Đường sắt

Nghề “khám bệnh” toa xe đường sắt giữa tâm dịch Covid-19

21/11/2021, 14:38

Những “bác sĩ" chuyên thăm khám, "bắt bệnh" và sửa chữa các sự cố, đảm bảo an toàn chạy tàu có thu nhập rất thấp trong mùa dịch.

Công việc nặng nhọc, áp lực nhưng thu nhập của họ lại vô cùng thấp, đặc biệt là từ khi dịch Covid-19 hoành hành.

img

Công nhân khám chữa toa xe Trần Anh Nhàn phải thực hiện khám xe trong khi toa xe đang bốc dỡ hàng hóa, nên thường xuyên bụi bẩn, ô nhiễm...

Vận dụng mọi giác quan để “bắt bệnh”

Dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên Ga Giáp Bát (Hà Nội) những ngày gần đây tấp nập tàu đi, tàu đến, toa xe kín các đường ga, ô tô vào ra xếp dỡ hàng nhộn nhịp.

Anh Trần Anh Nhàn, công nhân khám chữa toa xe Trạm khám chữa toa xe Giáp Bát bịt khẩu trang phòng Covid-19 kín mít vẫn liên tục chui ra, chui vào gầm toa xe hàng, tay cầm búa lúc gõ gõ, lúc đo đạc, lúc cầm cờ lê siết lại bu lông.

Dù trời khá lạnh, song mồ hôi vẫn vã ra, chảy ròng ròng trên mặt. Anh Nhàn chia sẻ: “Đợt này nhiều tàu hàng nên chúng tôi phải khám chữa, chỉnh bị liên miên. Trông thì có vẻ đơn giản, nhưng đòi hỏi trách nhiệm cao. Chỉ cần chút lơ là của người thợ, không phát hiện sai sót, sự cố kĩ thuật dù nhỏ cũng có thể đe dọa đến an toàn chạy tàu”.

Để chuẩn bị phương tiện cho chạy tàu Tết Nguyên đán 2022, công ty giao chi nhánh sửa chữa, chỉnh bị các toa xe khách. Tuy nhiên, hiện nay lượng khách mua vé tàu Tết thấp nên số lượng toa xe khách sửa chữa cũng cầm chừng.

Vì thế, công việc, thu nhập của người lao động có tăng so với những tháng không có tàu, nhưng không đáng kể, chỉ khoảng 20%. Chúng tôi chỉ trông mong tàu Tết tăng để người lao động có việc làm, thu nhập.
Ông Phạm Hồng Tư, Giám đốc Chi nhánh Toa xe Hà Nội

Anh Nhàn cho biết, tổ khám chữa toa xe tại trạm có 3 ban thay nhau làm 12 giờ, nghỉ 24 giờ.

Mỗi ban có 8 người, trong đó chỉ có 6 công nhân khám xe, còn lại 2 bảo vệ.

6 công nhân khám xe suốt 12 giờ đó gần như làm liên tục vì số lượng tàu, toa xe nhiều, bình quân hơn 20 chuyến tàu đi - về, hơn nữa địa bàn ga rộng nên phải đi lại, chui gầm, trèo qua khoảng nối giữa hai toa xe nhiều.

“Nghề này chẳng kể nắng, mưa, bão lụt, cứ có tàu về, tàu đi là đều phải ra đường tác nghiệp. Trong khi đặc thù công việc phải quan sát là chính nên càng phải tập trung cao độ”, anh Nhàn cho hay.

Còn tại ga Hà Nội là ga đầu mối lập tàu khách lại có những điểm khác biệt. Anh Nguyễn Hồng Phương, công nhân khám chữa toa xe Trạm khám chữa toa xe ga Hà Nội cho biết, thường tàu khách về tối, đêm hoặc sáng sớm.

Quy trình thăm khám

Khi nhận được thông báo tàu về ga, công nhân khám chữa phải ra ke ga trước 5 phút theo đội hình, ngồi vị trí quy định.

Khi tàu chạy qua, phải căng mắt căng tai quan sát toa xe, nghe xem có tiếng “lạ” không, nếu có tiếng “cạch cạch” nghĩa là có vấn đề, có thể là mặt lăn bánh xe hoặc quang, cóc lỏng, rơi, gãy...

“Thấy dấu hiệu như vậy phải lưu ý vị trí có vấn đề, để khi tàu dừng kiểm tra lại, hoặc báo cho đồng nghiệp kiểm tra”, anh Phương nói.

