Quản lý

CPH để tăng chất lượng dịch vụ bến xe

11/04/2014, 07:16

Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hoàng Trung - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Vận tải Hà Nội kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần (CTCP) Bến xe Hà Nội khi trao đổi với PV Báo Giao thông...

Đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng các bến xe để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách
Đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng các bến xe để nâng cao chất lượng phục vụ hành khách


Công ty vừa đấu giá thành công gần 2 triệu cổ phần ra công chúng, tương đương 21% vốn điều lệ. Ông có thể cho biết cụ thể kết quả của đợt chào bán này?


Trong đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO), Công ty TNHH MTV Bến xe Hà Nội chào bán 1.995.000 cổ phần trên vốn điều lệ sau cổ phần hóa dự kiến 95 tỷ đồng. Đợt IPO lần này nhận được sự quan tâm lớn của nhiều nhà đầu tư. Cụ thể, tổng khối lượng cổ phần đăng ký đặt mua hơn 7 triệu cổ phần, gấp 3,5 lần lượng chào bán. Giá đấu thầu thành công bình quân đạt 17.347 đồng/cổ phần, cao hơn nhiều với giá khởi điểm là 10.200 đồng/cổ phần.


Việc chuyển đổi mô hình hoạt động này có ý nghĩa như thế nào với Công ty? Làm thế nào để tránh tình trạng “bình mới, rượu cũ”?


Việc thực hiện CPH với Công ty không chỉ đơn thuần là để kiếm thặng dư từ bán cổ phần mà quan trọng là để thay đổi bản chất công tác quản lý, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. 
 

"Khó khăn chung với các DN kinh doanh bến xe hiện nay chính là quy mô tổ chức vận tải nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh. Diện tích, cơ sở hạ tầng các bến xe chưa đáp ứng được yêu cầu và việc triển khai các dự án bến xe gặp nhiều khó khăn do chưa có chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực phát triển giao thông tĩnh. Chính sách về tiền thuê đất của các bến xe chưa có sự thống nhất…”.

 

Ông Nguyễn Hoàng Trung
Phó Tổng giám đốc
Tổng công ty Vận tải Hà Nội

Chuyển sang hoạt động theo mô hình CTCP, Công ty sẽ phải công khai, minh bạch những thông tin cơ bản về DN cũng như hoạt động kinh doanh. Cổ đông, người lao động mới chính là những người chủ thực sự của Công ty. Mọi hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được các cổ đông giám sát. 

Có một thực tế là không ít doanh nghiệp dù IPO thành công, chuyển hoạt động sang mô hình CTCP nhưng vì nhiều lý do khác nhau vẫn không muốn niêm yết trên sàn chứng khoán. Với CTCP Bến xe Hà Nội thì sao, thưa ông?


Đúng là có chuyện một số DN sau khi IPO ngại lên sàn bởi thị trường chứng khoán (TTCK) vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Lên sàn thời điểm hiện tại sẽ không bảo đảm giá CP sẽ giữ được ở mức cao như lúc IPO. 


Tuy nhiên, tôi có thể khẳng định CTCP Bến xe Hà Nội sẽ sớm niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán. Đây là cơ hội để chúng tôi tiếp tục minh bạch hóa hoạt động, nâng cao hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp, chiếm được niềm tin của khách hàng cũng như đối tác, thu hút được các nhà đầu tư chiến lược…

Chiến lược kinh doanh của Công ty trong thời gian tới thế nào? Mức lợi nhuận, cổ tức mà cổ đông dự kiến sẽ được nhận trong những năm kế tiếp ra sao, thưa ông?

Mục tiêu hoạt động SXKD đã được thông qua tại Đại hội đồng Cổ đông thành lập CTCP. Theo đó, mục tiêu quan trọng nhất là bảo toàn nguồn vốn của các cổ đông. Đặc biệt, Công ty sẽ quan tâm đến nâng cao chất lượng phục vụ hành khách và khách hàng thông qua việc đầu tư nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng các bến xe. Tiếp tục đầu tư đẩy mạnh đưa công nghệ vào quản lý đồng thời đẩy mạnh khai thác kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng. Trước mắt, trong năm 2014, Công ty dự kiến đạt lợi nhuận hơn 10 tỷ đồng, cổ tức dự kiến 6%. 

Cảm ơn ông!

Thanh Bình (Thực hiện)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.