Xã hội

Chủ tịch Quốc hội: Vướng chỗ nào phải chỉ ra, không đổ thừa cơ chế

13/07/2021, 14:37

Đề cập vấn đề thể chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần khắc phục cả 2 khuynh hướng. Một là, bảo thủ, sai không sửa. Hai là, đổ thừa cho cơ chế.

img

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

"Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế"

Sáng 13/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự kiến các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; tài chính quốc gia, kế hoạch vay, trả nợ công; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, các báo cáo của Chính phủ cũng như của cơ quan thẩm tra có chất lượng tốt, bám sát các nghị quyết và cơ bản phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, nội dung cần đánh giá đúng, làm nổi bật thành tựu của 4 năm nhiệm kỳ khoá XIV cũng như sự “vượt khó” của năm 2020. Bên cạnh đó, cần làm rõ thêm những vướng mắc, khó khăn khi vận hành cơ chế mới của đầu tư công.

Thực tế cho thấy 5 năm qua, cơ bản khắc phục được tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp. Sau khi sửa Luật Đầu tư công kết hợp sự điều hành thì tỷ lệ giải ngân năm 2020 rất cao, đạt gần 98%.

Về kế hoạch tài chính, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nhiều địa phương có tỷ lệ thu nội địa rất cao như Hà Nội đạt tới 93%. Chi thường xuyên giảm rất mạnh, có những thời điểm giảm xuống dưới 62%, 60%, một số địa phương làm rất tốt vấn đề này như Hà Nội bảo đảm chi thường xuyên – chi đầu tư phát triển là 50% - 50%, Quảng Ninh là 49% - 51%...

Đặt vấn đề "Tại sao các địa phương này làm được như vậy trong khi cả nước tỷ lệ chi thường xuyên vẫn rất cao?", Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phân tích, đánh giá kỹ để lan tỏa ra các địa phương khác. Đồng thời cần đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm trong xử lý nợ xấu, nợ công, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính, củng cố được nền tảng vĩ mô, đặc biệt trong việc tái cơ cấu nợ.

Về giải pháp, định hướng, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, trước hết phải thể chế hóa kịp thời chủ trương, định hướng Nghị quyết Đại hội XIII, nhất là nhiều điểm mới hoặc có điểm trước đây đã có nhưng nay tư duy và cách nhìn mới.

Đề cập vấn đề thể chế, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần khắc phục cả 2 khuynh hướng. Một là, bảo thủ, sai không sửa. Hai là, đổ thừa cho cơ chế.

“Tôi thấy khuynh hướng thứ hai dường như đang nổi lên rất mạnh. Chúng ta cần nhìn thẳng vấn đề này. Đừng cái gì cũng đổ thừa cho cơ chế. Cơ chế bao gồm luật, nghị định, thông tư, văn bản hướng dẫn. Cấp nào phải có trách nhiệm rà soát để sửa? Vướng chỗ nào thì phải chỉ ra, xác định rõ sửa cái gì, sửa như thế nào… không phải chỉ nêu ra rồi đổ thừa cho thể chế. Ví dụ, tại sao đầu tư công năm ngoái giải ngân đạt tỷ lệ 98%, trong khi trước đó đều đạt thấp?", Chủ tịch Quốc hội nói.

Nhất trí với đề nghị của các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thí điểm, thử nghiệm các cơ chế, chủ trương mới cần hết sức chặt chẽ, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, các vấn đề thử nghiệm phải được báo cáo Bộ Chính trị, Bộ Chính trị báo cáo Ban chấp hành Trung ương, sau đó mới tiến hành. Bên cạnh đó, cần tập trung giải quyết các vấn đề tồn đọng, nhiều dự án treo, dự án tồn đọng về đất đai cần được tập trung giải quyết.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị đánh giá lại kết quả thực hiện các nghị quyết về cơ chế đặc thù cho một số địa phương, tránh tình trạng chỉ đề nghị chính sách chi mà không chú ý tới chính sách thu, trong khi chính sách thu mới tạo ra nguồn lực để phát triển hoặc ban hành chính sách mà không thực hiện được.

Về đầu tư công, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia phải đẩy mạnh hơn để bảo đảm tiến độ triển khai. Về kế hoạch kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, thống nhất cao với các mục tiêu, chỉ tiêu được Chính phủ báo cáo Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu cần đặt mục tiêu cho từng năm, trong đó, chỉ tiêu năm sau phải cao hơn năm trước.

Đánh giá sâu hơn về khó khăn của doanh nghiệp, người dân

Tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, bên cạnh những tác động khó lường của đại dịch Covid-19, báo cáo của Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về nội tại nền kinh tế, bởi vấn đề tăng trưởng chưa thực sự bền vững.

Theo ông Mẫn, chúng ta chưa đánh giá hết khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, người dân do dịch bệnh kéo dài 18 tháng qua. Do đó, cần đánh giá sâu hơn về những điểm yếu, ảnh hưởng đến tài chính, quy mô trong thu, chi giai đoạn vừa qua và đưa ra kịch bản, phương án tăng trưởng hàng năm để có cơ sở cho cả 5 năm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.