Hồ sơ tài liệu

Có thật Mỹ muốn tấn công quân sự Triều Tiên?

19/09/2017, 08:06

Nhiều chuyên gia phản đối việc Mỹ đe dọa sử dụng biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng.

27

Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikkie Haley

Trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên leo thang, giới chức cấp cao Mỹ bắt đầu dồn dập đề cập tới các lựa chọn quân sự để giải quyết các hành động thử hạt nhân, tên lửa đạn đạo chiến lược của Bình Nhưỡng.

Răn đe quân sự

Bất chấp vòng trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ) siết chặt trừng phạt Triều Tiên trong lĩnh vực xuất khẩu hàng dệt may và nhập khẩu dầu thô vào đầu tuần trước, Triều Tiên vẫn phóng một quả tên lửa đạn đạo thứ 2 qua không phận Nhật Bản gây ra phản ứng lên án mạnh mẽ từ quốc tế vào cuối tuần qua. Vì vậy, sau một thời gian luôn hạn chế cảnh báo Triều Tiên ở mức dọa tăng cường trừng phạt quốc tế, ngày 18/9, các quan chức cấp cao trong chính quyền Mỹ như Đại sứ Mỹ tại LHQ, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đã không ngần ngại tuyên bố khả năng sử dụng biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng.

Cả Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikkie Haley và Ngoại trưởng Rex Tillerson đều cảnh báo, mặc dù vẫn tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết vấn đề Triều Tiên nhưng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump không loại trừ biện pháp mạnh với Bình Nhưỡng.

Đại sứ Mỹ Haley nói: “Ở thời điểm này, chúng tôi đã dùng hết tất cả các biện pháp có thể tại Hội đồng Bảo an LHQ. Trước hết, chúng tôi muốn đảm nhận trách nhiệm, thực hiện tất cả các biện pháp ngoại giao để thu hút sự chú ý của Triều Tiên, nếu các biện pháp đó không hiệu quả, vấn đề Triều Tiên sẽ do Bộ trưởng Quốc phòng - Tướng Jim Mattis đảm nhiệm”.

Cùng ngày, trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình CBS, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson nhận định, chính sách của Mỹ đối với Triều Tiên theo nguyên tắc 4 không, cụ thể: Không tìm cách thay đổi, không lật đổ chế độ, không tìm cách tái thống nhất bán đảo Triều Tiên và không có kế hoạch đưa quân đội Mỹ tới khu vực phía Bắc vùng phi quân sự (DMZ) phân chia hai miền Triều Tiên.

Mặt khác, Mỹ sẽ tiếp tục gây áp lực lên Bình Nhưỡng để từ bỏ chương trình hạt nhân, tên lửa. Theo ông Tillerson, “tất cả các biện pháp của Mỹ đều nhằm thúc đẩy Triều Tiên ngồi lại bàn đàm phán một cách có hiệu quả và thiết thực”.

Dù vậy, cũng giống như bà Haley, ông Tillerson nhấn mạnh: Washington không loại trừ biện pháp cứng rắn nhất nếu nước này cảm thấy tất cả những nỗ lực hòa bình không hiệu quả.

Mỹ không đủ nhanh để phủ đầu Triều Tiên?

Nhiều chuyên gia như cựu binh Mỹ Daniel Davis, người từng phục vụ 21 năm trong quân đội và đang là chuyên gia quân sự tại Tổ chức cố vấn Defense Priorities, phản đối việc Mỹ đe dọa sử dụng biện pháp quân sự với Bình Nhưỡng.

Cựu sỹ quan cấp cao Daniel Davis cho rằng, cần phải loại bỏ hoàn toàn các lựa chọn quân sự với Triều Tiên, vì thời gian để sử dụng những biện pháp này đã qua lâu rồi. Theo ông, một phần vấn đề đó là dù Mỹ tấn công quân sự cũng không đủ độ nhanh để có thể tấn công phủ đầu, loại bỏ toàn bộ khả năng sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên trước khi họ dùng các vũ khí này để phản công.

Với ông Davis, những bình luận răn đe Triều Tiên quyết liệt của Đại sứ Haley và Ngoại trưởng Tillerson rõ ràng chỉ là "võ miệng". Ông David cho rằng, ở thời điểm này, những lời răn đe như vậy sẽ phản tác dụng vì nó khiến Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tin rằng, sẽ có một cuộc tấn công quân sự và ông Kim có động cơ để dùng đến các vũ khí hạt nhân. Ông Davis nói: “Không thể cho rằng, các lệnh trừng phạt có thể ngăn Chủ tịch Triều Tiên dừng các hoạt động hiện nay. Chúng ta phải tìm ra công cụ khác”.

Trong tương lai, ông Davis dự đoán: Triều Tiên có thể sẽ phóng thêm 4-5 tên lửa nữa trong 12 tháng tới. Mỗi vụ phóng tên lửa cách nhau 3-4 tháng để kiểm chứng mức độ hiệu quả của hệ thống vũ khí. Mục tiêu của Triều Tiên là sở hữu khả năng tên lửa đạn đạo đáng tin cậy để họ có thể tự bảo vệ mình trước những điều mà Triều Tiên lo ngại là một vụ tấn công từ Mỹ.

Về phía Nga, Trung Quốc - hai nước láng giềng với Triều Tiên, cả hai đều kêu gọi thực hiện giải pháp ngoại giao để giải quyết khủng hoảng như Tổng thống Nga Vladimir Putin từng nhận định đầu tháng 9 này: “Dồn dập kích động quân sự trong bối cảnh hiện nay chẳng có nghĩa lý gì”. “Đó là con đường dẫn tới cái chết. Nó có thể dẫn tới thảm họa toàn cầu và tổn thất lớn với nhân loại. Không có cách nào khác để giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên ngoài cứu vãn đối thoại hòa bình”, ông Putin nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.