Thời sự

Đại biểu QH lấy ngành giao thông để ví dụ về tiết kiệm, hiệu quả

31/10/2014, 19:11

Bộ GTVT điều chỉnh một số công trình đã tiết kiệm 35.000 tỷ, trong khi chúng ta cần 40.000 tỷ để giải quyết tiền lương. Đó là Bộ GTVT, nhiều ngành khác cùng thực hiện, nguồn lực thu về sẽ lớn thế nào?

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc (ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh)
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Phúc (ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh)

Ngân sách giảm vẫn phải hỗ trợ doanh nghiệp

Tiếp tục chương trình thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, sáng 31/10, gần 40 đại biểu đã đăng ký phát biểu, mổ xẻ các nội dung trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề xuất các giải pháp để tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế cũng như đảm bảo thực hiện các mặt của đời sống dân sinh.

Đại biểu Đỗ Thị Hoàng (Quảng Ninh) cho rằng, nợ công không phải vấn đề riêng của Việt Nam hay các nước đang phát triển. Năm ngoái, Mỹ cũng đang đối mặt với vấn đề nợ công nghiêm trọng. Tuy nhiên nợ công của chúng ta đã tăng nhanh, trong khi nguồn thu ngân sách chủ yếu dựa trên tài nguyên khoáng sản xuất khẩu. Vì vậy phải rà soát các yếu tố ảnh hưởng đến nợ công, kiểm soát chặt để cho chiến lược trả nợ rõ ràng.

"Cần quyết liệt tháo gỡ khó khăn cho DN, quản lý chặt chẽ hơn việc chi tiêu công, ưu tiên nguồn lực cho các ngành trọng yếu, hạ tầng cơ sở; đổi mới chi tiêu công; minh bạch hóa hoạt động của bộ máy nhà nước; tiếp tục đẩy nhanh xây dựng thể chế về ngân sách nhà nước. Ngoài ra, tăng cường giám sát của QH, kiểm toán nhà nước, xác định trách nhiệm không chỉ của riêng ai đối với các giải pháp thắt chặt nợ công.

Trong khi đó, theo ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng), kế hoạch năm 2015 đã đi vào đường ray, do đó khoảng cách điều chỉnh chính sách sẽ khó và các chỉ tiêu tăng trưởng sẽ giữ ở tốc độ ổn định. Vì thế, không nên đề ra các chính sách mang tính đột phá, bởi chúng ta sẽ không có đủ thời gian.

"Chúng ta cần phải phân tích thêm về vấn đề tăng sản xuất. Báo cáo của Chính phủ chưa phân tích rõ tại sao các báo cáo của ADB, IMF, World Bank hạ chỉ tiêu tăng trưởng của thế giới nhưng ở ta chỉ tiêu tăng trưởng vẫn tăng?. Vậy yếu tố nào giúp tốc độ tăng trưởng của Việt Nam có được chỉ tiêu trong mơ đó?", ông Kiên đặt câu hỏi và cho rằng, trong kế hoạch 5 năm, có 11 chỉ tiêu tiêu tiền chỉ có 7 chỉ tiêu làm ra tiền.

"Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay thì đưa ra chỉ tiêu tiêu tiền có thu được nguồn thu ngân sách không hay sẽ làm nợ công tăng lên? Đây cũng là vấn đề mà nhiều cử tri và Đại biểu băn khoăn", ông Kiên nói.

Cũng đề cập đến vấn đề nợ công, ĐB Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) cho rằng, nợ công những năm qua đã tăng khá nhanh đi cùng nghĩa vụ trả nợ tăng nhanh mà một phần nguyên nhân là do hiệu quả quản lý vốn vay không chặt chẽ. Khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, thu ngân sách sụt giảm nhưng cũng vẫn phải dùng nguồn lực để hỗ trợ DN và đảm bảo an sinh xã hội.

Nên tăng lương cho nhóm có thu nhập thấp

Đề cập tới vấn đề tăng lương, Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Bình Định) nói: "Đề nghị Chính phủ nghiên cứu tăng lương thông qua các nguồn: tiết kiệm 10% chi thường xuyên, nguồn cắt giảm đình hoãn các dự án chưa thực sự cần thiết; nguồn vượt thu ngân sách, tiền thu hồi từ các vụ án tham nhũng... Đại biểu cũng cho rằng, nếu không thể tăng lương cho toàn bộ thì nên tăng cho một nhóm cán bộ công nhân viên chức có thu nhập thấp. Đồng thời thực hiện tinh giảm biên chế như đề án tái cơ cấu", bà Thủy nói.

Còn theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Nguyễn Văn Phúc (ĐB tỉnh Hà Tĩnh), Quốc hội ít bàn và đánh giá về những gì chúng ta mất đi hàng năm. Có thể tăng trưởng 5,8% và cao hơn nữa nhưng hàng năm luôn có những thất thoát và thiệt hại do nguyên nhân khách quan, chủ quan. Vì vậy trong báo cáo của Chính phủ cần có thêm đánh giá này.

Ông Phúc lấy ví dụ, trong vấn đề TNGT, mỗi năm mất đi 50.000 - 60.000 tỷ đồng. Hay mỗi năm có 150.000 người mắc bệnh ung thư, 75.000 người chết. Đó là những thiệt hại rất lớn. Theo đại biểu, phải tính toán những con số này trong bài toán kinh tế.

Trong khi đó, hiện có nhiều công trình xây ra không sử dụng hoặc không duy tu bảo dưỡng nên xuống cấp nghiêm trọng, thiệt hại rất lớn. Nếu xử lý được vấn đề này thì sẽ có nguồn để giải quyết cá vấn đề an sinh xã hội, tăng lương.

Bộ GTVT đã có ý thức về điều chỉnh dự án, công trình tiết kiệm. Chỉ điều chỉnh một số công trình mà tiết kiệm 35.000 tỷ trong khi chúng ta cần 40.000 tỷ để giải quyết tiền lương. Tức là có thể điều chỉnh thiết kế công trình để tiết kiệm chi phí. Chỉ  riêng Bộ GTVT đã như thế, còn nhiều ngành khác cùng thực hiện thì nguồn lực thu về sẽ lớn như thế nào?”, ông Phúc đặt câu hỏi.

Tiếp tục lấy ví dụ về ngành GTVT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, chúng ta chỉ nghĩ đến việc tăng thu trong khi việc tiết kiệm lại ít nghĩ đến, chẳng hạn như việc Bộ GTVT đã làm được là kiểm soát tải trọng phương tiện để giữ đường, giảm tai nạn. “Nhưng rõ ràng có những việc mà một mình Bộ GTVT không làm được, cần phối hợp với các bộ ngành, Công an, chính quyền địa phương. Làm vậy sẽ giải quyết được phí bảo trì và tiền thu của nhân dân để bảo trì đường bộ. Chính Phủ cần có mục riêng báo cáo vấn đề này”, ông Phúc đề nghị.

Bình Minh

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.