Thời sự

Chuyện chưa kể về nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên

01/04/2016, 07:37

Dù là cán bộ cấp cao nhưng lúc nào bà cũng bình dị, gần gũi, mang đậm phong cách Nam bộ...

1

Bà Nguyễn Thị Kim Ngân tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội sáng 31/3 - Ảnh: Thống Nhất

Ở quê nhà, người dân vẫn trìu mến gọi bà là “Nữ kiệt xứ dừa”, bởi dù là cán bộ cấp cao nhưng lúc nào bà cũng bình dị, gần gũi, mang đậm phong cách Nam bộ cũng như người dân xứ dừa Bến Tre. Bà là Nguyễn Thị Kim Ngân, người vừa được bầu làm Chủ tịch Quốc hội.

Sống bình dị, nghĩa tình

Ông Trịnh Văn Y, nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre (từ năm 1991 - 2001), hiện là Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Bến Tre kể: “Do sống và lớn lên trong gia đình truyền thống cách mạng, khi vào trong chiến khu, bà Ngân rất năng nổ, hoạt bát và được đồng đội quý mến, tin yêu. Bà tham gia rất nhiệt tình các phong trào của đơn vị. Nói “gan liều” thì ai cũng nể, nhưng lớn lên bà Ngân lại mê văn chương, nghệ thuật và vào học tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn. Bà học chưa hết năm thứ 2 thì miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất”.

Dừng chuyện học văn chương, bà Ngân quay về Bến Tre làm việc tại Sở Tài chính. Thời gian này, bà tiếp tục vừa học, vừa làm để hoàn thiện chương trình Đại học Tài chính. Bà làm chuyên viên, Trưởng phòng Ngân sách, rồi được đề bạt làm Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre, sau đó được điều động ra Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Tài chính. “Trước khi được rút ra Hà Nội, bà Ngân cũng được đề cử vào chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre”, ông Y cho biết.

Tháng 3/2011, khi ở cương vị Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, bà Ngân để lại dấu ấn khi quyết định thuê máy bay và lập cầu hàng không - một việc chưa từng có ở Việt Nam để đưa toàn bộ hơn 10 nghìn lao động Việt Nam có nguy cơ mắc kẹt trong cuộc nội chiến ở Libya về nước an toàn. Hình ảnh nữ Bộ trưởng tại sân bay Nội Bài ôm hôn, tặng hoa những người lao động ngày trở về, chỉ đạo các đơn vị chức năng hỗ trợ khẩn cấp cả vật chất lẫn tinh thần cho toàn bộ các lao động, được truyền thông trong và ngoài nước đánh giá cao.

Cũng theo ông Y, khi còn làm việc ở quê nhà và cả lúc ra T.Ư công tác, bà Ngân đều rất năng nổ trong các hoạt động xã hội. Mỗi lần về thăm quê, thấy còn nhiều cầu khỉ, cầu gỗ nhỏ không an toàn, bà vận động các cơ quan, doanh nghiệp hỗ trợ địa phương xây dựng nhiều cầu bê tông kiên cố, nhiều con đường bê tông khang trang, an toàn và thuận tiện cho việc đi lại, vận chuyển hàng hóa của bà con.

Về những kỷ niệm thời bà Ngân còn làm ở Sở Tài chính tỉnh Bến tre, ông Y cho biết: “Bà Ngân đã có những việc làm đột phá, để lại dấu ấn mà đến giờ những cán bộ lãnh đạo cùng thời với tôi cũng như người dân Bến Tre không thể nào quên”.

Khi đó, nhiều thứ còn ảnh hưởng nặng nề từ thời bao cấp, hàng hóa, sản phẩm làm ra tiêu thụ khó khăn. Ở Bến Tre lúc bấy giờ cây dừa là cây chủ lực. Sản phẩm bánh, kẹo, dầu dừa được sản xuất và xuất khẩu sang thị trường các nước Liên Xô (cũ), Đức… Các thị trường này tiêu thụ rất mạnh để sản xuất xà phòng. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chỉ ổn định được một thời gian ngắn thì hai nước này bắt đầu đóng cửa, không nhập hàng nữa, hàng tồn kho nhiều. Người dân trồng dừa Bến Tre lao đao.

Thấu hiểu nỗi khổ cực của người nông dân, bà Ngân rà soát lại các quy định pháp luật về thuế và đề xuất với UBND tỉnh cho áp dụng thuế suất thấp nhất đối với mặt hàng dầu dừa. “Khi trở ngại này được tháo gỡ, hàng hóa lập tức bán chạy trong nội địa và các nước lân cận, giải phóng được hàng tồn kho, người dân rất phấn khởi”, ông Y cho hay.

Ông Hồ Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Châu Hòa, TP Bến Tre cho biết: “Kể cả khi đã là Phó chủ tịch Quốc hội rồi, nhưng chị Ngân sống rất bình dị, không phô trương, sống có tình, có nghĩa với quê hương nên bà con ở đây ai cũng quý mến… Chúng tôi rất tự hào về chị Ngân, người con gái Bến Tre “năm xưa đi trong đạn lửa” và giờ đây đã trở thành nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên”.

