Thời sự

Chưa có luật, nhưng dân yêu cầu thì tòa vẫn phải giải quyết

22/09/2014, 19:20

Khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì TAND không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng.

Khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì TAND không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng, đây là một trong những điểm mới được Chính phủ đề xuất đưa vào dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi).  

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trình bày tờ trình về dự án Bộ Luật dân sự (sửa đổi) trong phiên họp của Ủy ban TVQH ngày 22/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, hiện có hai loại ý kiến khác nhau về quy định tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự trong dự luật.

Ý kiến thứ nhất cho rằng, Bộ Luật dân sự cần bổ sung quy định khi người dân có yêu cầu về giải quyết vụ, việc dân sự thì TAND không được từ chối vì lý do chưa có điều luật để áp dụng. Trong trường hợp chưa có điều luật thì Tòa án cần áp dụng quy định về áp dụng tập quán, áp dụng tương tự quy định của pháp luật, các nguyên tắc cơ bản được quy định trong Bộ Luật dân sự và lẽ công bằng để xem xét, giải quyết vụ, việc dân sự của người dân.

Thứ nhất, quy định này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tòa án được quy định tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp: “TAND có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Thứ hai, theo nội dung tinh thần của Hiến pháp, Nhà nước phải có trách nhiệm tạo cơ chế pháp lý đầy đủ để các quyền dân sự được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện. Vì vậy, việc bổ sung quy định nêu trên là cần thiết nhằm để góp phần thực hiện trách nhiệm này của Nhà nước. Mặt khác, trong thời gian qua, do thiếu quy định này của luật nên khi có yêu cầu của người dân thì tòa án còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ hiến định của mình.

Thứ ba, nguyên tắc áp dụng tập quán và quy định tương tự của pháp luật trong trường hợp không có quy định của luật đã được ghi nhận trong Bộ Luật dân sự năm 1995 và Bộ Luật dân sự năm 2005. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành chưa có quy định về trách nhiệm của tòa án trong việc áp dụng tập quán và quy định tương tự của pháp luật để giải quyết các vụ việc dân sự.

Thứ tư, nghiên cứu thực tiễn lập pháp của một số nước cho thấy, trong Bộ Luật dân sự của các nước này đều có quy định, trong trường hợp không có quy định của luật thì thẩm phán cũng không được phép từ chối giải quyết yêu cầu về bảo vệ quyền dân sự của người dân.

Dự thảo Bộ luật thể hiện theo ý kiến thứ nhất.

Trong khi đó, nhóm ý kiến thứ hai cho rằng, cần cân nhắc quy định này vì ba lý do: Thứ nhất, trong điều kiện kinh tế - xã hội và pháp luật hiện nay của Nhà nước ta thì quy định này là khó có tính khả thi. Thứ hai, quy định này đòi hỏi thẩm phán phải có điều kiện và năng lực chuyên môn cao về giải thích pháp luật. Trong khi đó, Hiến pháp lại quy định “Thẩm phán, Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”. Thứ ba, quy định này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về tố tụng dân sự.

Theo ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp, đây là một bộ luật rất lớn, có nhiều vấn đề cần thảo luận, nghiên cứu kỹ. Bởi chúng ta quy định, tòa án phải giải quyết theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Còn nếu chúng ta quy định như thế thì rất khó giải quyết vì chúng ta chưa có án lệ. Không thể giải quyết theo nguyên tắc. Luật chưa có quy định thì chúng ta phải có trách nhiệm sửa luật. Chưa có luật chúng ta cứ bắt giải quyết thì tòa án, thẩm phán giải quyết thế nào.

Thành Văn

 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.