Xã hội

“Cửu thập tuế” mê... cầu

23/02/2015, 09:50

GS. Nguyễn Phúc Trí dù đã gần 90 tuổi vẫn miệt mài nghiên cứu các công nghệ xây dựng cầu.

241

Cầu Thăng Long hoàn thành đã gây dựng được đội ngũ kỹ sư và công nhân làm cầu lớn, là cơ sở để tiếp tục làm những công trình cầu phức tạp sau này. - Ảnh: Dương Linh

Công nghệ cầu toàn khối và đam mê của vị giáo sư già

Ngồi trong căn phòng làm việc ngăn nắp và ấm cúng của GS. Nguyễn Phúc Trí, nghe giọng Hà Nội gốc trong và ấm của ông, tôi tự hỏi có điều gì khác biệt giữa chàng học sinh 18 tuổi hoạt động trong Đoàn Thanh niên tuyên truyền xung phong Hà Nội, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền tháng 8/1945, với vị giáo sư 89 tuổi nhiệt thành, trí tuệ, vẫn làm việc không ngưng nghỉ?

Câu chuyện giữa tôi và GS. Nguyễn Phúc Trí được mở đầu bằng chuyện cây cầu Dài trên QL37 Yên Bái đang được khẩn trương thiết kế để đầu năm khởi công. Đây là cầu đầu tiên ở Việt Nam thí điểm công nghệ cầu toàn khối. Công nghệ này, nhiều chục năm nay được các nước đưa vào làm các cầu vừa và nhỏ, vốn ban đầu chỉ nhằm giải quyết tình trạng han gỉ các khe co giãn và gối cầu tại các nước có băng tuyết, đã nhanh chóng được nhân rộng ra nhiều nước trên thế giới, với những phát triển riêng, do độ êm thuận khi chạy xe, sức chịu lực đột biến như lực động đất lớn, tính kinh tế cao và nhiều ưu điểm khác.

Giáo sư cho biết: “Sau nhiều chục năm làm cầu lớn, tôi thấy một vấn đề lớn của ngành xây dựng cầu lại chính là công nghệ làm các cầu vừa và nhỏ, vì kể cả số lượng và chiều dài, hiện có tới 80% là cầu vừa và nhỏ. Do đó, từ năm 2003, tôi đã bắt đầu nghiên cứu công nghệ cầu toàn khối. Ông đã từng đề xuất ứng dụng công nghệ này khi làm việc tại các tỉnh, các Khu quản lý đường bộ. Trao đổi về công nghệ cầu toàn khối, ai cũng cho là công nghệ rất ưu việt song bàn tới áp dụng, ai cũng bảo mới quá, không ai dám làm vì Việt Nam chưa có ai từng làm cả. Cuối cùng, Bộ GTVT đề nghị làm đề tài nghiên cứu và đến năm 2009 đề tài được nghiệm thu”.

“Sở dĩ mất quá nhiều thời gian là vì phải làm nghiên cứu tổng quan, làm bản thiết kế chi tiết để so sánh đưa ra cả một bản dự thảo các quy tắc kỹ thuật khi áp dụng ở Việt Nam. Rồi để đưa được vào thực tiễn, cần kết hợp với sản xuất để có kinh phí xây dựng”, Giáo sư chậm rãi nói.

Cũng từ câu chuyện về công nghệ cầu toàn khối, tôi hỏi Giáo sư: Phẩm chất nào cần thiết ở người làm khoa học nước mình? Ngoài óc sáng tạo, phải chăng là tính kiên trì? Ông bảo: Trước hết là phải đam mê!

Xây cầu Thăng Long

Nói về những dấu ấn trong sự nghiệp làm thiết kế của GS. Nguyễn Phúc Trí, không thể không nhắc tới cầu Thăng Long. “Một buổi chiều muộn cuối năm 1969, khi đó tôi đang là Phó Viện trưởng Viện Kỹ thuật giao thông thì Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Tường Lân đến gặp, nói có một đoàn chuyên gia nước bạn vừa sang bàn về việc làm cầu Thăng Long (lúc đó gọi là cầu Chèm). Bộ GTVT quyết định đưa tôi về phụ trách, cùng với chuyên gia làm cầu Thăng Long”, GS. Nguyễn Phúc Trí nhớ lại.

Ít lâu sau đó, một đoàn cán bộ của ta, do Giáo sư Nguyễn Phúc Trí dẫn đầu gồm hơn chục người được cử sang Trung Quốc làm việc về cầu Thăng Long trong 6 tháng để học hỏi theo nguyên tắc: Thực sự cầu thị, không giấu dốt, cái gì không biết thì hỏi, nhưng mà cũng không phụ thuộc vào chuyên gia bạn. Có học hỏi, có trao đổi, bàn bạc, thống nhất. “Về báo cáo, Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc đó khen lắm”, GS. Nguyễn Phúc Trí tự hào.

