Hạ tầng

Công nhân, kỹ sư bùi ngùi khi sắp “chia tay” công trình cầu Vàm Xáng

17/04/2022, 18:58

Người gắn bó lâu nhất với công trình cầu Vàm Xáng ở Cần Thơ này cũng trên dưới 2 năm, nên chia tay thấy buồn là phải…

Ngày 30/4 thông xe cầu Vàm Xáng

Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ - chủ đầu tư, cho biết: "Cầu Vàm Xáng là công trình trọng điểm của thành phố, có tổng chiều dài 3,3 km, với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng.

Ngày 30/4 tới cầu Vàm Xáng sẽ thông xe. Sau đó bàn giao cho Sở GTVT TP Cần Thơ, làm các bước tiếp theo để chính thức khánh thành cầu".

img

Cầu Vàm Xáng dự kiến thông xe ngày 30/4/2022.

Trước đó, năm 2019, UBND TP Cần Thơ quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Vám Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến QL61C (cũng thuộc huyện Phong Điền) với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng.

Dự án có điểm đầu trên đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, cầu cách phà Vàm Xáng hiện hữu khoảng 75 mét (về phía xã Mỹ Khánh) và điểm cuối trên QL61C.

Tổng chiều dài tuyến gần 3,3 km, gồm 3 nhánh. Trong đó, nhánh chính dài hơn 2,4 km, từ nút giao đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, vượt qua sông Cần Thơ nối vào QL61C.

Trên tuyến có cầu Vàm Xáng, cầu Xà No Cạn, cầu Hòa Hảo và 3 cống ngang đường. Cầu Vàm Xáng có bề rộng mặt cầu 14 mét. Cầu Xà No Cạn và cầu Hòa Hảo có bề rộng mặt cầu 12 mét.

Tháng 4/2020, cầu Vàm Xáng chính thức khởi công. Đơn vị thi công hạng mục cầu là Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, thi công đường dẫn là Công ty CP 118.

Sau 2 năm thi công, cầu đã cơ bản hoàn thiện, chỉ còn vài hạng mục nhỏ, dự kiến chính thức thông xe vào ngày 30/4 tới.

“Cầu Vàm Xáng sẽ góp phần cho TP Cần Thơ, cũng như huyện Phong Điền hoàn chỉnh một phần kết cấu hạ tầng giao thông.

Khi cây cầu này hoàn thiện sẽ giúp cho người dân xã Nhơn Nghĩa phát triển kinh tế - xã hội và thuận tiện hơn cho việc đi lại của người dân qua con sông này”, ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết.

Đây là công trình trọng điểm của TP Cần Thơ, nối từ đường Nguyễn Văn Cừ nối dài (đoạn qua xã Mỹ Khánh, huyện Phong Điền) đến QL61C (cũng thuộc huyện Phong Điền) với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng, khởi công vào tháng 4/2020.

Công nhân ngậm ngùi chia tay công trình

Năm 2021 vừa qua, dịch Covid-19 hoành hành, hầu như cả năm không có cán bộ, kỹ sư, công nhân nào được về nhà. Họ nhớ nhà lắm.

Phần lớn anh em kỹ sư, công nhân đều là người miền Bắc - nhiều nhất là tỉnh Nam Định. Khi đó, giãn cách xã hội khắp nơi, chẳng có cách nào mà về được.

Anh Vũ Đình Công, cán bộ Kỹ thuật của Công ty 118 bùi ngùi kể: Thi công xa nhà, nhớ nhà, nhớ quê là một lẽ. Tết vừa rồi tất cả anh em trên công trình đều mãn nguyện khi đã về quê, nhất là khi công trình đạt tiến độ.

Nhưng giờ đây, trong những ngày sắp hoàn thành nhiệm vụ, họ đối mặt với nỗi buồn khác: Sắp chia tay công trình cầu Vàm Xáng.

img

Những vật dụng giản dị, đơn sơ...

img

...vô cùng thân thuộc trong khu bếp ăn

img

Khu nhà ăn đơn sơ của cán bộ công nhân thi công công trình cầu Vàm Xáng.

Theo dự kiến, ngày 30/4/2022 tới cầu Vàm Xáng sẽ thông xe, và anh em công trình này sẽ chia tay khu lán trại gắn bó với họ 2 năm qua để đi tới tiếp tục dựng xây những công trình khác.

img

Khu lán trại thân quen, dã chiến

img

Nơi đã gắn bó với anh em công trình 2 năm nay.

“Dân công trình mà, lang bạt nay đây mai đó, quen rồi, cũng chẳng có gì đâu”, anh Vũ Đình Tuyên, “anh nuôi” của công trình, chuyên phục vụ các bữa ăn trong ngày, nói vậy. Nhưng rồi, anh nhìn góc bếp, bàn ăn của anh em, mắt đượm buồn…

“Em vào công trình này từ tháng 4/2020. Khu lán trại lúc thì 20 anh em, lúc 40 người, gắn bó nhau lắm vì ăn cùng, ngủ cùng 2 năm rồi.

