Xã hội

Đại biểu Quốc hội: Kết luận thanh tra chậm 1-6 năm, chế tài nào xử lý?

25/10/2022, 13:47

Các ĐBQH đề nghị dự thảo Luật nên quy định rõ tỷ lệ được trích lại sau thanh tra để đảm bảo tính rõ ràng, thống nhất.

Quy định rõ khoản tiền trích lại qua các cuộc thanh tra

Sáng 25/10, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV tiếp tục thảo luận về dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi).

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An) cho biết, về quy định cho phép các cơ quan thanh tra được trích một phần tiền từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra, nên quy định rõ tỷ lệ được trích trong dự thảo Luật để bảo đảm tính rõ ràng, thống nhất và nên quy định ở mức tương thích, đảm bảo công bằng giữa các lực lượng.

img

Đại biểu Trần Nhật Minh (đoàn Nghệ An)

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Kiều (đoàn Đắk Nông) cũng cho hay, khoản 3 Điều 111 của dự thảo quy định: Các cơ quan thanh tra được trích một phần số tiền từ các khoản thu phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ, để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất, khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

"Tuy nhiên, chưa quy định rõ khoản phần trăm được trích lại, đề nghị cần bổ sung thêm", đại biểu Kiều đề xuất.

Đại biểu Sùng A Lềnh (đoàn Lào Cai) nhìn nhận, đây không phải là nguồn kinh phí thường xuyên, cơ bản, chỉ mang tính chất hỗ trợ, động viên nên đưa vào kinh phí hoạt động này chưa phù hợp; đề nghị sửa thành kinh phí được trích từ các khoản thu hồi do phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước giao cho Chính phủ quy định chi tiết về nội dung này.

img

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong

Liên quan đến vấn đề này, trong phần tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết: Cơ quan thanh tra là một trong những cơ quan trong khối nội chính chính có chức năng nhiệm vụ đặc thù của khối nội chính, nhất là trên mặt trận đấu tranh phòng chống tham nhũng tiêu cực, rất gian nan phức tạp và công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại của người dân.

Do vậy, theo quy định của Luật Thanh tra hiện hành năm 2010 và thực tế những năm qua theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Chính phủ đã quy định tỷ lệ trích môt phần số tiền sau thanh tra cho cơ quan thanh tra để nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, khen thưởng cho tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.

Mặt khác, thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN), cơ quan cải chính các cấp khi phê duyệt dự toán NSNN hàng năm cho các cơ quan thanh tra đều đưa dự kiến số tiền trích lại vào dự toán thu, chi để quản lý và sử dụng theo đúng quy định của Luật NSNN.

Do vậy, trên cơ sở dự thảo Luật, Chính phủ sẽ quy định cụ thể đảm bảo phù hợp với Luật NSNN, cân đối hài hoà về chế độ chính sách giữa ngành thanh tra và ngành khác, phù hợp với chủ trương cải cách tiền lương.

"Mặc dù được trích lại nhưng các cơ quan không được chủ động trích tiêu mà sẽ được kiểm soát qua cơ quan tài chính và Kho bạc Nhà nước", Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh.

img

Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam)

Đề nghị quy định rõ chế tài xử lý việc chậm ban hành kết luận thanh tra

Quan tâm đến vấn đề kết luận thanh tra với Kiểm toán Nhà nước khác nhau, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, thực tế đã diễn ra tình trạng này. Đồng thời, băn khoăn nếu trong trường hợp có độ trễ, Kiểm toán nhà nước có kết luận khác với kết luận thanh tra thì xử lý như thế nào?

"Luật phải quy định cụ thể chế tài về vấn đề này và trách nhiệm của Trưởng đoàn đưa ra kết luận", đại biểu Hạ nhấn mạnh.

Về vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra, đại biểu Hạ cho rằng, có những cuộc thanh tra từ năm 2015, 2016 mà đến giờ vẫn chưa có kết luận thanh tra. Đáng chú ý, thực tế người ký kết luận thanh tra lại không tham gia Đoàn thanh tra và Trưởng đoàn thanh tra có nhiệm vụ báo cáo với người quyết định thanh tra.

Từ đó, bày tỏ băn khoăn về chế tài giải quyết việc chậm ban hành kết luận thanh tra, nguyên nhân cũng như giải pháp khắc phục và đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ những vấn đề này.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (đoàn TP Đà Nẵng) cùng cho rằng, tại Điều 76 quy định về ban hành kết luận thanh tra đang bỏ trống quy định việc chậm ban hành kết luận thanh tra.

"Thực tế cho thấy còn gần 30 cuộc thanh tra của các cơ quan thanh tra Trung ương đối với bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp đến nay vẫn chưa có kết luận. Thời gian chậm ban hành từ 1 năm đến hơn 6 năm", đại biểu Thuý lấy dẫn chứng và đề nghị cần quy định rõ vấn đề chậm ban hành kết luận thanh tra trong dự thảo luật.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.