Tâm sự

Chuyện chưa kể về ông chủ xe khách Sơn Tùng

25/06/2017, 16:25

Có được thương hiệu chất lượng là cả quá trình tâm huyết, “trải nghiệm đau đớn” để “lột xác” của hãng xe Sơn Tùng.

119

Hành khách an tâm, an toàn với các dịch vụ chất lượng, tận tâm trên xe khách thương hiệu Sơn Tùng

Làm đủ nghề: Tài xế, chủ xe, nhân viên một cơ quan báo, trạm thu phí đường bộ… nhưng nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đã “giữ chân” ông chủ trẻ Trần Sơn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Sơn Tùng (Bình Định), để tiên phong hình thành dòng xe chất lượng thương hiệu Sơn Tùng, chạy tuyến cố định Quy Nhơn - Đà Nẵng.

Trải nghiệm “hãng hàng không mặt đất”

Những ngày đầu tháng 6, bến xe Trung tâm Quy Nhơn tấp nập khách. Trên khoảng sân rộng, dãy xe khách Sơn Tùng nổi bật màu xanh trắng truyền thống, tấm dù, thảm đỏ, nhân viên soát vé tươi cười hướng dẫn khách đi tuyến Quy Nhơn - Đà Nẵng. Bỏ lại cái nắng hè, hành khách lên xe dễ dàng cảm nhận mùi xe mới, máy điều hòa phả xuống mát lạnh. “Thật lạ, nhà xe xếp dép cả cho khách, mời nước, khăn lạnh, kẹo bạc hà… “Đi miết ô tô khách, nhưng chưa bao giờ tôi bất ngờ về thái độ phục vụ như thế”, chị Nguyễn Thị Linh (trú Quy Nhơn) bộc bạch. Ở giường nằm đầu xe, ông Nguyễn Thái Bảo (trú Nại Hiên Đông, Sơn Trà, Đà Nẵng) vui nói: Đi suốt mình cũng quen với cảm giác làm “thượng đế” trên xe Sơn Tùng. Sợ nhất là lúc xe này hết vé, phải đi xe ngoài…

Từng đầu xe Sơn Tùng lần lượt vào đăng tài, xuất bến. Anh Tùng chăm chú dõi theo thái độ phục vụ của các nhân viên, tâm lý hành khách. Những phút ít ỏi trò chuyện cùng anh thường bị xen ngang bởi những cuộc điện thoại. “Có người khen, nhưng cũng có khách phản ánh xe trung chuyển đón trễ giờ. Mình phải tìm hiểu, chấn chỉnh ngay”, anh Tùng nói. Đường dây nóng in trên xe do anh Tùng trực tiếp quản lý. Có cảm giác anh chủ trẻ này chưa bao giờ hài lòng với chính mình nếu khách hàng chưa thực sự ưng ý trên mỗi hành trình xe chạy. Anh Tùng bảo: “Chúng tôi xác định phương châm luôn luôn vì khách hàng. Phải hành động thực tế từ chất lượng phương tiện, chất lượng phục vụ đến thái độ của từng CBCNV nhà xe Sơn Tùng…”.

Trên xe, bảng nội quy công ty Sơn Tùng công khai có những điều khoản “phạt nặng” tài xế, nhân viên nếu làm “phiền lòng” khách hàng mà không cần tường tận lí do. Theo anh Tùng, CBCNV nhà xe phải chuẩn mực trong công tác phục vụ hành khách. Đây cũng chính là “con đường” để “hãng hàng không mặt đất” Sơn Tùng kiên định trên hành trình phát triển, phục vụ khách...

Hành trình “lột xác”

Ít ai biết, có được thương hiệu chất lượng này là cả quá trình đầy tâm huyết, “trải nghiệm đau đớn” để “lột xác” của hãng xe Sơn Tùng. Bản thân anh Tùng cũng rùng mình khi nghĩ lại buổi đầu đầy “bốc đồng” vận hành một lối kinh doanh xe khách chụp giật chợ búa. Từng làm đủ nghề nhưng cái duyên, cái nghiệp đã “giữ chân” anh với con đường kinh doanh xe khách suốt 17 năm qua. Công tác ở ngành bảo đảm hàng hải từ năm 1996, bước ngoặt sự nghiệp khi anh công tác ở trạm thu phí QL19 (Bình Định) năm 2001. Ngồi kiểm đếm lượt xe qua trạm, anh Tùng nảy ý định đầu tư xe phục vụ hành khách. Nghĩ là làm, anh xin gia đình gom góp được 50 triệu đồng vào tận Sài Gòn để mua xe. Oái oăm thay, nhận xe về Quy Nhơn, anh Tùng mới phát hiện xe bị đánh tráo số máy, số khung. “Cả năm trời lận đận, tôi mới có thể chính danh chiếc xe khách đầu tiên BKS 77H-1307, chạy tuyến Quy Nhơn - Quảng Ngãi”, anh Tùng kể.

Vừa làm trạm thu phí, vừa đi học thêm ở trường Cao đẳng GTVT 2 (Đà Nẵng), anh Tùng vừa dấn thân vào nghề vận tải khách. Ngày đó, dòng chữ Sơn Tùng từng là nỗi ám ảnh với không ít “đồng nghiệp”, hành khách trên đường. Nhìn nét mặt hiền lành của anh Tùng, ít ai ngờ Tùng “chủ xe” từng nổi tiếng lái xe bạt mạng, quần thảo, nhồi nhét khách. “Có lần xe nhồi hơn 40 khách, chạy với “tốc độ bàn thờ” để tranh giành khách. Lúc đó mình đang hăng, thấy ai vượt mặt là chịu không nổi”, anh Tùng nhớ lại. Rời công tác ở trạm thu phí, anh học thêm ở trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng và quyết tâm đầu tư thêm 3 xe ô tô khác nhưng vẫn không từ bỏ lối hoạt động kiểu “xe chợ”.

