Giao thông

Cơ hội sở hữu cổ phiếu "anh cả ngành Cơ khí ô tô"

07/03/2014, 13:22

51 triệu cổ phần tương đương 51% vốn điều lệ của công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp ô tô VN sẽ được bán đấu giá lần đầu ra bên ngoài tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội

Vinamotor sẽ cơ cấu lại các dòng sản phẩm cơ khí ô tô truyền thống
Vinamotor sẽ cơ cấu lại các dòng sản phẩm cơ khí ô tô truyền thống


Giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần


Ông Nguyễn Hải Trung - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinamotor cho biết doanh nghiệp này sẽ bán đấu giá lần đầu 51.000.000 cổ phần (tương đương 51% vốn điều lệ) với giá khởi điểm 10.000 đồng/cp. Mức vốn điều lệ dự kiến sau cổ phần hóa là 1.000 tỷ đồng.


Theo Quyết định số 4378/QĐ-BGTVT ngày 27/12/2013 của Bộ GTVT, giá trị thực tế của Vinamotor để CPH là hơn 1.041 tỷ đồng, trong đó giá trị phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là hơn 860 tỷ đồng.


Vinamotor được thành lập trên cơ sở tiền thân là các đơn vị như: Cục Cơ khí GTVT; Liên hiệp Xí nghiệp GTVT; Tổng công ty Cơ khí GTVT - Transinco. Từ năm 2003, đơn vị này được chuyển thành Tổng công ty Công nghiệp ô tô VN và thí điểm hoạt động theo mô hình Công ty mẹ - Công ty con. Đến năm 2010, Vinamotor chuyển sang hoạt động theo hình thức công ty TNHH MTV.


Theo cơ cấu tổ chức hiện tại, Công ty mẹ - Tổng công ty Công nghiệp ô tô VN là tổ hợp các doanh nghiệp thành viên. Công ty mẹ gồm Văn phòng Công ty mẹ và 5 đơn vị hạch toán phụ thuộc. Doanh nghiệp khác gồm: 14 công ty con (Tổng công ty nắm giữ >50% vốn điều lệ), 16 công ty liên kết (Tổng công ty nắm giữ < 50% vốn điều lệ) và hai công ty liên doanh.

Ngành nghề kinh doanh chính của Vinamotor là sản xuất các loại ô tô khách, ô tô buýt, xe tải có trọng tải dưới 10 tấn; dịch vụ vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ; sản xuất sản phẩm phụ trợ (linh kiện phụ tùng ô tô, kết cấu thép); sản xuất, chế tạo máy công trình (trạm trộn bê tông, trạm nghiền sàng đá…); xây lắp các công trình giao thông; một số dịch vụ khác như: Đào tạo nghề, đào tạo và sát hạch lái xe, kinh doanh xăng dầu, cho thuê kho bãi nhà xưởng…

Nói không với nợ xấu, nợ quá hạn


Trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp đang lâm vào khủng hoảng tài chính thì Vinamotor lại có tình hình tài chính tương đối lành mạnh. 


“Đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, tình hình tài chính của Công ty mẹ lành mạnh, không còn nợ xấu và nợ quá hạn” - ông Hoàng Anh Tuấn - Tổng Giám đốc Vinamotor khẳng định. 
 

Năm 2013, Vinamotor đạt doanh thu 5.606 tỷ đồng; sản xuất, lắp ráp ô tô các loại đạt 4.105 xe; sản lượng hành khách vận chuyển 671.078 người; xuất khẩu lao động đạt 3.980 người… Các chính sách, chế độ của người lao động được đảm bảo, thu nhập bình quân đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 10% so với năm 2012.

Liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, ông Tuấn cho biết, Vinamotor đã thực hiện các hợp đồng chuyển giao công nghệ và liên doanh, liên kết với các đối tác có uy tín để tăng cường năng lực sản xuất sản phẩm như: Chuyển giao công nghệ lắp ráp xe tải, xe buýt, thỏa thuận cấp phép kỹ thuật với Hyundai Motor, hợp tác sản xuất ô tô với Công ty Siemens (CHLB Đức). 

