Hậu trường sao

Chuyện mua lợn giống của nữ Á quân boxing thế giới

01/04/2023, 10:30

Võ sĩ Nguyễn Thị Tâm (hạng ruồi, 50 - 55kg) từng vay HLV 2 triệu đồng để mua lợn giống cho bố mẹ chăn nuôi, cải thiện cuộc sống.

Cô cho biết, chính cái nghèo giúp cô nỗ lực nhiều hơn trên sàn đấu, đưa cô bước lên đỉnh cao sự nghiệp.

Hai cá tính đối lập

img

Nguyễn Thị Tâm làm nên lịch sử cho boxing Việt Nam

Chúng tôi tìm gặp Nguyễn Thị Tâm, nữ võ sĩ vừa giành tấm HCB lịch sử cho boxing Việt Nam tại Giải vô địch thế giới 2023 ngay khi cô trở về Việt Nam.

Trái với sự quyết liệt, mạnh mẽ trên sàn đấu, Tâm ngoài đời là cô gái rất hiền, có phần nhút nhát. “Tôi rất ít nói, nhất là với người lạ. Ra ngoài đường ít khi tôi kể mình là VĐV boxing bởi chỉ muốn mình là người bình thường”, Á quân thế giới chia sẻ.

Khi được hỏi đâu là động lực giúp Tâm mạnh mẽ khi thi đấu, cô gái quê Thái Bình đáp: “Có lẽ cái nghèo, cái khó buộc mình phải nỗ lực nhiều hơn. Tôi tâm niệm muốn thoát nghèo, muốn giúp đỡ gia đình thì con đường duy nhất là phải giành chiến thắng, để có thành tích cũng như tiền thưởng. Cũng bởi vậy tôi không cho phép mình dừng lại”.

Rồi cô kể, nhà cô nghèo lắm, gia đình thuần nông quanh năm trông vào mấy sào lúa mà chẳng đủ ăn. Thế nên, bố mẹ cô phải làm thuê, làm mướn đủ thứ việc để lo cho chị em cô.

Chứng kiến cảnh đấng sinh thành lam lũ, ngược xuôi, ngay từ nhỏ, Tâm đã suy nghĩ phải thoát nghèo. Nhưng cô cũng chẳng thể nghĩ mình sẽ theo nghiệp thể thao mà lại là nghiệp võ vốn được cho không thuộc về phái nữ.

Cơ duyên của cô với thể thao cũng khá tình cờ. Khi học Tiểu học, với vóc dáng cao, cô tham gia nhiều môn thể thao khác nhau như: Bóng chuyền, điền kinh, bóng rổ, bóng bàn…

Sau đó, cô được các thày ở Trung tâm Thể dục thể thao Công an Nhân dân tuyển chọn theo tập điền kinh.

Nhưng chỉ được 2 năm, Tâm từ bỏ vì cảm thấy quá khắc nghiệt và đây cũng là ngã rẽ quyết định sự nghiệp của cô. Năm 2009, cô gái Thái Bình được các thày ở đội boxing Hà Nội đưa vào tập luyện vì chiều cao tốt, sải tay dài. Tâm nói, thời gian đầu cô sợ lắm vì thấy các anh chị tập luyện cường độ cao, đấm đá liên tục nên có ý định bỏ cuộc.

Nhờ sự động viên của các thày mà cô can đảm bước tiếp, tiến bộ không ngừng và trở thành nhân tố nổi bật của boxing Hà Nội.

Ấy thế nhưng năm 2016, suýt chút nữa nữ võ sĩ 29 tuổi thêm một lần muốn từ bỏ con đường đã chọn vì bị xử ép ở Giải vô địch quốc gia.

Rất may HLV Nguyễn Như Cường đã kịp giữ cô học trò lại, bằng không boxing Việt Nam chẳng thể có được tấm HCB thế giới lần đầu trong lịch sử.

Trước khi khiến cả thế giới biết đến, Tâm là độc cô cầu bại ở các đấu trường trong nước, ấn tượng hơn cả là 5 năm liền vô địch giải quốc gia. Cô cũng từng vô địch châu Á, 2 lần vô địch SEA Games, bảng vàng thành tích bất kỳ võ sĩ nào cũng khao khát.

Dù vậy, nhà á quân thế giới vẫn tỏ ra rất khiêm tốn khi nói về bản thân: “Tôi không cho rằng mình là một VĐV nổi tiếng, tôi thấy mình còn nhiều điểm cần hoàn thiện nếu muốn duy trì phong độ và có những bước tiến mới. Mục tiêu của tôi thời gian tới là giành HCV SEA Games 32 và đoạt vé dự Olympic 2024”.

Trong khi đó, HLV Nguyễn Như Cường, người trực tiếp dìu dắt tay đấm quê lúa khẳng định, việc giành HCB giải thế giới không nằm ngoài dự tính của ông và cũng không ảnh hưởng tới kế hoạch sắp tới của học trò.

