Đời sống

Công nghệ giúp tiêu thụ nông sản, nông dân Vĩnh Long thoát cảnh nợ nần

11/08/2021, 16:51

Khó khăn trong khâu vận chuyển hàng hóa, người dân Vĩnh Long chuyển hướng tiêu thụ nông sản bằng công nghệ thông qua mô hình Nông sản Vĩnh Long.

Các tỉnh thành phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đã phần nào ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân.

Trong khi tại các khu vực bị phong tỏa dài ngày như TP.HCM, việc tiếp cận với các loại nông sản gặp khó khăn, hoặc người dân phải mua với giá cao, ở nhiều tỉnh miền Tây, rau, củ quả đến thời điểm thu hoạch lại không bán được.

img

Nhóm Nông sản Vĩnh Long

Với tinh thần tương thân tương ái, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Vĩnh Long đã xây dựng nhiều mô hình hay, kịp thời chia sẻ, hỗ trợ người dân, đặc biệt là mô hình Nông sản Vĩnh Long.

Nông sản đổ bỏ… nông dân đổ nợ!

Hơn nửa tháng qua, thực hiện nghiêm tinh thần chống dịch, nông dân Vĩnh Long hạn chế ra khỏi nhà, nhưng không vì thế mà ảnh hưởng đến hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa.

Nhà nông không cần đến chợ, các doanh nghiệp, thương lái tại TP. HCM không cần đến vườn ngã giá, mà chỉ cần kết nối qua Zalo bằng mã QR Code, hoặc tham gia nhóm Facebook Nông sản Vĩnh Long.

Tại đây, người bán chỉ cần chia sẻ thông tin sản lượng và loại nông sản hiện có kèm theo giá bán, thông tin địa chỉ, số điện thoại để liên hệ. Người mua sau khi xem xét thương lượng giá cả thích hợp thì chốt đơn hàng.

img

Mạng xã hội trở thành cầu nối cho bà con nông dân tiêu thụ nông sản.

Trong nhóm sẽ có đơn vị đứng ra nhận vận chuyển với chi phí được tính toán tiết kiệm nhất cho các bên.

"Gom nhiều đơn hàng lại để vận chuyển một lần, tính bình quân, mỗi người chỉ tốn khoảng 1.000 đồng/kg nông sản cho chi phí vận chuyển.

Điều này giảm bớt gánh nặng chi phí vận chuyển cho người dân và đồng thời đảm bảo được đầu ra cho nông sản", anh Trương Thanh Phong (ngụ huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long), quản trị viên, một trong những người sáng lập nhóm Nông sản Vĩnh Long cho biết.

Ngoài ra, đây còn là kênh thông tin dành cho các mạnh thường quân đặt hàng hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu, rau củ quả cho các khu cách ly, phong tỏa ở TP HCM.

“Tôi nhận thấy những nơi bị ảnh hưởng nhiều bởi Covid-19 thì lượng hàng hoá rất hạn chế trong khi ở các tỉnh thành, nông sản của nông dân tới mùa thu hoạch lại không bán được, đem đổ bỏ, mà đổ bỏ là nông dân… đổ nợ.

Tôi suy nghĩ tại sao mình không tạo ra một cầu nối giữa doanh nghiệp, mạnh thường quân với nông dân giúp bên thu mua có nguồn nông sản giá rẻ, chất lượng còn bà con nông dân thì có đầu ra với giá thu mua hợp lý. Đó là khởi nguồn ra đời nhóm Nông sản Vĩnh Long”, anh Phong chia sẻ ý tưởng sáng lập nhóm.

img

Xe vận chuyển nông sản lên TP HCM. Ảnh Nhóm Nông sản Vĩnh Long

Hơn 200 tấn nông sản được tiêu thụ

Anh Phong cho biết, thời điểm hiện tại, trên địa bàn Vĩnh Long có 4 loại nông sản bị tồn đọng với sản lượng lớn gồm khoai lang, dưa leo, chanh và rau cải. Trong đó, chanh là mặt hàng khó tiêu thụ nhất.

Thành lập từ ngày 25/7 đến nay, nhóm đã hỗ trợ cho bà con tiêu thụ hơn 200 tấn nông sản, gồm hơn 100 tấn khoai lang, 60 tấn dưa leo, còn lại là các mặt hàng nông sản và trái cây khác.

Những ngày đầu, nhóm gặp rất nhiều khó khăn do việc bán hàng bằng phương thức online đối với bà con nông dân là một loại hình còn khá mới. Mặt khác việc bán hàng qua mạng lại mang tính rủi ro “bom hàng” khá cao.

img

Khoai lang là một trong những mặt hàng nông sản bị tồn đọng (Ảnh chụp thời điểm trước khi thực hiện giãn cách xã hội). Ảnh C.L

Để giải quyết vấn đề này, nhóm đã cử một số tình nguyện viên hỗ trợ, đứng ra cam kết, nhận tiền cọc cho bên mua.

Một khó khăn nữa phải kể đến đó là phương tiện vận chuyển.

“Đây là vấn đề mấu chốt bởi việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 gặp rất nhiều khó khăn khiến các mạnh thường quân và doanh nghiệp đôi khi lúng túng.

Vì vậy, để các phương tiện di chuyển đúng quy định, tài xế phải chở hàng thiết yếu, có giấy thông hành, giấy xét nghiệm âm tính với Sars-CoV-2, có đơn vị đứng ra đảm bảo và chịu trách nhiệm về lộ trình của tài xế đó.

Lúc đầu rất khó khăn khi thực hiện khâu này. Tuy nhiên, nhờ sự giúp sức của các ban ngành nên mọi việc dần "thông đồng bén giọt". Đến nay, các phương tiện đã đi vào hoạt động ổn định, đúng pháp luật”, anh Phong chia sẻ.

img

Hàng trăm tấn nông sản đã được kịp thời "giải cứu"

Chỉ sau khoảng 15 ngày hoạt động, nhóm nhận được sự quan tâm của đông đảo bà con nông dân. Đến nay, nhóm có hơn 600 thành viên.

“Thực tế hiện nay, nhiều bà con ở các tỉnh thành khác cũng muốn kết nối nhưng do địa bàn rộng, khó xác nhận danh tính giữa bên bán với bên mua, khó kiểm soát đơn hàng nên nhóm chỉ hỗ trợ được tốt nhất cho bà con trong tỉnh Vĩnh Long.

Tuy vậy, nhóm Nông sản Vĩnh Long sẵn sàng chia sẻ cách thức vận hành để nhân rộng mô hình này”, anh Phong nói.

Bà Nguyễn Thị Kiều Trang, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam ở xã Tân Thành (huyện Bình Tân) chia sẻ, hàng nông sản của bà con trong mùa Covid-19 gặp khó khăn nhất trong vận chuyển. Ưu điểm của nhóm là kết nối hỗ trợ giữa các doanh nghiệp, bà con nông dân và đơn vị vận chuyển.

“Vừa góc độ thu mua, vừa hỗ trợ cho bà con nông dân tiêu thụ. Tiêu thụ được chia thành 2 nhóm, một là mua đi bán lại, nhóm 2 thu mua để làm công tác thiện nguyện hoặc cung cấp cho các bếp ăn của bệnh viện dã chiến, các khu cách ly.

Giá cả cũng được niêm yết cụ thể, không xảy ra tình trạng ép giá, người nông dân không cần kiếm xe mà có sẵn đội ngũ phục vụ công tác vận chuyển.

Có thể khẳng định, đây mô hình rất hiệu quả và có nhiều ý nghĩa”, bà Trang đánh giá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.