Hạ tầng

Dai dẳng điệp khúc "hễ mưa là ngập": Đâu là giải pháp ứng phó?

19/08/2020, 06:45

Gần đây, cứ sau mỗi trận mưa lớn, tình trạng “phố biến thành sông” vẫn diễn ra trên nhiều tuyến đường, phố tại Hà Nội

img
Đường Chiến Thắng (quận Hà Đông, Hà Nội) ngập nặng sau trận mưa tối 5/8

Dù Hà Nội đã có quy hoạch thoát nước, có hệ thống cảnh báo hiện đại, song gần đây, cứ sau mỗi trận mưa lớn, tình trạng “phố biến thành sông” vẫn diễn ra trên nhiều tuyến...

Dai dẳng điệp khúc “hễ mưa là ngập”

Cuối giờ chiều 17/8, Hà Nội xuất hiện trận mưa lớn và dù chỉ kéo dài hơn 1 giờ, song nhiều tuyến phố nội đô chìm trong biển nước, giao thông gần như tê liệt vào giờ tan tầm. Khu vực ngập không chỉ là những tuyến phố ven đô, vùng trũng mà cả những tuyến phố nội đô như: Tràng Tiền, Hàng Khay, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo... cũng ngập sâu.

Ông Bùi Ngọc Uyên, Phó trưởng phòng Đối ngoại Truyền thông, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, trận mưa chiều 17/8 diễn ra trên diện rộng nhưng tập trung dồn dập ở 4 quận nội thành, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm với cường độ khoảng 143mm làm cho hệ thống thoát nước bị quá tải, dẫn đến nước không thoát kịp và nhiều khu vực bị ngập sâu.

Trước đó, trận mưa kéo dài từ 17h đến tối muộn ngày 5/8 cũng khiến nhiều ngả đường phía Tây Hà Nội ngập sâu.

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cấp thoát nước Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng) cho rằng, đặc thù mưa của Hà Nội là mưa vùng, không đồng đều, thời gian mưa ngắn nhưng cường độ lớn (có trận mưa trong 30 phút nhưng cường độ đến 70mm) nên không có hệ thống cống thoát nào đáp ứng được.

Trong khi đó, thoát nước của Hà Nội vẫn là hệ thống chung nước mưa và nước thải, vừa vận hành vừa cải tạo, chưa kể việc cải tạo được tiến hành trên cơ sở hạ tầng của một đô thị cũ.

“Đặc biệt, quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh cũng là nguyên nhân chính làm cho hệ thống thoát nước Thủ đô quá tải. Đơn cử, trước đây phía Tây được xác định là khu vực thoát nước của Hà Nội, có thể xây dựng hệ thống thoát nước mới như hệ thống cống bơm, chuyển tải nước mưa.

Tuy nhiên, chỉ 5-7 năm trở lại đây, khu vực này lại thành vùng ngập úng do tốc độ đô thị hóa, bê tông hóa diễn ra quá nhanh dẫn đến mất kiểm soát”, ông Tiến nói.

Chủ động giải quyết úng ngập thay vì chờ tài trợ

Ông Nguyễn Hồng Tiến cũng cho rằng, thời gian tới, Hà Nội cần phải thực hiện đồng loạt các giải pháp như: Xây dựng bể ngầm, hồ chứa nước mưa để thu nước mưa tại chỗ, bảo đảm được hệ thống hồ điều hòa không bị lấn chiếm, san lấp sử dụng vào mục đích khác.

11 vị trí được xác định là trọng điểm úng ngập ở Hà Nội trong năm 2020 gồm: Phố Nguyễn Khuyến; Ngã năm Đường Thành - Bát Đàn - Nhà Hỏa; Ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường Kiệt; Thụy Khuê (dốc La Pho), Hoa Bằng (đoạn số nhà 91 đến số nhà 97 và số nhà 54 đến 56); Cao Bá Quát (đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị); Minh Khai (chân cầu Vĩnh Tuy); Ngọc Lâm, Hoàng Như Tiếp; Ngã ba Vũ Trọng Phụng - Quan Nhân; Đại lộ Thăng Long (ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6).

“Quy hoạch thoát nước của Hà Nội đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2013, nhưng sau quy hoạch, việc đầu tư xây dựng mới cho hệ thống thoát nước rất hạn chế. Việc khởi công xây dựng trạm xử lý nước thải Yên Xá công suất 240.000m3/ngày đêm vừa qua cũng chỉ là nguồn vốn ODA.

Do đó, thay vì chờ vào các nguồn viện trợ, Hà Nội cần chủ động ưu tiên nguồn vốn ngân sách cho việc xây mới, cải tạo, duy tu, nâng cấp hệ thống tiêu thoát nước”, ông Tiến nói và cho rằng, chỉ khi nào Hà Nội hoàn thành công tác xây dựng hệ thống thoát nước đáp ứng lượng mưa trên 300mm trong hai ngày với cường độ lớn thì tình trạng ngập mới được kéo giảm.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm, Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, để hạn chế tình trạng “phố biến thành sông”, Hà Nội phải sớm hoàn thiện, điều chỉnh các dự án thoát nước, đặc biệt là các quy hoạch có liên quan đến điểm úng ngập.

Ví dụ, hiện nay quy hoạch khu vực phân khu quận Hoàn Kiếm nói chung, khu vực hồ Gươm và vùng phụ cận đã được nghiên cứu 8 năm nhưng vẫn chưa được phê duyệt. “Trên cơ sở đó điều chỉnh lại dự án thoát nước. Trước đây, dự án thoát nước của Hà Nội chỉ tính đến lưu lượng nước mưa 200mm nhưng hiện tại, dưới tác động của biến đổi khí hậu, Hà Nội đã có những đợt mưa 300 - 400mm”, TS. Nghiêm nói.

Còn theo ông Bùi Ngọc Uyên, để kiểm soát tình trạng ngập úng tại Thủ đô, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã lắp đặt camera tại 31 vị trí để theo dõi trên các tuyến phố, tập trung tại các quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy.

“Giải pháp quan sát trực tuyến này khá hiệu quả, giúp đơn vị nắm bắt tình hình thực tế, từ đó tích hợp trong phần mềm HSDC Maps để người dân có thể tham khảo, theo dõi, phục vụ cho việc đi lại thuận tiện hơn. Trong phần mềm cũng có chức năng tương tác, quá trình di chuyển, mọi người phát hiện những sự cố trên hệ thống thoát nước hoặc ngập lụt đều có thể thông báo cho trung tâm điều hành của công ty, từ đó có những giải pháp xử lý”, ông Uyên nói và cho biết, các đội phụ trách địa bàn vẫn luôn có phương án bố trí công nhân, thiết bị để xử lý nhanh nhất các sự cố thoát nước.

Thông tin từ Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, hiện Hà Nội có các công trình phục vụ việc tiêu thoát nước như Trạm bơm đầu mối Yên Sở (dự án thoát nước giai đoạn 1) với công suất 90m3/s phụ trách cho lưu vực trung tâm 77,5km2 đã hoàn thành.

Dự án Trạm bơm Yên Nghĩa công suất khoảng 120m3/s phụ trách cho lưu vực sông Nhuệ (liên quan đến khu vực Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, một phần Cầu Giấy, Hà Đông, hiện tại trạm bơm đã xong nhưng hạ tầng kênh La Khê đang tiếp tục hoàn thiện, đưa vào sử dụng sớm nhất năm 2021, góp phần giải quyết thoát nước cho khu vực tốt hơn.

Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn I) có công suất thiết kế rất lớn, khoảng 135m3/s nhưng hiện vẫn chưa triển khai.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.