“Trước giải, ban huấn luyện đánh giá khả năng của Tâm đủ sức cạnh tranh huy chương, em đã thể hiện tốt để vào trận chung kết. Nếu may mắn hơn, Tâm thậm chí có thể lấy HCV. Ngay sau đây, chúng tôi sẽ bắt tay vào chuẩn bị cho SEA Games 32 cũng như ASIAD 2023 (đồng thời là vòng loại Olympic 2024). Tâm cũng sẽ có chuyến tập huấn tại Thái Lan vào tháng 4 tới”, ông Cường thông tin.

Rất sợ bị đấm vào mặt

Thông thường, mỗi VĐV thể thao đỉnh cao đều mang trong mình câu chuyện thú vị. Và với Nguyễn Thị Tâm, việc cô vay HLV 2 triệu đồng để mua lợn giống cho bố mẹ có lẽ sẽ trở thành giai thoại của làng boxing Việt Nam.

Năm 2010, thời điểm mới tập boxing, lương chỉ có vài trăm nghìn đồng. Thấy bố mẹ ở nhà vất vả quá nên cô đánh liều vay thày 2 triệu đồng để mua lợn giống cho bố mẹ chăn nuôi.

Từ con lợn giống này, đến nay gia đình Tâm đã có 1 đàn lợn, cuộc sống không còn quá lam lũ.

Về phần mình, cô gái sinh năm 1994 cho biết thêm: “Suốt những năm qua, tôi đi tập khi có tiền lương, thưởng huy chương là đưa hết cho bố mẹ để lo liệu cuộc sống. Sau SEA Games 31, có được chút tiền thưởng, tôi đã sửa nhà cho bố mẹ, tôi coi đây là thành quả lớn nhất mình đạt được”.

Suốt những năm ròng rã theo đuổi boxing, ngoài niềm vui chiến thắng, nữ võ sĩ vừa giành HCB thế giới cũng trải qua nhiều tình huống trớ trêu. Năm 2019, cô tham dự SEA Games 30 tại Philippines, trận chung kết gặp đối thủ chủ nhà và đã bị chơi xấu.

“BTC không bố trí xe cho thày trò tôi tới nhà thi đấu buộc thày phải gọi xe ngoài. Ở trên xe, thày Cường và chuyên gia cuốn băng tay cho tôi, lúc đến nhà thi đấu chỉ kịp đeo găng là lên đài. Vượt qua áp lực của khán giả nhà, tôi đã giành HCV. Lúc đấy, tôi bật khóc vì sung sướng”, Tâm nhớ lại.

Rồi có lần khi đang chuẩn bị cho Olympic 2020, trong khi đấu tập, Tâm bị một đàn em đấm trúng mũi rất mạnh. HLV Như Cường được phen hú vía bởi nếu chấn thương thì học trò sẽ bỏ lỡ kỳ thế vận hội trên đất Nhật Bản. Cũng may Tâm chỉ đau nhẹ.

Cũng bởi lần trúng đòn đó mà võ sĩ gốc Thái Bình bộc bạch, cô rất sợ bị đấm trúng mặt. “Con gái mà, ai cũng muốn giữ gìn khuôn mặt nhưng boxing lại chủ yếu ra đòn vào mặt. Việc bị đấm bầm mắt, chảy máu môi diễn ra như cơm bữa.

Đau thì chườm đá rồi tập chứ không thể nghỉ. Có hôm môi bị dập, chảy máu ăn cơm xót lắm nhưng vẫn phải cố ăn để còn lấy sức tập. Cũng may, kể từ khi tập boxing, tôi chưa gặp phải chấn thương nào quá nghiêm trọng”.

Khá bất ngờ khi nhà vô địch SEA Games tiết lộ, cô yêu thích nấu ăn và có ý định mở quán ăn. “Tôi thích nấu ăm, làm được nhiều món nhưng ngon nhất là vịt om sấu và lẩu Thái. Tôi từng mơ ước mở cửa hàng kinh doanh đồ ăn nhưng đó là chuyện của tương lai, còn hiện tại tôi chỉ muốn tập trung toàn bộ thời gian, sức lực cho boxing”.

Tại đội boxing Hà Nội, Nguyễn Thị Tâm hưởng chế độ tiền công 180.000 đồng/ngày, mỗi tháng được khoảng 5.000.000 đồng tiền lương. Nếu được triệu tập lên đội tuyển quốc gia, mức tiền công tăng lên 270.000 đồng/ngày.

Tuy giành nhiều thành tích vang dội nhưng ít ai biết rằng Tâm chỉ đang hưởng chế độ như một VĐV ăn tập theo hợp đồng đào tạo. Năm 2019, đợt xét duyệt biên chế của ngành thể thao Hà Nội diễn ra ở thời điểm Tâm còn 2 tháng nữa mới có bằng tốt nghiệp đại học nên cô đã bỏ lỡ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.