng của dự án cần phải được quan tâm. Bởi nếu giải phóng mặt bằng chậm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của dự án.

Cũng bàn về nội dung về nội dung giải phóng mặt bằng, đại biểu Cao Thị Xuân (đoàn Thanh Hóa) cho rằng, cần quan tâm đến người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

"Dự kiến là khoảng 15 nghìn hộ dân bị ảnh hưởng, với gần 12 nghìn hộ dân cần phải bố trí tái định cư. Cùng với việc đảm bảo tiến độ thì câu chuyện bố trí tái định cư cần được Chính phủ quan tâm", bà Xuân nói.

Đại biểu Xuân cũng thống nhất với đề xuất về cơ chế giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc chuyển đổi diện tích rừng.

"Theo báo cáo dự án sẽ ảnh hưởng đến trên 110 hecta rừng phòng hộ, trên 1.400 hecta rừng sản xuất và 1.500 hecta đất trồng lúa hai vụ. Nhưng diện tích này lại nằm rải rác ở khắp nơi. Nếu chờ thẩm quyền Quốc hội quyết thì sẽ rất chậm trễ, nên tôi đồng ý phương án do Chính phủ đề xuất là ủy quyền của Quốc hội cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định khi thông qua báo khả thi của dự án", bà Xuân nói.

Về mở rộng mặt cắt ngang của đường cao tốc, đại biểu Cao Mạnh Linh (đoàn Thanh Hóa) cho biết, Chính phủ đang đề xuất, giai đoạn 1 mở rộng 1 bên, giai đoạn tiếp theo là mở rộng bên còn lại để tạo thuận lợi cho quá trình thi công sau này.

"Tuy nhiên, theo ý kiến của Kiểm toán Nhà nước thì họ đề xuất mở rộng ra hai bên, vì đằng nào chúng ta cũng giải phóng mặt bằng một lần. Phương án như Kiểm toán đề xuất là đảm bảo tính kết nối giao thông ở hai bên tuyến đường từ đó phát huy giá trị đường cao tốc", ông Linh nói và đề nghị Chính phủ cần cân nhắc và tính toán ở nội dung này.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.