Xã hội

Covid-19 TP.HCM 11/8: TP.HCM sắp tiêm vaccine Sinopharm

11/08/2021, 21:00

Tin tức dịch Covid-19 ngày 11/8 tại TP.HCM: Theo lãnh đạo Bộ Y tế, sau khi tiêm hết số vaccine được cấp, TP chuyển sang tiêm vaccine Sinopharm.

Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, tại TP.HCM đã tiêm hơn 3,5 triệu liều, tương ứng 88,2% số vaccine được cấp.

img

Xét nghiệm Covid-19 cho người dân TP HCM

Tại buổi họp báo Chính phủ chiều 11/8, thông tin về tiến độ tiêm vaccine, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, đã tiêm được khoảng 11,3 triệu, tương đương 65% tính trên hơn 18 triệu liều đã cấp. Nhưng theo ông Thuấn, nhiều khi số liệu công bố vẫn thấp hơn so với số tiêm thực tế do việc nhập số liệu chậm hơn.

Tại TP.HCM, đại diện Bộ Y tế cho biết, đã tiêm hơn 3,5 triệu liều trên tổng số hơn 4 triệu liều được cấp, tương ứng 88,2%. “Trong hôm nay và ngày mai sẽ tiêm hết số vaccine được cấp và chuyển sang tiêm vaccine Sinopharm”, ông Thuấn cho hay.

Về việc điều trị cho bệnh nhân F0, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, để đáp ứng điều trị bệnh nhân Covid-19 tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, Bộ Y tế đã chủ động thảo luận với địa phương và chuẩn bị cho mọi kịch bản có thể xảy ra. Trên cơ sở đó, đã chuẩn bị về cơ sở vật chất, thiết bị, con người.

Cũng theo đại diện Bộ Y tế, hiện có sự quá tải y tế ở TP.HCM và một số tỉnh phía Nam do lượng bệnh nhân lớn ở khu vực hồi sức tích cực (tầng 3). Có một số trường hợp do quá lo, chưa tới mức phải lên tầng 3 nhưng vẫn đưa lên tầng 3, trong khi họ có thể điều trị ở bệnh viện dã chiến, bệnh viện tuyến huyện hoặc trạm y tế xã.

“Chúng ta phải phân tầng đúng và kịp thời, tránh gia tăng nguy cơ tử vong cho bệnh nhân, đồng thời giảm tải cho hệ thống y tế”, ông Thuấn cho hay.

Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện đã thiết lập 141 bệnh viện dã chiến tại các tỉnh phía Nam và các trung tâm hồi sức cấp cứu, riêng TP HCM có 5 trung tâm. Đồng thời, Bộ đã cử các chuyên gia về phòng bệnh, truy vết, điều trị để hỗ trợ họ nhanh nhất.

“Ngoài ra, chúng ta cũng chuyển 10.000 liều thuốc đặc trị nhập khẩu từ Ấn Độ về để phục vụ công tác điều trị; 10.000 sinh viên cũng được huy động cho công tác chống dịch ở các tỉnh phía Nam”, ông Thuấn cho hay.

Tối nay thêm 1.288 ca, cả ngày giảm 540 ca

Theo Bộ Y tế, tính từ 6h đến 18h30 ngày 11/8 trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca Covd-19 ghi nhận cả nước có 3.964 ca nhiễm mới, trong đó 4 ca nhập cảnh và 3.960 ca ghi nhận trong nước.

Như vậy trong ngày 11/8 ghi nhận 8.766 ca nhiễm mới, trong đó 14 ca nhập cảnh và 8.752 ca ghi nhận trong nước.

Theo đó, TP.HCM tối nay ghi nhận có 1.288 ca. Tính chung cả ngày có 3.416 ca, giảm 540 ca so với số ghi nhận ngày 10/8.

Trong ngày 11/8, cả nước có 4.806 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Tổng số ca được điều trị khỏi là 85.154 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU là 489 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO là 21 ca.

Chiều 11/8, Tiểu ban điều trị của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 thông báo trên Hệ thống Thông tin thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 ghi nhận 342 ca tử vong (4146-4487) tại TP.HCM (261 ca), Cần Thơ (24), Bình Dương (22), Đồng Nai (11), Đồng Tháp (10), Long An (10), Tiền Giang (2), Đà Nẵng (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1).

3 nhóm người được tiêm vaccine Vero cell tại TP HCM

Theo cập nhật thông tin tình hình tiêm chủng vaccine Covid-19 của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) trưa 11/8, TP HCM đang thực hiện chiến dịch tiêm đợt 6 với nguồn vaccine hỗ trợ của Bộ Y tế.

Với số lượng 19.000 liều vaccine Vero cell được phân bổ từ nguồn tài trợ trước đó, TP.HCM bắt đầu triển khai tiêm chủng trong đợt này.