Tuy nhiên, trong lần từ Sài Gòn về Quy Nhơn vào một ngày giữa năm 2011, anh Tùng bị sang xe tại Nha Trang (Khánh Hòa). Ngồi hàng ghế cuối, anh Tùng bị “nêm” giữa đống hành lý “đủ mùi vị”. Lái xe liên tục dừng đỗ bắt khách, rồi phóng bạt mạng, quần đảo. “Về đến Quy Nhơn tôi rã người, ốm mấy ngày liền. Lúc đó tôi mới nhận ra chính xe Sơn Tùng cũng đã gây ra không ít “đau khổ” cho hành khách”, anh Tùng tâm sự.

Ngay sáng hôm sau, anh tổ chức họp khẩn lái phụ xe, ra “chỉ đạo nóng” không nhồi nhét, phóng nhanh vượt ẩu, chất hàng quá tải… Nhiều nhân viên phản ứng vì lo doanh thu giảm. Nhưng anh nói gọn “cứ làm vậy đi”. Thời gian đầu, 3 đầu xe Fordtransit tuyến Quy Nhơn - Quảng Ngãi, Quy Nhơn - Đà Nẵng chạy lỗ nặng, không cạnh tranh được với các đầu xe trên tuyến bởi hạn chế tốc độ… “Cũng có lúc tôi nghĩ đến chuyện phá sản. Nhưng nghĩ, chỉ có con đường chất lượng mới là xu hướng phù hợp nhất”, anh Tùng nói.

Phát triển

Cứ thế, anh nỗ lực “thay máu” toàn bộ phương thức kinh doanh hoạt động. Năm 2014, Công ty TNHH Vận tải Sơn Tùng chính thức thành lập, đánh dấu bước ngoặt lớn trong hoạt động kinh doanh đầy đĩnh đạc và đúng luật. Các đầu xe Sơn Tùng ngày một nhiều, thay đổi chất lượng, cung cách phục vụ. Ngày Sơn Tùng huy động đội ngũ nhân viên bán vé, kiểm soát, phát nước, khăn lạnh cho hành khách khiến cả bến xe ngỡ ngàng. Khách bất ngờ vì được người đúng chỗ, đúng ghế.

Nỗi ám ảnh một thời về “hung thần” xe Ford dần đẩy vào dĩ vãng. Với mỗi xe 16 chỗ, anh Tùng bố trí một tài xế, một phụ xe. Xe giường nằm được bố trí 2 tài xế, 2 phụ xe phục vụ hành khách. Hai tài xế thay phiên nhau lái xe trên cung đường 300km để đảm bảo an toàn. Anh Tùng ứng dụng các công nghệ vào quản lý, điều hành, cập nhật dữ liệu về từng hành trình xe nên kịp thời nắm bắt tâm tư hành khách, trả lại đồ đạc bị thất lạc, giám sát nhân viên…

Đến nay, xe khách Sơn Tùng đã có 37 đầu xe chất lượng cao từ xe Ford 16 chỗ, xe giường nằm đến xe hạng sang Limousine phục vụ thường xuyên trên các tuyến Quy Nhơn - Đà Nẵng, Quy Nhơn - Nha Trang. Mỗi chuyến xe Sơn Tùng xuất bến hầu như chẳng lúc nào còn ghế trống.

LỚP VÕ ĐẶC BIỆT VÀ TÂM HUYẾT PHỔ BIẾN TINH HOA

Cuối năm 2016, khi công việc kinh doanh đã đi vào ổn định, anh Tùng bắt đầu đưa nhân viên công ty và cánh tài xế phụ xe theo luyện tập tại Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định. Anh cho biết, việc đưa các anh em nhân viên đi tập võ không chỉ rèn luyện nâng cao sức khỏe mà còn để tự vệ, bảo vệ gia đình và hành khách khi xảy ra chuyện không hay. Hơn nữa khi sức khỏe tốt sẽ kéo theo tinh thần minh mẫn, lái xe trên tuyến sẽ đảm bảo an toàn hơn.

Theo võ sư Bùi Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định, đưa võ thuật cổ truyền Bình Định đến với các cá nhân, tập thể là cách để giữ gìn và phát huy tinh hoa võ thuật của ông cha để lại. Đó là cách hiệu quả để lưu giữ truyền thống vốn quý của dân tộc. Chúng tôi đang rất nỗ lực để đưa võ cổ truyền Bình Định trở thành di sản phi vật thể của quốc gia. Thời gian qua, chúng tôi đã truyền dạy võ cổ truyền Bình Định đến hầu hết các tầng lớp nhân dân, từ học sinh đến người đi làm. Tôi rất ủng hộ việc Công ty Vận tải Sơn Tùng đề xuất tập võ cho nhân viên. Đó cũng là một cách để võ cổ truyền Bình Định được bảo tồn, phát huy và quảng bá rộng rãi trên những con người hiện thực. Tôi cũng rất mong có thêm nhiều doanh nghiệp khác làm điều tương tự để càng ngày võ cổ truyền của chúng ta càng được quảng bá rộng rãi hơn.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.