Quản lý

Chủ xe sẽ thanh toán điện tử khi qua trạm BOT

01/02/2018, 07:05

Việc thu giá không dừng tự động sẽ thúc đẩy ứng dụng thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông...

1

Chủ xe làm thủ tục đề nghị mở tài khoản sử dụng dịch vụ thu phí không dừng khi qua trạm BOT - Ảnh: Tạ Tôn

Nạp tiền vào tài khoản thu giá không dừng qua thẻ cào

Công ty TNHH Thu phí tự động VETC và Tổng công ty Viễn thông Viettel mới đây ký thỏa thuận hợp tác hỗ trợ kênh thanh toán, nạp tiền dịch vụ thu giá tự động không dừng VETC thông qua giao dịch và ứng dụng BankPlus của hệ thống thanh toán Viettel. Theo đó, sẽ có 300.000 điểm giao dịch của Viettel hỗ trợ khách hàng nạp tiền vào tài khoản thu giá không dừng.

Ông Phạm Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Viettel Telecom cho biết, hiện Viettel có khoảng hơn 100.000 điểm giao dịch trực tiếp trên toàn quốc với hơn 14.000 nhân viên hỗ trợ khách hàng đến tận phường, xã và tại nhà. Bên cạnh đó, với hơn 4 triệu người dùng BankPlus Viettel (dịch vụ mobile banking do Viettel và 14 ngân hàng lớn triển khai từ năm 2013) cùng với các phương tiện thanh toán điện tử, khách hàng có thể nạp tiền 24/7, kể cả dịp Tết.

Dự án thu phí tự động không dừng do VETC đầu tư được Bộ GTVT cho phép triển khai từ năm 2016 và được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 kéo dài từ 2016 - 2019, áp dụng cho QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên theo hình thức hợp đồng BOO (Xây dựng - Sở hữu - Kinh doanh). Trong đó, 28 trạm thu phí trên toàn quốc sẽ áp dụng thu phí tự động 2 làn, giai đoạn 2 đến năm 2019 sẽ áp dụng trên tất cả các làn.

“Năm 2018, Viettel dự kiến sẽ tăng lên khoảng 300.000 điểm ở 11.000 xã, phường để hỗ trợ VETC nạp tiền vào tài khoản nên bất cứ ở đâu lái xe cũng có thể dễ dàng nạp tiền vào tài khoản thanh toán VETC. Tới đây, Viettel sẽ nghiên cứu để lái xe có thể nạp tiền vào tài khoản thu giá không dừng qua thẻ cào điện thoại”, ông Kiên nói và cho biết: “Với sự hợp tác này, khách hàng sử dụng dịch vụ thu giá tự động không dừng VETC sẽ có thêm nhiều lựa chọn để thanh toán, nạp tiền sử dụng dịch vụ một cách thuận lợi và nhanh chóng”.

Tổng giám đốc VETC Nguyễn Mạnh Hà thông tin, hiện trên toàn quốc có 17 trạm thu giá đã triển khai làn thu giá tự động không dừng VETC. Với giá trị của VETC cũng như năng lực của Viettel sẽ giúp lái xe chuyển từ thanh toán tiền mặt sang phi tiền mặt, mang đến sự thuận tiện nhất cho người dân và giúp giao thông Việt Nam tiến kịp thời đại của cuộc cách mạng công nghệ 4.0”.

Cũng theo ông Hà, các chủ xe sẽ được phát một thẻ định danh VETC (miễn phí) để dán lên kính trước xe và được tạo một tài khoản kèm theo để sử dụng cho việc giao dịch. Chủ xe có thể chuyển tiền vào tài khoản này bằng nhiều kênh khác nhau như: Nạp tiền trực tiếp tại các trạm thu giá, các trung tâm đăng kiểm kết nối với VETC, các điểm giao dịch Viettel, qua mạng internet, qua ngân hàng, qua thẻ cào điện thoại, qua kênh nạp tiền online như: Cổng thông tin khách hàng VETC, VETC AppMobile, BankPlus (Viettel) ví điện tử Momo, Payoo, Vimo, hoặc nạp tiền qua ngân hàng theo hình thức chuyển khoản, thanh toán hóa đơn trên BIDV Online… Số tiền trong tài khoản nhiều hay ít sẽ tùy thuộc vào người chủ xe nhưng tối thiểu phải đủ để chi trả phí khi đi qua trạm soát vé tự động.

