Tài chính

Cơ cấu lại kinh tế cần những đột phá gì?

03/11/2021, 06:00

Chính phủ vừa trình Quốc hội Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế, đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng

Theo dự kiến, cuối tuần sau, trong đợt họp thứ 2, Kế hoạch này sẽ được Quốc hội khóa XV biểu quyết thông qua. Báo Giao thông ghi nhận ý kiến đóng góp của một số ĐBQH, chuyên gia về một số nội dung trong Kế hoạch này.

img

Nguồn nhân lực chất lượng cao có vai trò quan trọng trong tái cơ cấu nền kinh tế. Ảnh: Tạ Hải

ĐBQH Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:
Gỡ điểm nghẽn giải ngân đầu tư công

img

Bên cạnh những thuận lợi, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế nước ta trong giai đoạn tới sẽ gặp nhiều thách thức.

Thứ nhất, tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay còn diễn biến phức tạp và khó lường, có thể phát sinh nhiều biến chủng mới. Vì thế, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế không chỉ phải thích ứng với biến đổi khí hậu mà còn phải thích ứng an toàn với việc kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Thứ hai, việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do dịch bệnh làm cho giá cả hàng hóa tăng cao, lạm phát thế giới đang bùng lên. Trong đó, giá xăng dầu có khả năng tác động đến lạm phát nước ta trong thời gian tới và đặc biệt là các chi phí, các dự toán trong kế hoạch đầu tư của chúng ta có thể bị thay đổi.

Vì vậy, việc phải có kịch bản ứng phó, không để kinh tế vĩ mô bất ổn là cấp bách.

Trong vấn đề cơ cấu lại đầu tư công, dịch vụ công thời gian qua chúng ta cũng đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, giải ngân đầu tư công vẫn là một điểm nghẽn cần rà soát, chỉ ra các nguyên nhân để tập trung xử lý. Chính phủ nên duy trì tổ hỗ trợ phản ứng nhanh giúp cho các tỉnh, thành trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Về phân bổ vốn đầu tư, cần thực hiện theo đúng mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phân bổ vốn cho hạ tầng, cho liên kết vùng, cho liên kết ngành, hạ tầng chuyển đổi số, kinh tế số, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.

Chính phủ sớm hoàn thiện thể chế, cơ chế để cho liên kết vùng thực hiện có hiệu quả vì thời gian qua chúng ta có quy định nhưng chưa làm rõ được quyền lợi, trách nhiệm của các đơn vị tham gia liên kết vùng.

ĐBQH Hoàng Văn Cường, Phó hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân:
Phải hình thành các tập đoàn trong nước mạnh

img

Cơ cấu lại nền kinh tế chính là việc thay đổi về cơ cấu hay thay đổi về quan hệ tỷ lệ về phân bổ nguồn lực để làm thay đổi về quy mô, tốc độ và trình độ phát triển của các ngành cũng như các lĩnh vực, các vùng, các thành phần kinh tế.

Với cách hiểu như thế về cơ cấu lại, trong bối cảnh hiện nay rất cần thiết phải cơ cấu lại, bởi một số lý do.

Thứ nhất, phân bổ nguồn lực nội tại của nền kinh tế chúng ta hiện nay đang mất cân đối. Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề vốn trong các doanh nghiệp Nhà nước chiếm giữ rất lớn nhưng không sử dụng hiệu quả, trong khi các khu vực tư nhân lại không có khả năng tiếp cận.

Chúng ta thấy nhiều vùng có tiềm năng phát triển rất tốt nhưng đầu tư phát triển lại không cân xứng, như Đồng bằng sông Cửu Long tốc độ đầu tư về hạ tầng thấp hơn nhiều sau các vùng khác. Hoặc các vùng kinh tế ven biển có nhiều tiềm năng nhưng khai thác, đầu tư cho phát triển kinh tế biển hầu như chưa được quan tâm.

Thứ hai, nền kinh tế hiện nay đang thiếu các trụ cột để tạo nên một sự phát triển tự chủ và bền vững, phụ thuộc chủ yếu vào FDI. Chúng ta chỉ đang nhận được một phần giá trị gia tăng rất nhỏ, dẫn đến năng suất lao động thấp. Do vậy, cần thiết phải thay đổi vấn đề phân công cho chuỗi giá trị này.

Mục tiêu của Việt Nam là trở thành một quốc gia hùng cường. Quốc gia hùng cường nào cũng phải dựa trên các trụ cột hoặc là phải có tập đoàn kinh tế mạnh để không chỉ làm chủ kinh tế trong nước mà còn vươn ra làm chủ, thống lĩnh trên thế giới.

Thứ ba, cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chúng ta phải cơ cấu lại. Hiện nay, tất cả các lĩnh vực đều đang phải cơ cấu lại, thậm chí ngay trong hộ gia đình thì cách chi tiêu, cách sử dụng đồng tiền cũng đã phải thay đổi.

