Từ một Đại tá công an, Phó giám đốc, Thủ trưởng cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hải Phòng, rồi Cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Dương Tự Trọng (SN 1962) vướng vào vòng lao lý chỉ vì bất chấp tất cả, tổ chức cho anh trai là Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài trước khi có lệnh khởi tố. Ra tù sau 8 năm, Dương Tự Trọng khiến nhiều người không khỏi bất ngờ.

Báo Giao thông

Cuối tháng 2/2021, khi nghe tin ông Dương Tự Trọng vừa mãn hạn tù, tôi liên lạc định phỏng vấn thì nhận được câu trả lời: “Anh lên Hà Nội để chữa bệnh cho người quen, nếu em đau yếu thì qua đây anh khám cho, còn anh không có thời gian trả lời phỏng vấn đâu”.

Từ ngày ra khỏi trại giam (ngày 4/2/2021), ông gần như chẳng có thời gian gặp bạn bè, người quen. Anh Nguyễn Trọng Đức, một người quen của ông Trọng chia sẻ: “Biết tin anh Trọng ra tù, rất nhiều người ở Hải Phòng gọi cho tôi muốn gặp anh Trọng nhưng khó lắm. Mấy lần hẹn gặp, tổ chức liên hoan mừng anh ấy về nhà nhưng đều bị anh từ chối, cuối cùng đành tìm gặp anh Trọng khi anh ấy đang chữa bệnh cho người khác”.

Báo Giao thông

8 năm trong trại giam, những tưởng ông Trọng sẽ tàn tạ, ốm yếu lắm, nhưng không, giờ trông ông khỏe mạnh, rắn chắc, cường tráng như một thanh niên. Khoe những bắp tay cuồn cuộn, ông kể: “Ngày xưa khi làm công an suốt ngày đánh án bù đầu, chẳng có thời gian tập luyện. Từ ngày vào trại giam tới giờ anh duy trì mỗi ngày 2 tiếng tập võ, tập thể dục, thanh lọc cơ thể nên giờ khỏe hơn hẳn. Giờ đây, anh bỏ cả rượu và thuốc lá rồi. Mình chữa bệnh cho người khác thì cơ thể mình phải thật khỏe mạnh, sạch sẽ”.

Khi được hỏi có hối hận về việc đã làm, ông Trọng trầm giọng: “Chức tước, quyền lực và tiền không phải là tất cả, sống trên đời chữ tình quan trọng lắm. Ngày đó anh sai, anh biết mình sai, nhưng… Việc sai thì cũng đã làm, và đã phải trả giá. 8 năm trong tù như một chuyến đi dài, rất may anh đã học thêm được nghề y, đó cũng là một cơ duyên”.

Báo Giao thông

Gần 10 năm trước, ông Dương Tự Trọng nổi tiếng ở Hải Phòng với những chiến tích lẫy lừng khi chỉ đạo, triệt phá những ổ nhóm tội phạm cộm cán với những tên giang hồ khét tiếng. Tuy vậy, cuộc đời trớ trêu, tới một ngày, chính người cán bộ công an đó lại vướng vòng lao lý.

Đại tá Nguyễn Hữu Chỉnh, nguyên Phó trưởng Ban Thư ký tòa soạn, kiêm Trưởng văn phòng đại diện Báo Công an nhân dân khu vực duyên hải Bắc bộ, hiện là cố vấn Báo An ninh Hải Phòng chia sẻ: “Tôi tiếc cho Trọng và cũng tiếc cho ngành công an mất đi một cán bộ điều tra xuất sắc”.

Trong suốt quãng thời gian làm báo ngành, Đại tá Chỉnh cho hay, ông từng gặp rất nhiều cán bộ, chiến sỹ công an nhưng đặc biệt ấn tượng với Dương Tự Trọng. “Cậu ấy có tố chất của một cán bộ công an xuất sắc, không khoan nhượng với tội phạm và cũng không gục ngã trước những “viên đạn bọc đường”. Thế nhưng, Trọng lại phạm tội vì tình riêng. Làm sai thì phải trả giá, nhưng về án Trọng mang, những người biết cựu sĩ quan này đều có chút nuối tiếc” Đại tá Chỉnh nói.

Báo Giao thông
Báo Giao thông

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, tôi hiểu câu đó vì bản thân mình ngồi tù 8 năm. Nếu cứ bi quan, ủ rũ và dằn vặt thì những ngày ở trong trại giam dài lê thê. Tuy vậy, nếu mình tìm được lẽ sống, có được niềm đam mê thì thời gian đó ngắn lại”, cựu Phó giám đốc Công an Hải Phòng bộc bạch.

Từ thời trẻ, Dương Tự Trọng từng là học sinh giỏi cấp quốc gia, có 5 bằng đại học nên khi vào tù, niềm đam mê lớn của ông là sách. Một người bạn của Dương Tự Trọng chia sẻ: “Mỗi lần chúng tôi vào thăm anh Trọng trong tù, hỏi thích quà gì anh ấy đều nói tìm mua cho những cuốn sách mà anh ấy cần. Sách của anh ấy, rồi những tập giải phẫu y khoa xếp kín một góc phòng giam”.