Tuy nhiên, ông Hà cho biết, dù đã vận hành thương mại 17 trạm, nhưng đến nay VETC mới dán thẻ được 380.000 phương tiện trong tổng số gần 3 triệu xe ô tô trên cả nước, đạt khoảng 13%.

2

Hiện, trên toàn quốc có 17 trạm thu giá đã triển khai làn thu giá tự động không dừng VETC

Lập ki-ốt trên đường, đến tận doanh nghiệp dán thẻ

Không chỉ chủ phương tiện còn thờ ơ dán thẻ không dừng, việc triển khai dự án cũng còn nhiều vướng mắc từ phía nhà đầu tư BOT. Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, hiện VETC đã ký hợp đồng với 28 trạm. Trong số này, có 6 trạm đang triển khai thi công, 6 trạm nhà đầu tư BOT trước đó đã lắp đặt hệ thống thu giá không dừng.

“Vướng mắc hiện nay ở khâu tổ chức triển khai và vận hành. 6 trạm nhà đầu tư BOT đã lắp thiết bị từ trước đang chậm tiến độ do chưa thống nhất được với nhà đầu tư về bàn giao thiết bị nên chưa kết nối được với hệ thống của VETC”, ông Hà nói.

Về vấn đề này, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ, môi trường và hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ VN) cho biết, trong số 6 trạm nêu trên có 2 trạm là Bắc Bình Định và Nam Bình Định đã lắp 6 làn ETC. Nhà đầu tư của 2 trạm này muốn VETC nhận thiết bị của 6 làn nhưng lại chỉ bàn giao cho VETC 2 làn để khai thác. Phía VETC không đồng tình với phương án này vì không thể nhận cả 6 làn nhưng lại chỉ được khai thác 2 làn.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, theo lộ trình Quyết định 07 của Thủ tướng, đến tháng 9/2018 phải thông hết các làn tự động. “Đến hết quý I, VETC phải triển khai xong 2 làn ở giữa, các nhà đầu tư BOT theo tiến độ này phải bàn giao hết trong tháng 1 này. Đến tháng 9, VETC phải đàm phán xong với nhà đầu tư để nhận toàn bộ 6 làn và có phương án thiết kế cơ sở thu giá không dừng toàn bộ 6 làn của trạm thu giá. VETC lập báo cáo tiến độ chi tiết thể hiện tiến độ ký phụ lục hợp đồng, nhận bàn giao hạ tầng toàn bộ các cửa thu phí với nhà đầu tư BOT ngay trong tháng 3 để đến 30/9 chạy thử toàn bộ 6 làn. Dự án đã chậm tiến độ 2 tháng nên không thể lùi được nữa”, ông Huyện khẳng định.

Cũng theo ông Huyện, khi tăng làn không dừng lên mà chưa cưỡng chế chủ xe dán thẻ dẫn đến xe sẽ đi vào làn một dừng, gây ùn tắc. Giải quyết vấn đề này, VETC cần chuẩn bị phương án dán thẻ VETC bằng việc lập ki ốt ngay trên đường, hoặc có thể xem xét đến tận cơ quan, doanh nghiệp để tạo điều kiện tối đa cho người dân. Phải quyết liệt dán thẻ, triển khai như đối với cấp đổi GPLX để tạo thói quen cho người dân.

“Để tránh ùn tắc và công khai, minh bạch trong thu giá BOT, Tổng cục sẽ kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xây dựng lộ trình cưỡng chế việc dán thẻ đối với chủ phương tiện theo hướng đến hết tháng 12 toàn bộ xe con và taxi phải dán thẻ, đến tháng 6/2019 là xe tải. Việc này phải đưa ngay vào Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT.

“Bộ GTVT đang hoàn thiện toàn bộ các trạm thu phí không dừng, tiến tới cho phép trả sau thay vì trả trước như hiện nay. Việc ứng dụng thanh toán điện tử trong lĩnh vực giao thông hướng tới kết nối hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng sẽ tạo thuận lợi cho người dân, góp phần tích cực thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt của Việt Nam”, ông Huyện nói và khẳng định: “Thông tư 49/2016 của Bộ GTVT quy định về xây dựng, tổ chức và hoạt động của trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ sửa đổi đã được ban hành. Tổng cục Đường bộ VN sẽ dừng thu phí 10 ngày theo thẩm quyền đối với nhà đầu tư BOT nào chậm triển khai thu giá không dừng”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.