Xã hội

Chuyện dân làng biển giữ rừng phi lao như báu vật

03/07/2022, 06:29

Từ bao đời nay, người dân vùng biển xã Kỳ Nam, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh luôn xem rừng phi lao 200 năm tuổi như báu vật chung của làng.

Từ hàng trăm năm qua, chưa có một gốc cây nào bị xâm hại bởi bàn tay con người.

img

Ông Nguyễn Đình Thoại bên gốc phi lao hàng trăm năm tuổi

“Tấm khiên” che chở trước thiên tai, địch họa

Cuối tháng 6, giữa cái nắng chói chang, oi nồng cùng với gió Lào thổi như muốn thiêu đốt tất thảy mọi thứ, chúng tôi tìm về xã Kỳ Nam, một xã nghèo ven biển của thị xã Kỳ Anh.

Vùng đất nằm ép mình dưới chân núi Hoành Sơn hùng vĩ, xa xa là bờ biển với bãi cát dài thơ mộng.

Dẫn chúng tôi đi dưới tán rừng phi lao ngót nghét 200 năm tuổi, ông Nguyễn Đình Thoại (73 tuổi, Bí thư chi bộ, kiêm Trưởng thôn Minh Đức, xã Kỳ Nam) kể: “Cánh rừng phi lao dọc bờ biển được người dân địa phương chúng tôi xem như báu vật. Cánh rừng như thể một tấm khiên vươn dài chở che dân làng trong chiến tranh, bảo vệ dân trước thiên tai khắc nghiệt hàng trăm năm nay’.

Sắp tới có một số doanh nghiệp về triển khai dự án đầu tư gần khu vực rừng phi lao phòng hộ, tuy nhiên họ cam kết sẽ giữ lại rừng để tạo môi trường sinh thái, khai thác phát triển du lịch.
Quan điểm của địa phương là luôn ưu tiên giữ rừng phi lao hàng trăm năm tuổi này, bởi đây là vốn quý của tự nhiên cũng như mạch nguồn nuôi nấng, che chở, bảo vệ người dân xã Kỳ Nam bao đời qua.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Nam

Quả thật, khi lạc bước vào cánh rừng phi lao cổ thụ này, người ta có cảm giác như cái nóng oi nồng được xua tan bởi từng ngọn gió trong lành từ biển thổi vào.

Từng gốc phi lao dễ đến 2 - 3 người ôm không xuể, tựa như những cái ô khổng lồ làm dịu đi cái thời tiết khắc nghiệt của dải đất miền Trung vốn đầy nắng và gió.

Theo ông Thoại, để có được cánh rừng phi lao cổ thụ này là nhờ công lao của nhiều thế hệ người dân xã Kỳ Nam ra sức gìn giữ, bảo vệ.

“Dọc ven biển miền Trung hiếm có rừng phi lao nào cổ thụ và được người dân xem như báu vật như cánh rừng phi lao này”, ông Thoại tự hào.

Rừng phi lao ở đây hiện có khoảng gần 40.000 gốc với diện tích 25ha, chiều dài gần 3km, chiều rộng gần 100m, kéo từ cửa sông Xích Mỗ (thôn Minh Đức) đến vùng đất Mũi Đao (thôn Quý Huệ) của xã Kỳ Nam.

Hàng trăm năm qua, những cây phi lao đã bền bỉ đứng vững, chống chọi với bão tố, cuồng phong, sóng dữ từ ngoài khơi xô đập vào bờ để giữ đất, giữ làng.

Nhiều gốc cây gân guốc, lớp vỏ sần sùi và chi chít ụ nổi lồi lõm. Nhiều cây vẫn còn mang đầy những dấu tích do sự tàn phá của chiến tranh cũng như hứng trọn bao cơn bão tố ngoài khơi ập vào.

Hướng ánh mắt xa xăm về phía biển, ông Thoại kể tiếp, hiện nay trong xã không còn ai biết chính xác rừng phi lao này được trồng từ bao giờ.

Thế hệ như ông khi sinh ra đã thấy rừng cây phát triển xanh tốt, sừng sững ở đó. Ngoài tác dụng ngăn sạt lở đất, cát bay, chống biến đổi khí hậu, rừng còn che chắn sóng, gió bão, bảo vệ cuộc sống bình yên cho người dân thôn Minh Đức nói riêng và xã Kỳ Nam nói chung.

“Tôi lớn lên đã nghe ông cha kể lại rằng, rừng phi lao này đã tồn tại ít nhất là 200 năm. Trong những năm chiến tranh ác liệt, rừng bao bọc, che chở cho dân quân địa phương, bộ đội đóng quân chiến đấu bảo vệ bờ biển Kỳ Nam.

Sau hòa bình lập lại, nhờ có rừng cây này che chắn, bảo vệ vững chãi trước tác động của bão tố, gió chướng nên cuộc sống, sản xuất của người dân trong vùng được ổn định và phát triển”, ông Thoại cho hay.

Giữ báu vật bằng mọi giá

img

Tuổi thơ của những đứa trẻ xã Kỳ Nam chính là cánh rừng phi lao xanh mướt mát những trưa hè

Người dân xã Kỳ Nam thường kể cho nhau nghe huyền tích về 5 người đến thôn Minh Đức lập làng, trồng phi lao giữ đất.

Để tưởng nhớ công ơn của họ, người dân đã tôn họ là Thánh Đức và lập nên 5 miếu thờ ở 5 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc và Trung.

Nhưng miếu có từ lúc nào cũng không ai biết được, chỉ hay rằng, đền thờ và những cây phi lao đã hiên ngang trụ vững nơi này từ rất lâu.

Cụ ông Mai Lương Dụ (93 tuổi, ngụ thôn Minh Đức) cho biết: “Làng chúng tôi có quy ước truyền từ đời này đến đời khác rằng, bất cứ là ai dù là già hay trẻ nếu bị phát hiện đi vào rừng chặt phá, làm tổn hại đến cây rừng đều bị dân làng đem ra xử phạt rất nặng nên hiếm khi rừng cây bị chặt phá bởi con người”.

Theo cụ Dụ, mỗi lần bão tố quét qua, người dân thường chạy ra biển để xem rừng phi lao có bị ảnh hưởng không, nếu có cây nào đó đổ xuống thì cả làng hò nhau dựng lại, rồi ai nấy mới quay về dọn dẹp cho nhà mình.

“Nhờ có rừng phi lao mà ruộng vườn của chúng tôi không bị cát biển xâm lấn, nhà cửa không bị ảnh hưởng nhiều bởi sự tàn phá của sóng biển hay gió bão.

Thế hệ ông cha chúng tôi luôn nhắc nhở con cháu phải giữ lấy rừng, bảo vệ rừng phi lao này và đến bây giờ, chúng tôi tiếp tục chỉ dạy con cháu về điều đó, phải giữ báu vật bằng mọi giá”, cụ Dụ chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Kỳ Nam cho biết, để gìn giữ, bảo vệ, phát triển rừng phi lao hàng trăm năm tuổi, từ năm 1990, chính quyền địa phương đã giao lại cho người dân thôn Minh Đức quản lý, chăm sóc.

Hàng năm người dân trong thôn đều tổ chức trồng thêm cây nhằm bổ sung, thay thế những cây bị gió bão làm gãy đổ.

Trong đó, riêng giai đoạn từ năm 2012 - 2015 có trên 3.000 cây phi lao được trồng mới. Nhờ vậy, rừng cây luôn phát triển xanh tốt, rậm rạp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.