Ông Nguyễn Văn Thiệu, Trạm trưởng Trạm khám chữa toa xe Giáp Bát (Chi nhánh Toa xe hàng Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội) cho biết, người công nhân khám chữa toa xe được ví như “bác sĩ” toa xe vì cũng “khám”, cũng “chữa”, nghĩa là phải vận dụng mọi giác quan: Mắt nhìn, mũi ngửi, tay sờ, tai nghe để “bắt bệnh”.

Ngay khi đoàn tàu chạy chậm vào ga, họ đã phải căng mắt nhìn xem các toa xe có vấn đề gì không, từ thùng xe, đầu đấm, bộ phận chạy, nhất là gầm xe xem có rơi rớt gì không.

“Mũi ngửi” là xem có mùi khét do cháy thiết bị không. “Tay sờ” là xem các ổ bi, bầu dầu có nóng quá không... Còn “tai nghe”, nghĩa là dùng búa gõ vào các thiết bị để nghe tiếng, nếu có tiếng rè rè nghĩa là các thiết bị nối với nhau bị lỏng, phải kiểm tra kĩ hơn, siết lại.

Để không lọt “bệnh”, theo ông Thiệu, “bác sĩ” toa xe phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình.

Đối với những ga lập tàu như Giáp Bát, Hà Nội, Sài Gòn, sẽ phải tuân thủ khám toàn bộ 8 bước theo quy trình từ đầu xe đến cuối xe, không thể muốn kiểm tra vị trí nào trước cũng được.

Thu nhập giảm quá nửa do Covid-19, phải chạy thêm xe ôm

img

Anh Trần Anh Nhàn dùng búa gõ vào các chi tiết, thiết bị gầm toa xe để nhận biết hư hỏng, sai lệch thông số kĩ thuật nếu có

Công việc nặng nhọc, áp lực như vậy nhưng thu nhập công nhân khám chữa toa xe rất thấp. Anh Trần Anh Nhàn cho biết đã làm việc này được hơn 7 năm, bình quân thu nhập khoảng 5 triệu/tháng.

Khi tàu hàng giảm trong đợt giãn cách xã hội vì dịch Covid-19 vừa qua, việc ít hơn thì thu nhập cũng giảm theo.

“Thu nhập như vậy, tôi chưa dám lập gia đình. Nhiều người đã lập gia đình, phải đi làm thêm các công việc khác”, anh Nhàn nói.

Anh Phương cho biết thêm, thu nhập của các anh giảm đến 50% so với trước, lương chính chỉ khoảng hơn 2 triệu thực lĩnh, ngoài ra có tiền ăn giữa ca, chế độ độc hại hoặc tiền trả công nếu tham gia sửa chữa nhỏ, sữa chữa lâm tu toa xe nhưng không là bao.

“Ngay cả trong điều kiện không dịch Covid-19, thu nhập đường sắt cũng rất thấp so với chi phí đắt đỏ ở Hà Nội. Vì vậy tôi vẫn phải làm thêm, kể cả chạy Grab bike”, anh Phương nói.

Tàu ít, công nhân phải điều chuyển

Anh Nguyễn Văn Thông, Trạm trưởng Trạm khám chữa toa xe Sài Gòn (Chi nhánh Toa xe Sài Gòn Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn) cho hay, trạm có 12 lao động, thực hiện nhiệm vụ khám chữa các toa xe trong đoàn tàu khách khi khởi hành và về đến ga Sài Gòn.

Nhưng hiện nay, do hàng ngày chỉ có 2 đôi tàu khách nên chi nhánh phải điều 6 người sang Trạm khám chữa toa xe Sóng Thần cho có việc, 6 người còn lại ứng trực tại trạm.

“Nếu chỉ tính thu nhập tác nghiệp tàu khách thì chỉ trên dưới 4 triệu đồng. Với những anh em sang trạm Sóng Thần tác nghiệp tàu hàng, việc nhiều hơn, thu nhập cao một chút”, anh Thông nói.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Phạm Hồng Tư, Giám đốc Chi nhánh Toa xe Hà Nội cho biết, chi nhánh được giao quản lý kĩ thuật toa xe khách với khoảng 560 toa xe để khai thác chạy tàu Thống nhất và tàu địa phương khu vực miền Bắc. Bình thường sẽ vận dụng khoảng 400 toa xe thường xuyên.

Nhưng hiện nay, khối vận dụng chỉ bố trí hơn 10% lao động để làm công tác thường trực, trông coi bảo vệ toa xe và khám chữa, chỉnh bị 2 đôi tàu khách tại ga Hà Nội.

Vì vậy, chi nhánh phải thỏa thuận tạm hoãn hợp động lao động, nghỉ việc luân phiên hoặc điều chuyển nội bộ một số công nhân khám chữa toa xe sang bộ phận khác làm việc để có việc làm, thu nhập.

img

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.