ĐBQH Phan Đức Hiếu, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương - CIEM:
Nguồn lực con người là quan trọng nhất

img

Cơ cấu lại nền kinh tế phải đặt trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 có thể kéo dài và có những yếu tố bất định để có giải pháp phù hợp, sát với tình hình thực tế hơn để không lỡ nhịp với kinh tế thế giới.

ơ cấu lại nền kinh tế cần lấy hoàn thiện thể chế, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo làm đột phá. Huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển.

Tác động của cuộc cách mạng 4.0 trên tất cả các lĩnh vực của cuộc sống cũng như tác động của dịch bệnh Covid-19 đã làm thay đổi hành vi kinh tế - xã hội và quan hệ kinh tế quốc tế; chuyển dịch chuỗi thương mại toàn cầu...

Vì thế, phát triển kinh tế hiện nay phải đáp ứng các yêu cầu: Có sức chống chịu, thích ứng, năng động, linh hoạt; Nâng cao năng lực quản trị quốc gia.

Tôi cũng xin nhấn mạnh, để thực hiện Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2021-2025 thì nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Lao động có trình độ sẽ tạo ra áp lực nâng cao trình độ công nghệ, năng lực quản trị. Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025 đã có nhiều nội dung liên quan đến phát triển nguồn nhân lực, nhưng vẫn tản mát ở các lĩnh vực.

Tác động của dịch Covid-19 vừa qua cùng với làn sóng di cư lao động càng cho thấy vấn đề nguồn lực lao động trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Do vậy, điều quan trọng nhất lúc này không chỉ dừng lại ở quan hệ lao động, sử dụng lao động, chất lượng lao động, mà còn là hệ sinh thái cho người lao động như chỗ ở, môi trường sống, chính sách bảo hiểm... Phát triển lực lượng lao động không chỉ là khu vực tư nhân, mà phải bao gồm cả khu vực công.

Vì vậy, nguồn lực lao động cần phải là một trọng tâm và có thể nên xem xét để tách riêng thành một trụ cột trong nội dung kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế lần này, để từ đó có được giải pháp và cách thức tổ chức thực hiện tổng thể, không trùng lặp, không phân tách.

Chính phủ đã rất thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, kết quả đạt được, bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn trước đây, một số mục tiêu chưa đạt được.

Do đó, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế lần này cần tập trung, gia cố nội dung về tổ chức thực hiện, tránh trường hợp thực hiện theo phong trào, chỉ mang tính hình thức mà không thực chất.

ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh:
Tận dụng lợi thế của từng địa phương

img

Liên kết kinh tế vùng là để tận dụng lợi thế của từng địa phương để tạo ra tính cạnh tranh về kinh tế cao hơn trong một vùng, đó là điều chúng ta mong muốn hiện nay.

Thời gian qua vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh, thành đều muốn địa phương của mình được đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nên nguồn lực đầu tư dàn trải, trùng lắp giữa các địa phương lân cận dẫn đến nhiều công trình đầu tư công kém hiệu quả.

Theo tôi, để đẩy nhanh quá trình liên kết vùng giữa các địa phương thì Trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau.

Chẳng hạn, trong một vùng địa phương có lợi thế về sân bay và có liên kết được với các địa phương khác ưu tiên sử dụng sân bay của mình thì Trung ương sẽ ưu tiên đầu tư giao thông kết nối.

Hay như địa phương nào đầu tư được khu chế biến, sản xuất mang giá trị cao và liên kết được với các vùng nguyên liệu thì Trung ương đầu tư giao thông liên kết các vùng nguyên liệu đến địa phương sản xuất.

Từ đó để tạo tiền đề, các địa phương phối hợp với nhau trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, không còn đầu tư dàn trải, làm giảm hiệu quả nguồn lực của Trung ương.

Liên kết kinh tế vùng là để tận dụng lợi thế của từng địa phương để tạo ra tính cạnh tranh về kinh tế cao hơn trong một vùng, đó là điều chúng ta mong muốn hiện nay.

Thời gian qua vẫn tồn tại tình trạng mỗi tỉnh, thành đều muốn địa phương của mình được đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực nên nguồn lực đầu tư dàn trải, trùng lắp giữa các địa phương lân cận dẫn đến nhiều công trình đầu tư công kém hiệu quả.

Theo tôi, để đẩy nhanh quá trình liên kết vùng giữa các địa phương thì Trung ương cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho các địa phương có liên kết vùng với nhau.

Chẳng hạn, trong một vùng địa phương có lợi thế về sân bay và có liên kết được với các địa phương khác ưu tiên sử dụng sân bay của mình thì Trung ương sẽ ưu tiên đầu tư giao thông kết nối. Hay như địa phương nào đầu tư được khu chế biến, sản xuất mang giá trị cao và liên kết được với các vùng nguyên liệu thì Trung ương đầu tư giao thông liên kết các vùng nguyên liệu đến địa phương sản xuất.

Từ đó để tạo tiền đề, các địa phương phối hợp với nhau trong các lĩnh vực có lợi thế so sánh, không còn đầu tư dàn trải, làm giảm hiệu quả nguồn lực của Trung ương.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.