Giao thông

Chuyên gia Nhật giải thích đề xuất hạn chế công chức đi xe riêng

13/09/2017, 21:30
image

Đề xuất hạn chế công chức đi làm bằng xe cá nhân để giảm ùn tắc giao thông có khả thi?

un-tac-giao-thong

Khuyến khích công chức không đi làm bằng xe cá nhân để giảm ùn tắc giao thông đô thị là đề xuất giành giải Nhất Diễn đàn Chống ùn tắc giao thông

Ý tưởng “Hạn chế công chức đi làm bằng xe cá nhân, tại sao không” vừa được trao giải Nhất Diễn đàn Chống ùn tắc giao thông đô thị do Báo Giao thông phối hợp diễn đàn Otofun tổ chức. Trước nhiều ý kiến cho rằng đề xuất này không mới và cực đoan nếu áp dụng tại Việt Nam, tác giả ý tưởng - ông Takagi Michimasa, chuyên gia tư vấn cao cấp Công ty Almec (Nhật Bản) đã có cuộc trao đổi rất thẳng thắn với phóng viên.

Ông có thể cho biết vì sao gửi bài tham gia Diễn đàn chống ùn tắc giao thông?

Tôi đã có 15 năm làm việc tại Hà Nội. Công việc của tôi liên quan trực tiếp tới giao thông tại đất nước các bạn và tôi muốn đóng góp ý kiến nhằm cải thiện tình hình giao thông hiện nay tại Hà Nội.

Vì sao ông cho rằng cần hạn chế công chức đi làm bằng xe cá nhân?

ông Tagaki Michimasa

Ông Takagi Michimasa

Như mọi người đã biết, một biện pháp hiển nhiên và hiệu quả để giảm ùn tắc giao thông là hạn chế phương tiện cá nhân và chuyển sang phương tiện giao thông công cộng. Trước hết công chức nhà nước, đặc biệt là cán bộ ngành Giao thông phải gương mẫu đi đầu tích cực sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Việc công chức nhà nước được khuyến khích hạn chế sử dụng xe riêng, đi phương tiện giao thông công cộng là biện pháp đã được nhiều nước tiên tiến như Nhật, các nước Châu Âu v.v… áp dụng. Tại Nhật Bản, hiện có hơn một nửa các cơ quan Nhà nước cấm nhân viên của họ dùng xe riêng đi làm (muốn đi phải có giấy phép).

Nếu công chức nhà nước đi xe buýt đi làm họ sẽ thấy được những tồn tại bất cập của hệ thống giao thông công cộng hiện có và có nỗ lực, quyết tâm để thay đổi nó. Điều này sẽ tạo ra những chuyển biến rõ rệt. Tôi nghĩ Hà Nội cũng như Việt Nam có thể triển khai biện pháp này.

Nhưng giao thông công cộng ở Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, làm như vậy có cực đoan?

Nhật Bản từng tắc nghẽn giao thông trầm trọng cho đến khi mạng lưới đường sắt đô thị được mở rộng. Vào thời điểm này, người dân không có lựa chọn nào khác ngoài đi xe buýt, ô tô cá nhân bị hạn chế. Chính phủ làm những làn riêng cho xe buýt trên các tuyến đường trục chính đô thị nhằm cải thiện dịch vụ xe buýt và kiểm soát chặt chẽ việc đỗ xe trên đường phố để dòng giao thông được thông suốt. May mắn là sự tăng trưởng của phương tiện cơ giới ở Nhật không quá nhanh như ở Việt Nam và các nước ASEAN khác, vì thế tắc nghẽn giao thông đã được kiểm soát từ từ.

Hà Nội cần phải áp dụng các quy định bắt buộc sử dụng vận tải công cộng để đi làm đối với người dân đang sống ở các khu vực có khả năng tiếp cận tới vận tải công cộng tốt như dọc tuyến BRT hoặc các hành lang xe buýt chính, tương lai gần sẽ là dọc tuyến đường sắt đô thị số 2A.

Tôi vẫn cho rằng chỉ cấm và hạn chế thì chưa thuyết phục nhất là với thực trạng xe buýt hiện nay trong khi đường sắt trên cao chưa hoạt động và BRT mới chỉ có 1 tuyến?

Chính quyền vẫn cần đưa ra 1 lộ trình, 1 thời điểm cụ thể để thực hiện việc này. Bên cạnh đó là những gói giải pháp để hỗ trợ công chức tiếp cận với giao thông công cộng tốt hơn như miễn phí vé tháng đi xe buýt, vé đường sắt trên cao đồng thời giảm dần các điểm đỗ xe miễn phí.

Theo ông, giao thông Việt Nam nói chung, giao thông Hà Nội nói riêng đang đối mặt những cản trở gì?

Có thể thấy rõ nhất là vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông đang cản trở sự phát triển kinh tế, giảm chất lượng môi trường sống. Nguyên nhân do xe máy, ô tô cá nhân tăng lên nhanh chóng trong khi ý thức khi tham gia giao thông của người dân chưa thay đổi phù hợp với sự gia tăng phương tiện đó.

Để cải thiện giao thông Hà Nội cần thiết phải thay đổi thói quen lựa chọn phương thức đi lại của người dân, đồng thời phát triển hạ tầng giao thông công cộng, xây dựng mạng lưới vận tải công cộng kết nối đồng bộ cũng như xây dựng quy hoạch phát triển giao thông đô thị phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

Ùn tắc giao thông chỉ là một khía cạnh của vấn đề, trong khi hoạt động giao thông có tác động mật thiết đến đời sống của người dân. Vì vậy, không chỉ tập trung vào nhóm giải pháp về ùn tắc giao thông mà cần có giải pháp tổng thể đồng bộ để giải quyết vấn đề giao thông đô thị. Đặc biệt, trong bối cảnh thu nhập của người dân Hà Nội ngày càng tăng, kéo theo số lượng phương tiện cá nhân ô tô, xe máy cũng tăng theo, sẽ phát sinh những hình thái giao thông, những kiểu hành vi tham gia giao thông mới. Theo tôi, vấn đề lớn nhất Hà Nội cần làm được là quản lý giao thông một cách có hiệu quả, linh hoạt trước sự thay đổi phát triển không ngừng của xã hội.

Một vấn đề khó để kiểm soát ở Việt Nam đó là có một lượng lớn xe máy. Người điều khiển xe máy có sự đa dạng về tuổi, kiến thức về quy tắc giao thông cũng như là nhận thức xã hội. Vấn đề lớn nhất là làm sao để kiểm soát được xe máy. Cấm sử dụng là một cách nhưng cách này sẽ khó đạt được sự đồng thuận xã hội.

Vì thế, cần phải mời tất cả các công ty, tổ chức và yêu cầu họ quản lý/kiểm soát việc đi lại của nhân viên/học sinh của họ. Nêu cao trách nhiệm cộng đồng của các tổ chức, doanh nghiệp. Đây là một cách mà Nhật Bản đã đưa ra và rất hiệu quả.

Cảm ơn ông!

Bài dự thi của ông Takagi Michimasa: Hạn chế công chức đi làm bằng xe cá nhân, vì sao không?

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.