Số vaccine này được tiêm cho 3 nhóm người gồm: Công dân nước CHND Trung Hoa làm việc tại Việt Nam; người Việt Nam có nhu cầu học tập, làm việc, kinh doanh tại nước CHND Trung Hoa; người dân có nhu cầu sử dụng vaccine này, đặc biệt ở các địa phương sát biên giới với nước CHND Trung Hoa.

HCDC nhấn mạnh nguyên tắc của tiêm vaccine phòng Covid-19 dựa trên sự tự nguyện đồng ý của bệnh nhân. Hiện công suất tiêm của thành phố là 200.000 - 250.000 mũi tiêm/ngày với hơn 600 điểm tiêm.

Ngày 10/8, TP.HCM đã tiêm vaccine Vero cell dựa trên văn bản đề xuất của các đơn vị, trong đó có Tập đoàn FPT. Vaccine này được Bộ Y tế phân bổ cho TP.HCM vào ngày 6/7 với 19.000 liều.

Về tình hình tiêm chủng, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, ngày 10/8, thành phố đã tiêm cho 310.342 người. Như vậy, từ 22/7 đến hết 10/8, TP.HCM đã tiêm được 2.852.194 người. Tất cả trường hợp được tiêm đều an toàn, ổn định sức khỏe.

Tính đến ngày 9/8, thành phố đã nhận được 4.111.040 liều vaccine ngừa Covid-19 qua 17 đợt phân bổ của Bộ Y tế. Trong đó, vaccine AstraZeneca có 3.465.850 liều, vaccine Moderna có 571.200 liều, vaccine Pfizer có 54.990 liều, Vero cell là 19.000 liều.

img

Phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh ở TP.HCM trước ngày 15/9

Sáng nay, TP.HCM có 2.128 ca nhiễm mới

Cụ thể, tại TP.HCM (2.128), Bình Dương (936), Long An (515), Đồng Nai (428), Tây Ninh (263), Tiền Giang (177), Bà Rịa - Vũng Tàu (102), Vĩnh Long (63), Khánh Hòa (41), Phú Yên (33), Bình Thuận (27), Sơn La (19), Đồng Tháp (15), Kiên Giang (12), Bình Định (10), Quảng Ngãi (9), Hà Tĩnh (7), Hà Nội (3), Nghệ An (2), Nam Định (1), Lạng Sơn (1) trong đó có 1.135 ca trong cộng đồng.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam, tính đến sáng ngày 11/8, ghi nhận 232.937 ca nhiễm trong đó có 2.377 ca nhập cảnh và 230.560 ca nhiễm trong nước.

Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 228.990 ca, trong đó có 77.574 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. 2 tỉnh đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước là Quảng Ninh, Bắc Kạn. 11 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

Tổng số ca được điều trị khỏi là 80.348 ca. Hiện có 491 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU và 20 bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO. Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 7.406.063 mẫu cho 20.708.090 lượt người.

Trong ngày 10/8 có 1.408.453 liều vaccine Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 11.341.864 liều.

img

Kiểm soát dịch ở TP.HCM trước 15/9

Nghị quyết 86 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa được Chính phủ ban hành yêu cầu không để xảy ra tình trạng giãn cách xã hội hình thức hoặc “chặt ngoài, lỏng trong”. Phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh ở TP.HCM trước ngày 15/9; các tỉnh Bình Dương, Long An, Ðồng Nai và những tỉnh khác vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9.

Nghị quyết Chính phủ yêu cầu, việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là thực hiện giãn cách xã hội phải được triển khai thực chất, nghiêm ngặt, mạnh mẽ, quyết liệt, chặt chẽ ngay từ đầu, xuyên suốt trong tất cả các cấp; làm việc gì phải dứt khoát việc đó, không chần chừ, do dự, chập chờn, thiếu cương quyết, thiếu bản lĩnh.

Tất cả các địa phương chỉ đạo thực hiện nghiêm phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, phát hiện, xử lý ngay người đến từ vùng có dịch hoặc đến từ địa bàn khác theo quy định của địa phương mà không khai báo, người rời khỏi địa phương đang giãn cách xã hội mà không được phép của cấp có thẩm quyền theo quy định.

Căn cứ tình hình và yêu cầu phòng, chống dịch bệnh, các địa phương có thể kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi thẩm quyền quản lý.

Về mục tiêu, Nghị quyết của Chính phủ nêu rõ: TPHCM phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 15/9/2021; còn các tỉnh: Bình Dương, Long An, Đồng Nai phấn đấu kiểm soát trước ngày 1/9/2021; các tỉnh, thành phố khác phấn đấu kiểm soát được dịch bệnh trước ngày 25/8/2021.

