Xã hội

Con cháu bí thư được bổ nhiệm: Huyện ủy Yên Mỹ nói đủ điều kiện, quy trình

06/07/2020, 09:40

Huyện ủy Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) khẳng định việc bổ nhiệm các cán bộ là con, cháu bí thư huyện đều đúng quy trình.

img
Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ bị tố có sai phạm trong công tác bổ nhiệm cán bộ

"Các trường hợp bị tố đều được bổ nhiệm đúng tiêu chuẩn, quy trình"

Sau khi Báo Giao thông phản ánh về việc ông Nguyễn Văn Đoan, Bí thư huyện Yên Mỹ (tỉnh Hưng Yên) bị tố có nhiều con cháu được bổ nhiệm vào các chức danh lãnh đạo phòng, ban chuyên môn thuộc UBND huyện này khiến dư luận bức xúc, ngày 2/7, Huyện ủy Yên Mỹ đã có công văn trả lời do ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Yên Mỹ ký gửi, đồng thời có công văn số 333/BC/HU gửi UBND huyện về một số công tác cán bộ.

Ngày 17/6, trả lời PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Đoan, Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ cho biết, ông đã nhận được tất cả những thông tin phản ánh liên quan đến cá nhân về công tác bổ nhiệm, tuyển dụng nhân sự, đầu tư công… từ năm 2019 và Tỉnh ủy đã làm việc với ông.

"Nếu tôi sai phạm những nội dung tố cáo trên thì đã bị kỷ luật rất nặng rồi”, ông Đoan nói.

Cụ thể, với việc tuyển dụng và bổ nhiệm ông Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng (con rể ông Đoan), Huyện ủy Yên Mỹ cho biết: Năm 2011, ông Chung tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng (Hà Nội) chuyên ngành tin học, hệ chính quy đăng ký dự tuyển công chức, phù hợp với điều kiện đăng ký dự thi và vị trí việc làm quy định tại Quyết định số 627/QĐ-UBND ngày 27/4/2012 của UBND tỉnh Hưng Yên. Sau khi trúng tuyển công chức, ông Chung được tuyển dụng làm công chức Phòng Công thương huyện, đã thực hiện tập sự trong thời gian 12 tháng.

Quy trình bổ nhiệm ông Chung từ chuyên viên lên Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng năm 2016 về điều kiện, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục bảo đảm đúng quy định và không trái với các văn bản của Đảng và Nhà nước.

Quy trình điều động và bổ nhiệm ông Chung từ Phó trưởng phòng Kinh tế và Hạ tầng sang Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện, căn cứ các quyết định, điều kiện bổ nhiệm, chuyên môn và thực trạng cán bộ địa phương, việc ông Chung tốt nghiệp Trường Đại học Xây dựng chuyên ngành tin học là đủ điều kiện, tiêu chuẩn, không có việc ưu ái. Thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy đã họp và thống nhất bổ nhiệm ông Chung.

Đối với bà Nguyễn Thị Thu Phương, Phó trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch (con gái ông Đoan), công văn của Huyện ủy Yên Mỹ cho biết: Năm 2015, sau khi trúng tuyển thi công chức, bà Phương được tuyển dụng làm công chức Phòng Tài chính-Kế hoạch huyện. Việc bổ nhiệm bà Phương giữ chức vụ Phó trưởng phòng Tài chính-Kế hoạch bảo đảm đủ điều kiện tiêu chuẩn, quy trình, quy định.

Đối với quy trình bổ nhiệm ông Nguyễn Hải Phong (từng là lái xe huyện ủy): Năm 2001, ông Nguyễn Hải Phong được Huyện ủy Yên Mỹ tuyển dụng vào làm lái xe cơ quan Huyện ủy. Năm 2003, ông Phong được cơ quan cử đi học đại học tại trường Đại học Nông nghiệp 1, tốt nghiệp tháng 4/2007. Đến tháng 8/2008, ông Phong có quyết định thuyên chuyển về Hội Nông dân huyện.

Tháng 5/2010, ông Phong được Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hưng Yên ra quyết định chuyển ngạch lái xe sang ngạch công chức-chuyên viên, công tác tại Hội Nông dân.

Tháng 11/2011, ông Phong được Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện bầu và Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh phê chuẩn giữ chức danh Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Yên Mỹ, nhiệm kỳ 2008-2013 và tiếp tục giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện, nhiệm kỳ 2013-2018.

Việc điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Hải Phong từ Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện sang giữ chức danh Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Nội vụ và sau đó bổ nhiệm đồng chí Phong giữ chức vụ Trưởng phòng Nội vụ là đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình.

Có dấu hiệu vi phạm?

Theo luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), đối với vị trí Giám đốc Ban Quản lý dự án của ông Chung, trả lời của phía Huyện ủy huyện Yên Mỹ cho thấy năm 2011 ông Nguyễn Đức Chung tốt nghiệp Đại học Xây dựng với chuyên môn tin học.

