Quản lý

Có lùi tiếp thời hạn dùng cabin điện tử đào tạo lái ô tô?

06/08/2022, 06:41

Thời điểm bắt buộc cơ sở đào tạo lái ô tô áp dụng cabin điện tử để đào tạo, sát hạch được lùi đến hết năm nhưng nhiều cơ sở vẫn muốn…lùi thêm.

Học viên thích, trung tâm kêu

Ngày 26/7, có mặt tại phòng học lý thuyết của Trung tâm Dạy nghề sát hạch lái xe Đông Đô (Bắc Ninh), PV chứng kiến các học viên thích thú luyện tập các kỹ năng xử lý tình huống giao thông qua phần mềm lái xe mô phỏng.

Anh Lê Văn Tới, trú tại Khoái Châu, Hưng Yên, một học viên tại đây cho biết: “Phần mềm này đưa ra 120 tình huống giao thông, việc thao tác các tình huống trên máy tính khá dễ dàng. Được học các tình huống thông qua phần mềm tôi thấy rất hữu ích”.

img

120 tình huống mô phỏng giao thông vào đào tạo thi sát hạch lái xe giúp học viên có được những kỹ năng xử lý tình huống tốt hơn

Tương tự, anh Nguyễn Văn Sao, trú Cẩm Giàng, Hải Dương cho hay, các tình huống giao thông được đưa ra khá sát với thực tế: “Phần mềm mô phỏng có thể coi là thực hành môn lý thuyết pháp luật đường bộ. Tôi đã luyện tập khá kỹ nên không lo lắng gì trước khi thi”.

Nếu như trước đây, khi vượt qua được phần thi lý thuyết, các học viên sẽ chuyển sang bước thi thực hành.

Còn hiện nay, sau khi Thông tư 04 của Bộ GTVT ban hành, từ đầu tháng 7, ngoài việc học luật, lái xe trên đường và lái xe sa hình, các học viên còn phải học và thi kỹ năng xử lý tình huống giao thông qua ứng dụng lái xe mô phỏng.

Một quy định mới khác cũng được Thông tư 04 quy định là áp dụng thiết bị cabin điện tử từ ngày 1/7/2022. Tuy nhiên, trước kiến nghị của các cơ sở đào tạo lái xe, Sở GTVT, Hiệp hội Vận tải, Bộ GTVT đã cho phép lùi thời điểm các cơ sở đào tạo lái xe phải trang bị cabin học lái ô tô đến hết năm nay.

Dù thời gian để bắt buộc áp dụng còn khá dài nhưng đến nay, các trung tâm đào tạo vẫn kêu khó thực hiện. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Thanh Thủy (Phú Thọ) cho rằng, quy định thời gian mỗi học viên là 4 giờ, với các trung tâm có lưu lượng đào tạo lớn sẽ phải mua cả chục cabin điện tử, số tiền bỏ ra đầu tư lên tới hàng tỷ đồng.

“Việc trang bị phần mềm và cabin điện tử vào quy trình đào tạo là một giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, song cần có lộ trình thí điểm, kiểm chứng và rút kinh nghiệm trước khi áp dụng đại trà. Cần thiết có thể cho phép lùi thời điểm áp dụng thêm 1 năm để chuẩn bị kỹ lưỡng hơn”, ông Sơn nói.

Theo ông Nguyễn Hữu Thuần, đại diện Trung tâm Dạy nghề cơ điện và đào tạo lái xe, Học viện Nông nghiệp VN, mỗi bộ cabin có giá 400 - 500 triệu đồng, số tiền mà hàng trăm cơ sở đào tạo sát hạch trên toàn quốc bỏ ra sẽ rất lớn.

Ủng hộ chủ trương áp dụng cabin điện tử, song ông Trần Hải Bình, Giám đốc Trường Trung cấp Nghề Apatit Lào Cai cho rằng, qua khảo sát các nhà sản xuất cho thấy, hiệu ứng của thiết bị cabin điện tử chưa gần với xe ô tô trong thực tế, các thao tác, ga, côn, tay lái chưa giống thật. Điều này dẫn đến phản ứng ngược cho cảm giác của học viên.