Về công tác y tế, Chính phủ giao Bộ Y tế tổ chức mua sắm tập trung các vật tư, thiết bị cần thiết trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường giám sát, chấn chỉnh ngay những nơi tổ chức không khoa học, thiếu trọng tâm, trọng điểm, vừa không ngăn được dịch lây lan, vừa lãng phí.

Các địa bàn thực hiện phong tỏa cần tập trung xét nghiệm để phát hiện F nhanh nhất, không để lây lan ra cộng đồng. Đối với các địa bàn có mức độ lây lan rộng, sâu như TPHCM và một số tỉnh lân cận cần thực hiện đồng bộ trong xét nghiệm, chăm sóc, điều trị, bảo đảm giảm tối đa tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ tử vong và tuyệt đối không để lây lan sang các địa bàn khác.

TP.HCM tiêm hết vắc xin vào ngày 12/8

Trong cuộc họp báo ngày 10.8, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hoài Nam cho biết sau các đợt phân bổ, TP tiếp nhận hơn 4,1 triệu liều; đến trưa 9.8 còn hơn 910.000 liều vắc xin chưa tiêm.

img

Với tốc độ tiêm được đẩy nhanh (khoảng 220.000 mũi/ngày) dự kiến ngày mai (12.8), TP sẽ tiêm hết số vắc xin Covid-19 đang có.Một số quận, huyện đã cơ bản tiêm bao phủ vắc xin Covid-19 cho người dân như H.Cần Giờ đã tiêm gần như toàn bộ, Q.Phú Nhuận còn khoảng 30.000 người, đối với các quận, huyện có số lượng dân đông (TP.Thủ Đức, Q.Bình Tân, H.Bình Chánh) đang tiếp tục triển khai.

Nếu được Bộ Y tế phân bổ vắc xin liên tục với khoảng 5,5 triệu liều trong tháng 8, TP.HCM sẽ đạt mức độ tiêm bao phủ 100% người trên 18 tuổi.

Trả lời câu hỏi của PV về số liệu vắc xin có sự chênh lệch giữa Bộ Y tế và TP.HCM, ông Nam cho biết “Bộ Y tế nói đúng, TP cũng không sai”. Lý do là bên cạnh nguồn vắc xin phân bổ cho TP.HCM thì Bộ Y tế còn phân bổ cho các cơ sở y tế trực thuộc như Viện Pasteur, Viện Vệ sinh dịch tễ, Bệnh viện Chợ Rẫy, Thống Nhất, Răng Hàm Mặt T.Ư và vắc xin phân bổ cho lực lượng công an, quân đội đóng trên địa bàn.

Ngày 9.8, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã thống nhất lại con số là đã phân bổ cho TP.HCM hơn 4,1 triệu; riêng các bộ ngành, công an, quân đội đã cấp khoảng 400.000 liều. Theo ông Nam, số liệu căn cứ trên các quyết định nên không thể sai.

TP.HCM mở thêm chợ, thêm kênh bán hàng

Sau một thời gian lúng túng trong việc cung ứng hàng hóa thiết yếu ở TP.HCM, các nhà bán lẻ, tiểu thương đã được tháo gỡ nhiều vướng mắc, nỗ lực khôi phục hoạt động kinh doanh.

Tại TP.HCM có thêm 3 chợ truyền thống vừa được khôi phục hoạt động để cung cấp các mặt hàng lương thực, thực phẩm tươi sống.

img

Ghi nhận tại chợ Nguyễn Đình Chiểu (Q.Phú Nhuận) vừa được mở cửa trở lại ngày 9/8, người dân và tiểu thương đã hưởng ứng nhiệt tình. Ban quản lý chợ chọn 15 tiểu thương đã tiêm vắc xin, chia đều các ngành rau củ, thịt và hải sản đảm bảo giãn cách, gian hàng có màn ngăn…

Ông Võ Văn Hành - chủ nhiệm Hợp tác xã Phú Thịnh, đơn vị quản lý chợ Nguyễn Đình Chiểu - cho biết mở lại chợ xác định sẽ rất cực vì ban quản lý phải đảm bảo chợ an toàn nhất có thể. Nhưng thà cực một chút mà bà con có chỗ mua sắm hàng thiết yếu giá tốt trong khi tiểu thương sau nhiều tháng phải tạm ngưng buôn bán cũng cần phải có thu nhập.

Theo mô hình mới, chợ Nguyễn Đình Chiểu bán theo combo đóng gói sẵn, khách phải tuân thủ nghiêm các quy định 5K.

Hiện chợ Tân Chánh Hiệp (quận 12) cũng vừa hoạt động lại. Chợ này tổ chức cho 30 tiểu thương ngành hàng tươi sống kinh doanh. Chợ Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) thì tạm thời tổ chức cho bốn tiểu thương hoạt động.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.