Chính trị

Đại biểu Quốc hội “thất vọng và hoang mang” bởi câu trả lời của Viện, Tòa

10/11/2020, 11:29

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án TAND chưa đưa ra được giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý các án dân sự, thương mại

img
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (trái) và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí.

Sáng 10/11, nghị trường Quốc hội tiếp tục “nóng” tranh luận về quá trình xử lý các vụ án.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng (đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) cho biết, ngày 9/11, ông có tranh luận với Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án TAND tối cao về việc các bản án dân sự, án thương mại kéo dài quá dài, chồng chất.

"Tuy nhiên, sau khi nghe ý kiến của Viện trưởng và Chánh án, tôi thực sự thấy thất vọng và hoang mang. Tôi đồng ý với ý kiến của 2 vị cho rằng án thương mại, dân sự kéo dài, chồng chất do gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy điều mà cử tri cần là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, TAND tối cao phải đưa ra được giải pháp gì để khắc phục vấn đề này nhằm giảm bớt thiệt hại, chi phí cho xã hội. Tôi chưa nghe được câu trả lời thỏa đáng về giải pháp đẩy nhanh tiến độ xử lý các án dân sự, thương mại", đại biểu Công Hồng nói.

Cũng tranh luận với Chánh án TAND Tối cao, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) đề cập việc chậm chuyển giao hồ sơ giải quyết giám đốc thẩm và tái thẩm. Theo ông, khâu tổ chức thực hiện có vấn đề, vì số liệu có nhiều hồ sơ Viện Kiểm sát nhân dân đề nghị chuyển nhưng Toà không trả lời, không có lý do.

Tranh luận với Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) đánh giá trong vụ Công ty Thuận Phong, sự chậm trễ của một số cán bộ công chức Bộ KH&CN trong giám định bổ sung là vô trách nhiệm. Ông Cương đánh giá việc này không phức tạp nhưng lại "ngâm tôm". Vì vậy, đại biểu đề nghị xử lý kiểm điểm, kỷ luật, kể cả người đứng đầu.

Trước đó, trong phiên chất vấn ngày 9/11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Công Hồng (đại biểu QH tỉnh Đồng Nai) hỏi người đứng đầu hai cơ quan tư pháp: Theo quy định hiện hành, thời hạn để giải quyết vụ án dân sự, kinh doanh thương mại nhanh nhất là 9-10 tháng. Nhưng thực tế tiến độ không đạt được mà bị kéo dài hoặc rất dài, ảnh hưởng lớn đến đời sống dân sự và sự phát triển của sản xuất, kinh doanh. Ông Hồng đề nghị cho biết giải pháp cải thiện tình hình này.

Trả lời, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Lê Minh Trí thừa nhận việc kéo dài thời hạn giải quyết các vụ án, vụ việc dân sự, kinh doanh thương mại đang là một bức xúc hiện nay. Tuy nhiên, cơ chế giải quyết án dân sự, kinh doanh thương mại khác với một vụ án hình sự.

Cụ thể, đương sự khởi kiện thì đương sự phải có nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ để chứng minh yêu cầu khởi kiện. Trường hợp cần thiết có thể yêu cầu tòa xác minh, thu thập các tài liệu, chứng cứ. Nhưng thực tế, không phải lúc nào các cơ quan, tổ chức cũng đáp ứng được thời hạn yêu cầu các tài liệu, chứng cứ và tòa án cũng “không làm gì được” trong trường hợp này.

Ông Trí cho rằng cần đặt vấn đề xem xét chế tài trách nhiệm những tổ chức, cá nhân chậm cung cấp tài liệu. Trường hợp tài liệu, chứng cứ có rồi mà tòa chậm thụ lý… cũng có chế tài trách nhiệm.

Đồng tình, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu thực tế đôi bên kiện nhau, nếu như một bên cảm thấy thua cũng thường cố tình kéo dài, không muốn ra tòa, tìm mọi cách để trì hoãn. Trường hợp này tòa cũng chịu, không giải quyết được.

img

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: "ĐBSCL có 300km cao tốc vào năm 2025 là khả thi"

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.