Bếp ăn, chỗ nghỉ công ty lo, ở đây có lúc buồn vui nhưng anh em đông nên bọn em cũng thoải mái, cũng ít đi “lang thang” chơi với dân địa phương”, anh Công nói.

img

Anh Công sắp phải chia tay khu lán trại quen thuộc này.

Những lúc nghỉ dịch, chiều tối buồn, anh em công trình thường quây tụ chuyện trò, kể về gia đình cho khuây khoả. Một công nhân ở công trình kể, những sản vật quê hương được gia đình gửi vào giúp họ như gần hơn với quê nhà nhưng vẫn không nguôi nỗi nhớ quê!

Nếu không tăng ca, thu nhập bình quân của công nhân trên công trình cũng trên dưới 7 triệu đồng. Ăn ở đã có công ty lo, lạ nước lạ cái cũng ít đi đâu nên cuộc sống anh em tạm ổn, có phần nào dành dụm được.

img

Từ khu lán trại nhìn ra công trình cầu Vàm Xáng...

Anh Nguyễn Văn Đồng, Chỉ huy trưởng gói thầu số 2 thuộc Công ty 118 nói rằng, qua lại, gắn bó công trình, người dân địa phương 2 năm nay, chia tay anh cũng thấy buồn.

“Nhưng đời dân công trình quen rồi, cũng nguôi ngoai thôi”, anh nói.

Hiện gói thầu số 2 gần như đã hoàn thành, chỉ còn vài hạng mục nhỏ như đường dẫn dân sinh… Việc thi công, láng nhựa các tuyến đường chính đã hoàn thành.

Anh Đồng cho biết, dự kiến ngày 30/4 tới sẽ bàn giao công trình, anh em công nhân chia tay khu lán trại, bếp ăn và bà con địa phương đã trở nên thân thuộc 2 năm nay.

img

Công nhân đang hoàn tất những hạng mục cuối cho cầu Vàm Xáng.

“Nếu tiện, anh em cũng tổ chức buổi tiệc nho nhỏ…”, anh Đồng dự tính. Anh nói, rồi khi nhận công trình khác, toàn bộ anh em cũng theo nhau đi, tiếp tục gắn bó...

img

Đơn vị thi công hạng mục cầu là Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường, thi công đường dẫn là Công ty CP 118.

img

Năm 2019, UBND TP Cần Thơ đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cầu Vám Xáng và đường nối từ cầu Vàm Xáng đến QL61C (cũng thuộc huyện Phong Điền) với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng.

img

Cầu Vàm Xáng được khởi công vào tháng 4/2020, bắc qua sông Cần Thơ, nối xã Mỹ Khánh và Nhơn Nghĩa của huyện Phong Điền.

img

Tổng chiều dài tuyến của dự án cầu Vàm Xáng gần 3,3 km, gồm 3 nhánh.

img

Trong đó, nhánh chính dài hơn 2,4 km, từ nút giao đường Nguyễn Văn Cừ nối dài, vượt qua sông Cần Thơ nối vào QL61C. Trên tuyến có cầu Vàm Xáng, cầu Xà No Cạn, cầu Hòa Hảo và 3 cống ngang đường.

img

Từ cầu Vàm Xáng nhìn xuống TL923.

img

Cầu Vàm Xáng có bề rộng mặt cầu 14 mét. Cầu Xà No Cạn và cầu Hòa Hảo có bề rộng mặt cầu 12 mét.

img

Ông Nguyễn Trung Nghĩa, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền, cho biết: "Cầu Vàm Xáng được xây dựng trên sông Cần Thơ kết nối giữa xã Nhơn Nghĩa với xã Mỹ Khánh, và cũng kết nối đường Nguyễn Văn Cừ đến QL61C. Qua đó, đã góp phần cho TP Cần Thơ, cũng như huyện Phong Điền hoàn chỉnh một phần kết cấu hạ tầng giao thông...".

img

Khi cây cầu này hoàn thiện sẽ giúp cho người dân xã Nhơn Nghĩa phát triển kinh tế - xã hội và thuận tiện hơn cho việc đi lại của người dân qua con sông này. Đồng thời, cũng sẽ kết nối được giao thương hàng hóa giữa các tỉnh, thành ở ĐBSCL. Ông Phạm Văn Thạnh (ngụ xã Nhơn Nghĩa) cho biết: “Do lâu nay không có cầu, nên nếu số lượng nông sản lớn thì phải vận chuyển bằng ghe hay vỏ lãi..”.

img

Ông Lê Minh Cường, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng TP Cần Thơ - chủ đầu tư, cho biết: "Cầu Vàm Xáng là công trình trọng điểm của thành phố, có tổng chiều dài 3,3 km, với tổng mức đầu tư gần 450 tỷ đồng".

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.