Thị trường

Chưa giàu đã “khó” vì thuế thu nhập cá nhân, mong sớm sửa đổi

19/01/2023, 08:31

Theo giới chuyên môn, cần sớm sửa luật Thuế TNCN theo hướng giảm thuế suất, gia tăng mức giảm trừ gia cảnh, để tránh vắt kiệt sức người nộp.

Bộ Tư pháp đang hoàn thiện dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 của Chính phủ.

Trong đó, nội dung dự kiến năm 2026 mới sửa luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) nhận được sự quan tâm của dự luận.

Theo ý kiến của giới chuyên môn, cần đẩy thời gian sửa đổi luật này sớm hơn khi những bất cập đã bộc lộ trong thời gian dài.

TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) khẳng định, thời gian sửa đổi luật thuế này quá muộn. Theo ông, cơ quan quản lý cần nhìn nhận, xem xét điều chỉnh hợp lý khi biến động giá ngày càng lớn, thế hiện rõ sự chênh lệch trong quy định hiện hành.

img

Những bất cập trong quy định của luật Thuế thu nhập cá nhân đã bộc lộ trong thời gian dài. Ảnh minh họa: TTXVN

“Mức chịu thuế đã có chỉnh sửa nhưng chủ yếu chỉnh sửa theo mức lạm phát trên 20%, như thế không hợp lý” ông Thịnh nói và nhấn mạnh “thu nhập càng cao, đời sống của người dân cũng nâng cao, mức sống bình quân của xã hội cũng càng cao, vì thế, mức bình quân đóng thuế thu nhập cá nhân cũng cần nới rộng hơn”.

Không chỉ cần tính toán nới rộng mức giảm trừ người phụ thuộc, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh còn cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh cũng phải nâng từ 11 lên 15-20 triệu đồng”.

Với biểu thuế lũy tiến từng phần, ông Thịnh nhận xét, hiện các bậc tính thuế quá gần nhau, không tạo ra được sự thay đổi nào lớn, không thực sự hỗ trợ cho người nộp thuế, gây khó khăn cho việc tính toán. Do đó, cần đơn giản hơn.

Đồng quan điểm cần sớm sửa đổi, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay: Bất cập hiện nay là mức giảm trừ gia cảnh không dựa vào mức sống tối thiểu, thu nhập bình quân đầu người cũng không căn cứ vào mức lương tối thiểu chung và mức lương tối thiểu theo vùng.

Theo ông Đức, hiện người nộp thuế được giảm trừ 11 triệu đồng, người phụ thuộc 4,4 triệu đồng nhưng còn rất nhiều những khoản tiền khác phải chi không được tính đến.

Ví dụ một người thu nhập khá cao nhưng sống vẫn khó khăn vì phải chi phí cho học hành, bệnh tật, thuê nhà ở.

Người khác thu nhập thấp hơn nhưng lại sống sung sướng hơn vì phải nộp thuế ít hơn và không phải chi cho y tế, học hành...

Luật sư Trương Thanh Đức cũng cho rằng, bậc tính thuế thu nhập cá nhân hiện nay rất dày và cao hơn nhiều so với nhiều nước trong khu vực.

Vì thế, cần giảm thuế suất, gia tăng mức giảm trừ gia cảnh để nuôi dưỡng nguồn thu, tránh vắt kiệt sức của người nộp là điều cần làm.

Đầu năm nay, Bộ Tài chính cũng lấy ý kiến các bộ, ngành về sửa đổi luật Thuế thu nhập cá nhân, liên quan biểu thuế, Bộ Tài chính cho biết, có ý kiến phản ánh biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc như: Quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp; Thu nhập tính thuế ở từng bậc theo số lẻ dẫn đến khó nhớ... Bộ Tài chính sẽ tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật.

Thực tế những năm qua cho thấy, số thu về thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công luôn tăng qua từng năm. Thu thuế thu nhập cá nhân tăng từ mức chỉ 5.000 tỷ đồng (2006) lên trăm nghìn tỷ đồng.

Năm 2019 đánh dấu lần đầu tiên số thu thuế thu nhập cá nhân vượt mức 100 nghìn tỷ đồng, đạt 109,4 nghìn tỷ đồng. Năm 2020 và 2021, dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng so với các năm trước, đạt hơn 110 nghìn tỷ đồng.

Đặc biệt, mức tăng này vẫn có được ngay cả khi từ 1/7/2020, mức giảm trừ gia cảnh cũng đã được Quốc hội đồng ý tăng từ 9 triệu lên 11 triệu đồng/tháng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.