Với dây chuyền công nghệ được chuyển giao từ các nhà sản xuất uy tín tại các  quốc gia như Hàn Quốc, Đức, sản phẩm đầu ra được sản xuất, lắp ráp từ linh kiện nhập khẩu của các nhà sản xuất uy tín thế giới và linh kiện được Vinamotor nội địa hóa trên dây chuyền công nghệ hiện đại nên Tổng công ty có khả năng đáp ứng được nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm của doanh nghiệp. Sản lượng xe khách, xe buýt của Vinamotor hiện nay đang chiếm khoảng 60% thị phần trên cả nước. 


Hiện  Vinamotor đã  có  Trung  tâm  Nghiên  cứu  và  Phát  triển  (R&D) với  nhiều trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên viên, kỹ sư trình độ cao nhằm không ngừng cải tiến công nghệ, kỹ thuật nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, đáp ứng cao nhất yêu cầu của khách hàng.  
 

Mục tiêu của Vinamotor sau khi thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng là xây dựng Tổng công ty mạnh và hiệu quả hơn
Mục tiêu của Vinamotor sau khi thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng là xây dựng Tổng công ty mạnh và hiệu quả hơn


Kịch bản nào cho tương lai của Vinamotor?


Theo Chủ tịch HĐTV Vinamotor Nguyễn Hải Trung, mục tiêu của Vinamotor sau khi thực hiện bán cổ phần lần đầu ra công chúng là xây dựng Tổng công ty mạnh hơn, hiệu quả hơn trên cơ sở thực hiện tái cơ cấu, sử dụng hợp lý các nguồn lực, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, liên kết cao hơn về tài chính, công nghệ và thị trường. Liên kết các cổ đông, đối tác có tiềm năng về vốn, kỹ thuật, năng lực quản trị, sản phẩm và thị trường; đồng thời liên kết nội khối tạo ra chuỗi giá trị, nguồn lực tổng hợp để có lợi thế cạnh tranh hơn, hiệu quả hơn.


Tổng Giám đốc Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, Vinamotor sẽ cơ cấu lại các dòng sản phẩm cơ khí ô tô truyền thống và phát triển thêm các sản phẩm mới, gắn với các chương trình phát triển công nghiệp ô tô của Chính phủ. Bên cạnh đó, Tổng Công ty tiếp tục duy trì các sản phẩm truyền thống về cơ khí giao thông, thiết bị hạ tầng trên đường bộ, máy công trình, trạm trộn bê tông… Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các sản phẩm cơ khí công trình mới như dây chuyền sản xuất gạch nhẹ, lắp ráp các loại xe máy thi công chuyên dụng, các loại thiết bị nâng, cấu kiện bê tông dự ứng lực. Đối với hoạt động vận tải, Tổng công ty tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ tại các tuyến vận tải buýt, vận tải hành khách đường dài, vận chuyển hàng hóa.


Để đạt được những mục tiêu đã đề ra, trong thời gian tới, Tổng công ty sẽ tập trung triển khai các nhóm biện pháp và hoạt động cụ thể như: Triển khai các hoạt động marketing và xúc tiến thương mại để phát triển thương hiệu của Tổng công ty; mở rộng quan hệ quốc tế, chủ động tìm kiếm đối tác nhà sản xuất gốc; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường khu vực; phát triển các sản phẩm ô tô, sản phẩm cơ khí mới và tăng tỷ lệ nội địa hóa… 


Bên cạnh đó, Vinamotor sẽ cơ cấu lại nguồn vốn, tiến hành thoái vốn tại các đơn vị kinh doanh kém hiệu quả; tích cực tìm kiếm đối tác để triển khai các dự án đầu tư, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm phát huy lợi thế thương mại tại các khu đất mà Tổng công ty được giao quản lý sử dụng để tạo nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh; sử dụng vốn đúng mục đích; tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy và nhân lực theo hướng tinh gọn, hiệu quả; tổ chức quản lý phối hợp  với các doanh nghiệp vận tải theo hướng thống nhất nhằm khai thác hết nguồn lực để đạt hiệu quả cao nhất.

P.V.P
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.