Thời sự

Cứ đẩy việc cho Chính phủ, khi bàn trách nhiệm rất khó

07/11/2014, 16:19

"Việc gì tập thể Chính phủ bàn, quyết định theo đa số; Việc gì Bộ trưởng chịu trách nhiệm? Luật này vẫn chưa giải mã được", PCT Uông Chu Lưu nói khi thảo luận Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi sáng nay.

Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu

Theo Phó Chủ tịch QH, luật này phải làm rõ được vị trí, vai tò của Chính phủ với tư cách cơ quan hành chính cao nhất. Thứ hai, vai trò hành pháp như thế nào, hoạch định chủ trương chính sách ra sao thì dự thảo luật cũng chưa rõ, chưa làm nổi bật được những nét, điểm nổi bật theo tinh thần Hiến pháp, để thực sự có một Chính phủ năng động, hiệu quả.

Thứ ba, là quy định về cơ cấu tổ chức. Đây là vấn đề bàn mãi, ngay cả khi xây dựng Hiến pháp 2013 cũng bàn. "Trong lịch sử, Chính phủ có thời điểm số lượng trên 70 bộ, cơ quan ngang bộ, lúc xuống còn 40 và nay là 22 bộ, cơ quan ngang bộ. Nếu quy định cứng về số lượng bộ, cơ quan ngang bộ, sẽ khó cho sau này khi tình hình đất nước có những biến chuyển", Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu nói và dẫn chứng, đã có thời điểm, trước yêu cầu bảo vệ chủ quyền, khai thác tài nguyên, phát triển kinh tế biển, đã có ý kiến đề nghị nên thành lập một bộ về biển đảo; Hay như bây giờ là vấn đề năng lượng quốc gia là một vấn đề lớn, vấn đề toàn cầu, vậy câu hỏi đặt ra có cần thành lập Bộ Năng lượng không.

"Ngay ở Hiến pháp, tại Điều 70 cũng quy định, QH quyết định thành lập, bãi bỏ bộ, cơ quan ngang bộ của Chính phủ. Theo tinh thần này, dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ cần thể hiện theo cách nào đó để phù hợp với thực tế và linh hoạt hơn. Nếu nói về lý tưởng, quy định ngay từ đầu thì rất tốt. Tuy vậy, sẽ không khả thi nếu như quy định nhiệm vụ, quyền hạn của bộ nào đó vào đạo luật này. Bởi có những lĩnh vực rất nhiều bộ, ngành tham gia. Hướng cải cách hành chính là phải phân định rõ thẩm quyền của từng bộ, ngành và trên nguyên tắc một việc chỉ giao cho một bộ chịu trách nhiệm chủ trì và chịu trách nhiệm chính. Cần thiết thì phối hợp với các bộ ngành khác", Phó Chủ tịch QH nói.

Đề cập đến mối quan hệ giữa Chính phủ với các cơ quan Trung ương mà dự thảo luật đề cập, trong đó có mối quan hệ với QH, TAND tối cao, VKS ND tối cao, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho biết, cần phải xem lại nội dung: "Chính phủ có thể đề nghị để tòa án, VKS xem xét lại những bản án, quyết định mà trái pháp luật". Theo Phó Chủ tịch QH, chưa có văn bản nào, luật nào của chúng ta trước đây quy định như vậy.

"Đề nghị về phương diện chính trị là chuyện khác, nhưng nếu quy định như dự thảo thì liệu có phải tất cả mọi trường hợp Chính phủ có ý kiến được không. Viết chung chung như này, phạm vi hiểu khá rộng. Trong khi chúng ta đang đề cao nguyên tắc độc lập của các cơ quan tư pháp. Và có sự phân công rõ ràng, rành mạch giữa các cơ quan có thẩm quyền của nhà nước. Nay quy định thế này thì rất dễ dẫn đến ngộ nhận rằng, tính độc lập của các cơ quan tư pháp không được bảo đảm", Phó Chủ tịch QH nêu quan điểm.

Ngoài ra, cần rà soát lại thẩm quyền của tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, xem cái gì thuộc trách nhiệm Chính phủ, Thủ tướng, cái gì là của bộ trưởng.

"Bộ trưởng là thành viên Chính phủ, giúp Chính phủ trong quản lý ngành, lĩnh vực thống nhất trong cả nước. Ví dụ như lĩnh vực Tài chính, Giao thông, thì cái ông bộ trưởng những ngành này đại diện cho Chính phủ quản lý ngành, lĩnh vực đó. Hay như về an ninh trật tự thì rõ ràng Bộ Công an phải giúp Chính phủ quản lý, chịu trách nhiệm. Đấy là đại diện Chính phủ quản lý lĩnh vực chuyên ngành. Phải rõ ràng, việc gì tập thể Chính phủ phải bàn và quyết định theo đa số. Việc gì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm. Luật này vẫn chưa giải mã được cái đó. Cho nên tình trạng đùn đẩy, dồn việc lên cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ sẽ vẫn còn. Cứ đẩy lên trên, khi bàn vấn đề trách nhiệm rất là khó", Phó Chủ tịch QH nói.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.