Xã hội

Đại biểu Quốc hội: Việc tranh luận trong gia đình cũng cần phải có giờ giấc

14/06/2022, 16:09

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho rằng, đài phát thanh thì có giờ, có giấc nhưng "đài phát thanh trong gia đình" thì không có giờ giấc gì cả.

Buộc phải chăm sóc cha mẹ người đã ly hôn?

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, chiều nay (14/6), Quốc hội tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

img

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp)

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, cần phải rà soát cụ thể lại 17 hành vi bạo lực gia đình.

"Quy định vợ chồng đã ly hôn buộc phải chăm sóc cha mẹ người đã ly hôn là không hợp lý, khó tổ chức thực hiện", ông Hòa nêu quan điểm

Một bất cập được đại biểu Hòa đề cập là quy định tại cơ sở phải có trại tạm giữ cho người bạo lực. Theo ông Hoà, người bạo lực có dấu hiệu hình sự thì sẽ bị công an tạm giữ, còn chưa đến hình sự thì công an xã có thể tạm giữ theo thời gian quy định.

"Quy định có trại tạm giữ cho người bạo lực tại cơ sở sẽ không hợp lý và có thể vi phạm về nhân quyền", ông Hòa nói.

Quy định Chủ tịch UBND các cấp phải đối thoại với người bạo lực và người bị bạo lực hàng năm cũng là điều mà đại biểu Hoà cho rằng bất hợp lý. Ông Hòa cho rằng, chỉ cần giao Chủ tịch UBND cấp xã đối thoại hàng năm với người bạo lực và người bị bạo lực là phù hợp.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng cho rằng, việc tranh luận trong gia đình cũng cần phải có giờ giấc.

"Đài phát thanh thì có giờ, có giấc nhưng "đài phát thanh trong gia đình" thì không có giờ giấc gì cả, thậm chí nửa đêm cũng phát thanh", ông Hòa nói.

img

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đàn Bà Rịa - Vũng Tàu)

Bảo vệ hạnh phúc gia đình không chỉ là trách nhiệm của phụ nữ

Tranh luận về một ý kiến của đại biểu cho rằng việc bảo vệ hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, điều này chỉ đúng một phần, tuy nhiên chưa đủ và chưa đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới, sự tiến bộ của xã hội.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần đối chiếu, cân nhắc việc sử dụng cụm từ "trên cơ sở giới định kiến giới" tại Khoản 2, Điều 3 của dự thảo Luật để đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới và thống nhất các chuẩn mực quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Đối với quy định về hành vi bạo lực gia đình, nữ đại biểu đề nghị Ban soạn thảo thảo cân nhắc xem xét, phân loại theo nhóm, tính chất, mức độ hành vi để làm cơ sở xây dựng quy định, chế tài tương ứng với các điều khoản tiếp theo của Luật này, vừa đảm bảo khoa học, dễ tiếp cận và áp dụng được thuận lợi hơn.

Đối với quy định về cưỡng ép vợ hoặc chồng mang thai, phá thai, lựa chọn giới tính thai nhi, đại biểu đề nghị nên bỏ cụm từ "vợ hoặc chồng" và chỉnh sửa theo hướng cưỡng ép mang thai, phá thai, chọn giới tính thai nhi để đảm bảo khoa học, chặt chẽ.

"Bởi các hành vi bạo lực như nêu trên không chỉ có vợ hoặc chồng mà còn có thể có sự can thiệp, cưỡng ép từ các thành viên khác trong gia đình như ông bà, cha mẹ", bà Phúc nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.