Cũng theo GS. Trí, lúc đó, phía Trung Quốc muốn đưa cả lực lượng của họ sang làm cầu Thăng Long, song ta chỉ mời chuyên gia bạn sang giúp đỡ, hướng dẫn thôi. Do đó, năm 1972, Ban nghiên cứu Thiết kế cầu Thăng Long được thành lập và đưa vào tổ chức Liên hợp các Xí nghiệp cầu Thăng Long do Thứ trưởng Nguyễn Tường Lân làm Giám đốc, GS. Nguyễn Phúc Trí làm Phó giám đốc, sau đó làm Trưởng ban Nghiên cứu thiết kế. Cho đến khi Ban Nghiên cứu thiết kế cầu Thăng Long nhập về Viện Thiết kế giao thông, GS. Nguyễn Phúc Trí được cử làm Viện trưởng và cây cầu hoàn thành tháng 6/1985.

Theo Giáo sư, chính vì xác định rõ ngay từ ban đầu phải nỗ lực học hỏi để tự lực tự cường, nên sau khi Trung Quốc đưa hết chuyên gia về nước, các kỹ sư của ta cũng vẫn duy trì được công trường cho đến thời gian sau đó tiếp tục phối hợp cùng các chuyên gia Liên Xô hoàn thành công trình.

“Với cầu Thăng Long, ngoài việc xây dựng được cây cầu lớn qua sông Hồng, cái được nữa là ta đã gây dựng được đội ngũ kỹ sư và công nhân làm cầu lớn và đã tranh thủ trang bị được những cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản tối thiểu cho công tác này. Đây là cơ sở cần thiết để đội ngũ ta tiếp tục trưởng thành trong giai đoạn sau”, GS. Trí tâm đắc.

Phải khuyến khích làm cầu rẻ

Là người nổi tiếng đam mê làm khoa học kỹ thuật, nhiều năm nay, trăn trở của GS. Nguyễn Phúc Trí là khoa học kỹ thuật tiên tiến vào Việt Nam chậm mà nguyên nhân, theo ông là do cơ chế quản lý xây dựng vẫn khuyến khích làm đắt chứ chưa khuyến khích làm rẻ. “Công trình càng tốn kém (dù có nhiều lãng phí) thì tiền càng nhiều và tất cả các khâu, từ người thiết kế đến thi công, kể cả thẩm định, quản lý dự án... đều được hưởng nhiều, điều này thật trái với quy luật kinh tế, cần sớm thay đổi”.

Ông nói: “Đi đâu tôi cũng nêu vấn đề này. Mấy năm trước còn viết thư cho cả Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Xây dựng được cơ chế phù hợp khuyến khích làm rẻ mới thúc đẩy cải tiến kỹ thuật, hiệu quả kinh tế mới cao được. Hiện nay trên thế giới có cái gọi là Kỹ thuật giá trị (Value Engineering) được nhiều nước vận dụng, đặc biệt là Hoa Kỳ đã đưa vào luật, coi như một công cụ quản lý hữu hiệu. Công tác nghiên cứu vào tay người sản xuất, kết quả mang lại cái lợi trực tiếp cho người sản xuất, người ta cần thì người ta mới nhanh chóng áp dụng. Thế mới có chuyện ở các nước, các nhà thầu tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu, hễ đưa ra được cái gì mới, giúp tiết kiệm được tiền, là người xây dựng lập tức áp dụng. 

242
GS. Nguyễn Phúc Trí

GS. Nguyễn Phúc Trí là cán bộ lão thành cách mạng và thuộc lớp trí thức đầu tiên do Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đào tạo. Năm 1950, khi đó, theo quyết định của Chính phủ, ông cùng một số thanh niên trẻ tuổi có trình độ như các ông: Nguyễn Mạnh Cầm, Đậu Ngọc Xuân, Nguyễn Tường Lân, Nguyễn Nam Hải, Nguyễn Đình Doãn, Trần Tuấn Anh, Nguyễn Phan Khuê, Trần Văn Viên, Nguyễn Thanh Giản, Đỗ Bát, Nguyễn Văn Trị, Nguyễn Cảnh Chất, Phạm Văn Phan, Ngô Trí Thuần… được cử đi Liên Xô, Trung Quốc đào tạo.

Những cán bộ này sau về nước, một số được giữ lại Nha giao thông, một số được đưa về bộ phận kỹ thuật để làm đường 1B là tuyến đường mở mới hoàn toàn, từ Lạng Sơn đi Thái Nguyên để hỗ trợ cho đường 1 lúc đó bị ném bom. Một số nữa đi mở những con đường ra mặt trận.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.