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật, người đảm nhiệm chức vụ Giám đốc ban QLDA bắt buộc cần có các chứng chỉ hoặc kinh nghiệm trong lĩnh vực xây dựng. Ở thời điểm này, việc bổ nhiệm ông Chung vào vị trí Giám đốc Ban QLDA là trái pháp luật nếu ông này không đủ các tiêu chuẩn để nắm giữ chức danh nói trên.

Ông Hòe dẫn chứng: Theo Điều 54, Nghị định 59/2015/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng có quy định về điều kiện năng lực đối với giám đốc quản lý dự án:... Giám đốc quản lý dự án phải có trình độ chuyên môn thuộc chuyên ngành xây dựng phù hợp với yêu cầu của dự án, có chứng nhận nghiệp vụ về quản lý dự án và đáp ứng các điều kiện tương ứng với mỗi hạng (hạng I, II, II, cấp huyện chắc là hạng III, hoặc C) và phải có chứng chỉ quản lý xây dựng.

“Không được nhầm lẫn giữa “Bằng cử nhân tin học của Đại Học Xây dựng” và “Chứng chỉ hành nghề xây dựng”. Một bên là do bằng cấp của 1 trường đại học, một bên là chứng chỉ hành nghề do Sở Xây dựng cấp và giá trị của chúng cũng hoàn toàn khác biệt”, luật sư Hòe nhấn mạnh và đưa ra ví dụ: "Học Đại học Thương Mại, khoa Luật nhưng không có chứng chỉ kế toán lại bổ nhiệm kế toán trưởng là không được".

Cũng theo luật sư Hòe, tại khoản 2, Điều 152 Luật xây dựng 2014 quy định rõ: "Ban QLDA đầu tư xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực hoạt động xây dựng phù hợp với công việc quản lý dự án theo quy mô, loại dự án; Cá nhân đảm nhận chức danh giám đốc quản lý dự án, cá nhân trực tiếp tham gia quản lý dự án phải có chuyên môn phù hợp, được đào tạo, kinh nghiệm công tác và chứng chỉ hành nghề phù hợp với quy mô, loại dự án.

"Ban QLDA thành lập dự án nào thì chuyên môn của giám đốc phải tương xứng với dự án đấy. Tương tự, giám đốc dự án cũng vậy, đều phải chuyên môn, kinh nghiệm công tác, chứng chỉ hành nghề...", Luật sư Hòe khẳng định.

Riêng đối với trường hợp của bà Phương (con gái ông Đoan), Luật sư Hòe nêu quan điểm: Việc bổ nhiệm bà Phương bắt buộc phải tuân theo các trình tự và thủ tục về bổ nhiệm công chức lãnh đạo hiện nay được quy định tại điều 7 quyết định số 27/2003/QĐ - TTg ngày 19/02/2003 về việc ban hành quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo.

Việc bổ nhiệm công chức lãnh đạo đối với các cơ quan Nhà nước có một trình tự rất rõ ràng và chặt chẽ, từ bước đề xuất chủ trương, giới thiệu nhân sự, lấy phiếu tín nhiệm, lựa chọn... cho đến lúc được bổ nhiệm.

Rõ ràng một quy trình nhiều bước như vậy cần phải có một khoảng thời gian nhất định từ khi nhận được tờ trình đề nghị, mục đích là để xác minh, đánh giá hồ sơ xem xét đánh giá tiêu chí của người được đề cử có đáp ứng đủ các tiêu chuẩn đối với chức danh đó hay không?

Tuy nhiên, trường hợp của bà Phương rất đặc biệt, đề nghị của Trưởng phòng Nội vụ huyện Yên Mỹ (Tờ trình số 46/TTr-NV, ngày 29/4/2020) và Thông báo số 892-TB/HU của Ban thường vụ huyện ủy Yên Mỹ và việc nhận quyết định bổ nhiệm chỉ gói gọn trong ngày 29/4/2020.

"Việc bổ nhiệm nhanh như vậy là không hợp lý về mặt trình tự và vấn đề cần đặt ra đó là có hay không sự tác động từ phía ông Đoan để bổ nhiệm con gái, cái này cần được huyện ủy trả lời rõ", Luật sư Hòa nói.

Ngày 3/7, PV Báo Giao thông đã trực tiếp làm việc với ông Nguyễn Xuân Quý, Phó Bí thư thường trực Huyện ủy Yên Mỹ và đề nghị được cung cấp hồ sơ quản lý về bằng cấp, chứng chỉ nghiệp vụ liên quan đối với những cá nhân trên nhưng ông Quý đề nghị PV sang làm việc với UBND huyện vì đây là "nơi quản lý hồ sơ ngay từ trước, trong quá trình bổ nhiệm".

Tuy nhiên, ông Trương Minh Tuấn, Phó Chánh văn phòng UBND huyện lại đề nghị PV quay trở lại phía Huyện ủy vì “ở đấy có đầy đủ nhất” và hứa hẹn vài hôm nữa có thể cung cấp, trả lời báo chí sau khi xin ý kiến lãnh đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.