Trước khi vướng vào vòng lao lý, Dương Tự Trọng có cơ duyên gặp, trò chuyện với nhiều y, bác sỹ nổi tiếng và đã nghiên cứu về y học. “Tới khi vào trại giam, đối diện với 4 bức tường, tôi tự nhủ mình không được gục ngã. Khi đó, tôi có nhiều bệnh nên nghĩ mình phải học cách tự chữa bệnh cho mình rồi nhờ người quen mua sách, tìm hiểu thêm. Suốt 8 năm đó, tôi nghiên cứu về y học, trò chuyện, tranh luận với một số bác sỹ cũng vướng vòng lao lý như cựu bác sỹ vụ Cát Tường nên đã vỡ vạc, hiểu sâu về y học”, ông Trọng kể.

Báo Giao thông

Từ những nghiên cứu lý thuyết kết hợp y học truyền thống và y học hiện đại, Dương Tự Trọng rút ra một điều rằng cơ thể con người hợp thành bởi các tế bào và giữa các tế bào là các mô liên kết. Trong quá trình sinh hoạt, cơ thể con người tích tụ nhiều chất độc hại. Những chất độc hại đó như những con hà bám trên thành tàu mà ông gọi đó là “rác cơ thể”.

Từ lý thuyết đó, ngay trong những ngày trong trại giam, Dương Tự Trọng đã chữa cho hàng trăm cán bộ quản giáo và rất nhiều phạm nhân khác khỏi các căn bệnh từ thông thường đến phức tạp.

“Tôi đã đúc rút lý thuyết và kinh nghiệm viết thành 2 cuốn sách nhưng chưa thể công bố. Giờ đây, tôi chữa bệnh cho người quen, bạn bè ai có người nhà ốm đau thì mình đến chữa, khi họ thấy hiệu quả, cứu được người là mình mừng. Tôi cũng mong muốn chia sẻ những kiến thức mình có được để nhiều người có thể tiếp cận, chữa bệnh nhưng bằng cách người bệnh tự thấy hiệu quả mà học theo”, ông Trọng nói.

Một ngày cuối tháng 2/2021, tại căn nhà trên phố Định Công, quận Hoàng Mai (Hà Nội), nhiều người đã chờ đợi sẵn để được chữa bệnh. Những người này đều là bạn bè, người nọ giới thiệu người kia về khả năng chữa bệnh của Dương Tự Trọng mà tìm đến.

Cách chữa bệnh của Dương Tự Trọng cũng rất đặc biệt là xoa bóp nhẹ nhàng lên những phần cơ thể người bệnh mà ông gọi là “đẩy rác ra khỏi cơ thể”. Chỉ với cách chữa bệnh tưởng như đơn giản không cần thuốc đó nhưng theo các bệnh nhân của ông thì hiệu quả thật không ngờ.

Báo Giao thông

Anh Trịnh Xuân Nam chỉ vào bố mình đang được ông Trọng điều trị và cho biết: “Bố tôi ốm nặng, gia đình đã hết hy vọng. Ngày 4/2, biết tin anh Trọng ra tù, gia đình tôi gọi điện nhờ anh ấy đến giúp, hy vọng “còn nước còn tát”. Ngày 6/2, anh ấy đến chữa cho bố tôi, thật kỳ lạ là tới nay bố tôi đã bắt đầu gượng dậy, ngày ăn được mấy bữa cháo”.

Còn anh Phạm Anh Đức ở Chung cư An Bình City, Khu đô thị Thành phố giao lưu, đường Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội kể nhờ quen biết, tôi nói anh Trọng chữa bệnh cho bố đã tai biến đi lại khó khăn nhiều năm nay. Thật lạ, từ dạo đó bố tôi ăn ngon, ngủ sâu giấc, sức khỏe cải thiện từng ngày”.

Dù không phải ai cũng có thể khỏi bệnh như mong muốn nhưng điều đó không ảnh hưởng đến sự nhiệt tình của Dương Tự Trọng với người bệnh.

Báo Giao thông

Chia sẻ về dự định sắp tới, Dương Tự Trọng cho biết: “Anh em họ mời tôi về làm nhiều nhưng kinh doanh, buôn bán thì tôi không biết rồi. Có chăng mình chỉ góp ý với anh em bằng vốn sống, kinh nghiệm thôi, nhưng đó là chuyện sau này. Giờ đây, tôi chỉ chuyên tâm vào việc nghiên cứu y học, chữa bệnh cứu người thôi”.

Nói rồi ông Dương Tự Trọng mở điện thoại, ngâm nga hát những bài hát mà mình vừa sáng tác. Trước đây, khi còn là công an, Dương Tự Trọng đã có rất nhiều bài thơ đăng trên nhiều tờ báo, tạp chí uy tín, nhiều bài hát được phổ nhạc. Từ khi vào tù tới nay, ông sáng tác tổng cộng 57 bài hát với nhiều thể loại âm nhạc khác nhau. Thật lạ, những bài hát ấy không hề có chút u uất của người tù mà đều là những ca từ trong sáng, an yên...

Duy nhất có một bài thơ về mẹ thoáng chút xót xa. Ở cái tuổi 52, nhận án tù, tương lai sự nghiệp của ông dường như đã đặt dấu chấm hết nên những vần thơ thật day dứt:

... “Chỉ có mẹ thôi!

Không bỏ con, dù thế nào đi nữa

Trái tim nồng nàn, vị tha vời vợi.

Đau đáu thương con, nhẫn nhục trọn đời”…

Báo Giao thông
Báo Giao thông

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.