Thời sự

Chúng ta không đơn độc

12/05/2014, 17:30

Hà Nội vào hè, cái thứ nắng mới, đầy bức bối. Nhưng chẳng hề chi, trong tâm can những con dân đất Việt còn đang bức bối vạn lần...

Hà Nội vào hè, cái thứ nắng mới, đầy bức bối. Nhưng chẳng hề chi, trong tâm can những con dân đất Việt còn đang bức bối vạn lần...

Từ những góc phố, con đường, đến những cuộc họp cơ quan, sinh hoạt đoàn thể..., người ta đều nhắc đến câu chuyện về hành vi ngang ngược của người Trung Quốc. Chẳng ai bảo ai, từ Hà Nội, Sài Gòn, rồi đến Huế, Đà Nẵng... chung một khí thế, một thái độ phản đối quyết liệt.

Đỉnh điểm là ngày chủ nhật (11/5), khắp 3 miền dậy lên làn sóng phản đối. Họ tuần hành trên đường, họ tập trung trước cổng đại sứ quán Trung Quốc (tại Hà Nội), Lãnh sự quán (tại Tp. Hồ Chí Minh), mỗi khi hô vang các khẩu hiệu, người ta thấy cả rừng những cánh tay giơ lên trời cao, có những bàn tay nắm chặt thành nắm đấm...

Kiều bào tại Berlin (Đức) xuống đường phản đối hành động của Trung Quốc
Kiều bào tại Berlin (Đức) xuống đường phản đối hành động của Trung Quốc

"Một tấc đất của tiền nhân để lại cũng không được để lọt vào tay kẻ khác", "Máu người Việt đã đổ xuống Trường Sa, Hoàng Sa"; Haiyang 981, rời khỏi Việt Nam ngay lập tức... Họ đã mang theo và hô vang những biểu ngữ như vậy...

Có cụ già giơ cao tấm biển, trên đó người ta thấy lời thơ hùng hồn của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm: "Biển Đông vạn dặm giang tay giữ/Đất Việt muôn năm vững trị bình".

Có em bé, mồ hôi nhễ nhại, nhưng trên khóe miệng vẫn ngộ nghĩnh hô "phản đối Trung Quốc", cánh tay non nớt nhưng bàn tay cũng nắm chặt lại, giơ lên trời cao.

Có anh bạn trẻ, chút gì đó ngại ngần lí nhí hô khẩu hiệu, tay đưa lên ngượng nghịu, lập tức anh chàng bị người già nhắc nhở ngay. Sau đó, thấy giọng anh vang hơn, cánh tay, nắm đấm thẳng hơn, mạnh hơn...

Ở đó, dưới cái nắng như thiêu đốt, họ nhường nhau miếng nước mát, cùng nói lên tiếng nói trái tim: Khi Tổ Quốc cần, chúng tôi có mặt. Nhiều người đã nói tới chuyện nhập ngũ trở lại.

Không chỉ có trên dải đất Việt Nam này, những tiếng hô, cái nắm tay tung lên trời cao mới dứt khoát và quyết liệt đến vậy. Kiều bào, sinh viên, du học sinh Việt Nam ở Pháp, Czech, Nhật, Đức... và nhiều nơi khác đều lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc. Họ còn kêu gọi bạn bè thế giới đứng về phía Việt Nam để bảo vệ công lý. Nhiều học giả, chuyên gia hay những nhân vật nổi tiếng trên thế giới cũng lên tiếng, họ coi hành động của Trung Quốc đã đi quá quyền hạn và không thể chấp nhận được.

Du học sinh Việt Nam tại Tokyo (Nhật) tuần hành yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hành động sai trái của mình
Du học sinh Việt Nam tại Tokyo (Nhật) tuần hành yêu cầu Trung Quốc dừng ngay hành động sai trái của mình

Tại Myanmar, nơi đang diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng có bài diễn văn quan trọng, trong đó nhấn mạnh đến an ninh Biển Đông và gọi hành động của Trung Quốc là "cực kỳ nguy hiểm".

Cùng thời gian này, ở trong nước, các hội, đoàn thể, bằng các cách khác nhau đã thể hiện thái độ phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Hội Luật giaViệt Nam tổ chức họp báo ra tuyên bố phản đối Trung Quốc; Ủy ban Hòa bình Việt Nam cũng gửi thư phản đối. Rồi Liên đoàn luật sư khẳng định sẵn sàng đóng góp với Chính phủ về những cơ sở pháp lý bảo vệ chủ quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở Biển Đông.

Trở về sau chuyến đi biển, ngư dân Trần Văn Hải ở xã Bình Châu (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) nói rằng: "Tổ tiên năm xưa từng không tiếc máu xương gìn giữ, khai thác thủy sản ở Hoàng Sa. Giờ, dù có xảy ra biến cố thế nào đi nữa thì thế hệ con cháu chúng tôi phải có trách nhiệm nối nghiệp biển mà đời trước để lại"...  Dù mỗi lần ra khơi chỉ có một con thuyền nhỏ nhoi nhưng ngư dân không thấy đơn độc, hàng triệu người Việt lúc này cũng vậy, khi Tổ Quốc bị xâm phạm, triệu triệu trái tim Việt Nam chung về một khối.

Minh Thành

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.