2

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Nguyễn Thị Kim Ngân ra tận sân bay đón đoàn lao động Việt Nam trở về từ Libya năm 2011 - Ảnh: TTXVN

Nữ Bí thư đầu tiên của xứ Đông

Tỉnh Hải Dương vốn được gọi là xứ Đông, là tỉnh thuần nông, mọi điều kiện như địa lý, tài nguyên… đều thua xa hai “anh hàng xóm” Hải Phòng và Quảng Ninh. Ấy vậy nhưng đã có giai đoạn tỉnh này nổi lên như một địa phương đi đầu cả nước trong thu hút đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng để vươn lên mạnh mẽ. Đó chính là giai đoạn từ năm 2002 - 2006, khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân được Bộ Chính trị điều về làm Bí thư Tỉnh ủy. Bà Ngân cũng là nữ Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của Hải Dương.

Tháng 9/2002, đang là Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Tài chính, bà Nguyễn Thị Kim Ngân được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương. Bà Ngân trở thành nữ Bí thư Tỉnh ủy duy nhất của cả nước thời điểm đó. Ông Lê Văn Dưỡng, nguyên Phó Bí thư thường trực, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương giai đoạn 2002 - 2006 nhớ lại: “Khi bà Ngân về Hải Dương thì Nghị quyết Đại hội 13 của tỉnh đã vạch ra phương hướng phát triển. Tuy nhiên, từ nghị quyết đến thực tế là cả vấn đề. Với tính quyết đoán, nhiệt tình và khả năng lãnh đạo, bà Ngân đã trở thành hạt nhân đoàn kết của Đảng bộ, chính quyền. Giai đoạn bà Ngân làm Bí thư, Hải Dương từ một tỉnh thuần nông thành “địa chỉ đỏ” thu hút đầu tư, phát triển mạnh mẽ”.

Một trong những dấu ấn đậm nét về sự quyết đoán của bà Ngân chính là quyết tâm đầu tư làm đường Tỉnh lộ 188 nối giữa QL18 (Quảng Ninh) đi qua các huyện Kinh Môn, Kim Thành để ra QL5. Tỉnh lộ 188 được xây dựng theo hình thức BOT nhưng lúc đó đơn vị đầu tư đề nghị tỉnh phải góp 50% kinh phí thì họ mới dám làm. Trong khi ngân sách tỉnh không thể có số tiền lớn đó, không ngần ngại, bà Ngân lên T.Ư đề xuất cho Hải Dương vay hơn 100 tỷ đồng. Đường tỉnh 188 hoàn thành, đánh thức tiềm năng kinh tế của cả khu vực rộng lớn. Nhờ thế, nay các huyện Kinh Môn, Kim Thành trở thành những địa phương đứng đầu Hải Dương về phát triển công nghiệp.

Bốn năm làm Bí thư Hải Dương, bà Ngân sống giản dị ngay tại khu nhà khách của Tỉnh ủy. Trong hồi ức của những cán bộ văn phòng Tỉnh ủy hồi đó, bà Kim Ngân là người yêu văn nghệ, hòa đồng vui vẻ. Còn trong hồi ức của người dân Hải Dương, hình ảnh bà Ngân trong ký ức của họ là nữ Bí thư xinh đẹp, duyên dáng, đội nón lá, dáng cao, nhanh nhẹn đi trên đường quê. Thi thoảng họ cũng thấy bà xuống đồng hồ hởi chuyện trò với bà con như những người thân.

Theo ông Dưỡng, sau gần bốn năm sống và làm việc ở Hải Dương, bà Kim Ngân để lại trong lòng người dân quê xứ Đông nhiều kỷ niệm, tình cảm tốt đẹp. Người ta nhắc tới một nữ Bí thư Tỉnh ủy duyên dáng mà kiên quyết, giàu cá tính và có năng lực tư duy kinh tế, đóng góp lớn trong bước phát triển đi lên của quê hương. “Tháng 1/2006, khi biết tin bà được điều động lên T.Ư làm Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, tôi nói với lãnh đạo tỉnh “chị Ngân mà làm Bộ trưởng thì… hơi phí. Con người ấy cần được đào tạo để giữ các chức vụ cao hơn giúp cho dân, cho nước”.

Và 10 năm sau, điều mà ông Dưỡng mong đợi đã trở thành hiện thực, khi bà Nguyễn Thị Kim Ngân được Quốc hội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Quốc hội. 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

* Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII 
* Ủy viên T.Ư Đảng khóa IX, X, XI, XII
* Bí thư T.Ư Đảng khóa XI
* Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam
* Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia
* Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII

* Ngày sinh: 12/4/1954
* Quê quán: Xã Châu Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre

* 1990: Quyền Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre
* 1991: Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre
* 1995: Thứ trưởng Bộ Tài chính
* 2002: Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương
* 2006: Thứ trưởng Bộ Tài chính - Thứ trưởng Bộ Thương mại
* 2007: Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội
* 2011: Phó Chủ tịch Quốc hội
* 2016: Chủ tịch Quốc hội

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.