“Sau khi học xong thiết bị này lại phải điều chỉnh kỹ năng, thao tác của học viên. Bên cạnh đó, các tình huống cũng chưa phù hợp đối với các học viên lần đầu học trên xe tập lái và chưa được tham gia giao thông. Nên thí điểm để có thời gian đánh giá trước khi nhân rộng”, ông Bình nói.

Thực hiện đúng lộ trình

img

Ngoài bổ sung thêm phần mềm mô phỏng và cabin điện tử, Thông tư 04 còn bổ sung thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe của học viên

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, nên nghiên cứu tích hợp sát hạch trên phần mềm mô phỏng và cabin điện tử. Cần xem xét có thể tích hợp, lồng ghép hai loại thiết bị này ở mức độ nào để giảm bớt khâu thi, kiểm tra, làm khó người học.

Thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn trong đầu tư cabin điện tử, ông Nguyễn Văn Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái, Tổng cục Đường bộ VN cho rằng, rất cần sự chung tay của các cơ sở đào tạo, sát hạch trong việc thực hiện quy định, nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe.

“Trong tháng 8 sẽ chỉ định đơn vị kiểm tra, đánh giá sự phù hợp của cabin. Trước khi Bộ GTVT đưa ra quy trình đánh giá sự phù hợp, Tổng cục sẽ thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá lại các điểm chưa phù hợp của thiết bị để báo cáo Bộ GTVT”, ông Thanh nói.

Về thời gian học 4 giờ, ông Thanh cho rằng phần mềm được công khai trên website của Tổng cục nên học viên có thể tải về để học. Hiện cũng đã có phần mềm trên các app điện thoại, học viên có thể cài đặt bất kỳ lúc nào.

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN khẳng định, việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe là điều kiện kinh doanh bắt buộc đối với các cơ sở đào tạo lái xe.

Với phần mềm và cabin điện tử, học viên sẽ được tập luyện kỹ năng và tập phản xạ trong điều kiện các yếu tố về địa hình, cung đường, thời tiết, tình trạng giao thông và các tình huống giao thông khác nhau nhằm nâng cao kỹ năng lái xe, đảm bảo ATGT.

Theo ông Thống, việc trang bị phần mềm và thiết bị cabin điện tử vào quy trình đào tạo là một giải pháp để đổi mới công tác sát hạch lý thuyết và thực hành, góp phần nâng cao chất lượng chương trình dạy học.

“Sau khi đã được lùi 1 năm, các cơ sở đào tạo lái xe trang bị và sử dụng cabin học lái xe ôtô để đào tạo cho học viên trước ngày 31/12/2022. Tổng cục Đường bộ VN sẽ đôn đốc các sở triển khai theo đúng lộ trình này,” ông Thống khẳng định.

Học gì qua cabin điện tử?

Theo Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017 về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ, các cơ sở đào tạo trang bị và sử dụng cabin học lái xe ô tô để đào tạo trước ngày 31/12/2022 theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ GTVT ban hành.

Nội dung quy trình học lái xe trong cabin sẽ bắt đầu bằng những bài tập cơ bản như: Cách vận hành xe, thực hành bài “đề pa” lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch.

Ngoài ra, còn có các bài tập nâng cao với kỹ năng lái xe trên các địa hình đường đồi núi, đường cao tốc, đường trong thành phố. Trong quá trình thực hành, phần mềm mô phỏng sẽ đưa ra các cảnh báo khi lái xe điều khiển phương tiện sai làn đường, điều khiển vào phần đường dành cho người đi bộ, khi không thắt dây an toàn, khi xảy ra tai nạn.

Diễn biến thời tiết (nắng, mưa) cũng sẽ được tích hợp trong hệ thống này để người học có thể nâng cao được kỹ năng xử lý tình huống ở các điều kiện khác nhau. Mỗi học viên sẽ được thực hành 4 giờ trên cabin học lái tại trung tâm đào tạo lái xe.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.