Xã hội

Đại biểu lo lắng vì điện cắt luân phiên giữa cao điểm nắng nóng

08/06/2023, 17:29

Bên hành lang Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, các đại biểu bày tỏ sự quan tâm về câu chuyện thiếu điện, phải cắt điện luân phiên những ngày qua.

Chính sách về điện hiện chưa được tường minh

Đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, tâm lý của người dân, doanh nghiệp rất lo lắng khi Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam không đảm bảo đủ điện cho sinh hoạt, kinh tế - xã hội, phải cắt điện luân phiên tại một số thành phố lớn và các địa phương trên cả nước.

img

Đại biểu Trịnh Xuân An

"Các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng rất lo lắng trước thông tin mà Bộ Công thương cung cấp rằng "miền Bắc có thể thiếu điện bất cứ giờ nào". Dù việc này còn tồn tại nhiều vấn đề, nhiều nguyên nhân, nhưng để thiếu điện trầm trọng như vậy không chỉ ảnh hưởng đến dân sinh mà còn cả khu vực sản xuất, cần phải đánh giá tổng thể sự tác động đến kinh tế - xã hội, thậm chí an ninh trật tự", ông An nói.

"Tôi cho rằng, hiện nay chính sách về điện chưa được tường minh, cơ chế nửa thị trường, nửa có sự điều tiết, can thiệp. Tôi không kỳ vọng sẽ có thị trường điện 100% bởi trong bối cảnh hiện nay, nhà nước vẫn đang đẩy mạnh tiết kiệm điện, điện vẫn là hàng hoá đặc biệt, có vai trò rất quan trọng và ảnh hưởng đến toàn bộ sự phát triển của nền kinh tế.

Nhưng cần làm rõ, tường minh việc mua vào và bán ra của ngành điện. Đồng thời, làm rõ việc hạch toán giữa công ty mẹ - công ty con, có đúng có đủ hay không? Vấn đề này, tôi đánh giá rất cao động thái của lãnh đạo Chính phủ khi đã chỉ đạo ngay việc thanh, kiểm tra tình hình cung ứng điện", đại biểu Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Theo ông An, trong việc này khoan hãy đổ lỗi cho ai, bởi cần nhận định cẩn trọng, trên từng lĩnh vực, nhiều khía cạnh. Nhưng bắt buộc phải rà soát thật kỹ hệ thống quản lý, sản xuất, kinh doanh, phân phối điện của hiện nay.

"Tôi nghĩ rằng, EVN không phải cố tình để lỗ, hay cố tình để xảy ra thực trạng này. Trước hết, nhận định khách quan, vừa qua do thời tiết cực đoan, nước về thuỷ điện rất thấp, khiến các nhà máy thuỷ điện không thể vận hành 100% để có đủ sản lượng điện cho hệ thống. Về mặt truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây siêu cao áp 500kV cũng chỉ đáp ứng được điều kiện nhất định, không thể chuyển hết điện ra miền Bắc được.

Về chủ quan, cần rà soát lại hệ thống chính sách về phát triển năng lượng, phải bảo đảm hài hoà các nguồn năng lượng với nhau, giữa năng lượng hoá thạch, thuỷ điện, năng lượng tái tạo phải rất cân đối", ông An phân tích.

Theo đại biểu An, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Điện VIII), các cấp ngành phải rà soát các nguồn điện để thực hiện cho đồng bộ.

"Việc sắp tới thanh tra, kiểm toán cần phải trả lời rõ ràng rằng EVN lỗ thật không, có phải mua giá cao, bán giá điều tiết hay không? Chúng ta cũng cần nhìn nhận 2 mặt của vấn đề. Đã là thị trường, có lãi thì làm, không thì thôi, nếu không làm được thì để người khác làm, tránh tình trạng lợi dụng việc độc quyền để làm méo mó thị trường, gây ảnh hưởng đến người dân, doanh nghiệp", ông An nhấn mạnh.

img

Đại biểu Phạm Văn Hoà

Phải rốt ráo triển khai Quy hoạch Điện VIII

Cũng quan tâm vấn đề điện, đại biểu Phạm Văn Hoà, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, Ủy viên Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, theo đánh giá của Bộ Công thương và EVN, mùa khô năm nay, tại miền Bắc vẫn tiếp tục thiếu hụt điện dù đã có kế hoạch tiết giảm điện ở nhiều nơi, trừ những khu vực quốc phòng - an ninh.

"Việc tiết giảm điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, với doanh nghiệp, nếu không có đủ 100% điện thì phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh của họ. Có những doanh nghiệp lớn, sử dụng điện 3 pha, phải do điện lực cung cấp, máy phát điện không thể đáp ứng được.

Do vậy, nhu cầu đặt ra và giải pháp sắp tới để khắc phục tình trạng thiếu điện sinh hoạt và sản xuất đó là cần quan tâm, thực hiện rốt ráo Quy hoạch Điện VIII, làm việc với các doanh nghiệp sản xuất điện, năng lượng tái tạo để thoả thuận giá và nhanh chóng phát lên lưới", ông Hoà nhìn nhận.

Ngoài ra, theo đại biểu, việc mua bán điện từ các dự án năng lượng tái tạo, phải đảm bảo sự hài hoà lợi ích giữa doanh nghiệp - nhà nước và người tiêu dùng. Nếu mua giá quá cao, nhưng bán điện với giá thấp cũng không được, ngược lại, nếu mua giá thấp thì quyền lợi của nhà đầu tư cũng không đảm bảo, không thu hút được doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực điện năng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.